'Cô dâu' trên những cung đường Pakistan

GD&TĐ - Mỗi tài xế Pakistan đều nỗ lực khiến cho chiếc xe của mình đẹp đẽ, độc đáo hơn người khác và thân thương gọi nó là 'cô dâu'.

Với tài xế Pakistan, xe tải là 'cô dâu sang chảnh' nhất. Ảnh: Nathqan Mahendra, Atlasobscura.com
Với tài xế Pakistan, xe tải là 'cô dâu sang chảnh' nhất. Ảnh: Nathqan Mahendra, Atlasobscura.com

Pakistan có khoảng 270 nghìn xe tải đang chạy trên đường. Hầu hết chúng được trang trí sặc sỡ bằng hình vẽ/dán hoa văn, tua rua kim loại… cực kỳ bắt mắt. Mỗi tài xế đều nỗ lực khiến cho chiếc xe của mình đẹp đẽ, độc đáo hơn người khác và thân thương gọi nó là “cô dâu”.

Nghệ thuật phương tiện

Người Pakistan sử dụng nhiều phương tiện để di chuyển. Song, các tài xế nơi đây xem xe cộ như tường vẽ, hình thành bộ môn nghệ thuật mới: Phool patti.

Phool patti áp dụng cho hầu hết các loại hình phương tiện, từ xe kem, máy kéo đến xe buýt, xe tuk và đặc biệt là xe tải. Nếu đến Pakistan, nhiều người bị choáng ngợp bởi lượng xe tải là phổ biến và xe nào xe nấy rực rỡ như những đóa hoa.

“Sở thích trang trí phương tiện có sẵn trong gen của chúng tôi”, Ali Salman Anchan - người sáng lập và Giám đốc sáng tạo đương nhiệm của Công ty Phool Patti nổi danh toàn cầu, tự hào nói.

Theo ghi nhận lịch sử, từ thời Văn minh Thung lũng Indus (2600 - 1700 TCN), người Pakistan đã thích thú trang hoàng cho thuyền và động vật vận chuyển (chủ yếu là lạc đà). Họ say mê vẽ lên thân thuyền, đeo trang sức cho động vật vận chuyển, biến chúng thành những phương tiện xinh đẹp, đáng yêu bậc nhất.

Suốt thời phong kiến và thuộc địa, Pakistan duy trì nghệ thuật trang trí phương tiện. Đầu thế kỷ XX, xe tải có mặt ở đây. Lập tức, nó được các tài xế “có máu trang trí phương tiện từ trong gen” biến thành “tác phẩm nghệ thuật”.

Nghệ sĩ đầu tiên vẽ xe tải có lẽ là họa sĩ hoàng cung Mughal và Rajasthani thất nghiệp. “Không còn việc làm vì bị thực dân Anh chiếm mất cung điện, họ đành phải tìm sinh kế mới và nhận ra vẫn có thể tận dụng tài năng bằng cách áp dụng lên xe ngựa và xe tải”, Ali suy luận.

Ban đầu, hình vẽ trang trí xe tải chỉ là tranh các vị thần Hindu và đạo sư Sikh, với mục đích cầu an. Dần dà, nghệ thuật vẽ xe tải mở rộng. Các họa sĩ thi nhau xem bề ngoài chiếc xe như mặt tranh mà thỏa sức sáng tạo.

Tự phát nhưng cầu kỳ

Mỗi nghệ nhân và vùng miền Pakistan lại có một phong cách trang trí xe tải riêng. Ảnh: Nathqan Mahendra, Atlasobscura.com

Mỗi nghệ nhân và vùng miền Pakistan lại có một phong cách trang trí xe tải riêng. Ảnh: Nathqan Mahendra, Atlasobscura.com

Phool patti không hình thành trường phái chính thức, nhưng vẫn lan rộng và chiếm lĩnh một phần nghệ thuật Pakistan. Các nghệ nhân trang trí xe đều tự phát, tùy hứng xây dựng phong cách riêng và tự mình bước lên vị trí bậc thầy.

Mỗi vùng Pakistan đều có 1 hoặc một vài bậc thầy phool patti. Mỗi miền lại có một phong cách, họa tiết đặc trưng. Ví dụ ở thành phố cảng Karachi, người ta thích vẽ xe tải bằng màu nước, màu huỳnh quang, khảm gương và đồ gỗ.

Ở Rawalpindi, họ lại ưa nghệ thuật cắt dán… Chỉ cần nhìn vào 1 chiếc xe tải, “dân trong nghề” lập tức nhận ra đó là tác phẩm của nghệ nhân hoặc vùng nào.

Thông thường, nghệ nhân phool patti “tốn” khoảng 10 ngày/chiếc xe tải. Nếu chủ xe có yêu cầu riêng, họ sẽ thực hiện theo. Hình trang trí xe tải rất đa dạng, bao gồm từ hoa văn truyền thống đến ảnh chính trị gia, vận động viên, minh tinh màn bạc… Phool patti cũng chạy theo “mốt”.

Nghệ nhân phool patti rất chú ý nắm bắt xu hướng mới, họa hóa, lôi kéo các chủ xe. “30 năm trước, khi cựu Thủ tướng Imran Khan (1952) vẫn là vận động viên cricket và giành chức vô địch thế giới (1992), chúng tôi vẽ các ngôi sao cricket lên xe tải”, Ali đưa ví dụ.

Giữa các chủ xe cũng có sự cạnh tranh phool patti. “Với tôi, chiếc xe tải là niềm tự hào. Tôi muốn nó phải đẹp hơn bất kỳ chiếc xe nào, không quản tổn phí trang trí là bao nhiêu”, Gulam Nabi (45 tuổi), sở hữu 10 chiếc xe tải, tuyên bố.

Phương tiện truyền thông xã hội

Thông qua nghệ thuật trang trí xe tải, người Pakistan phản ánh từ mong ước cá nhân đến “tâm trạng” quốc gia. Ảnh: Nathqan Mahendra, Atlasobscura.com

Thông qua nghệ thuật trang trí xe tải, người Pakistan phản ánh từ mong ước cá nhân đến “tâm trạng” quốc gia. Ảnh: Nathqan Mahendra, Atlasobscura.com

“Với tài xế Pakistan, xe tải vừa là niềm tự hào vừa là ngôi nhà để mà sống”, Ali phản ánh. Quả thực, thời gian mà các tài xế ở trong xe tải rất dài. Hầu hết xe tải đều được sử dụng với mục đích vận chuyển đường trường. Các tài xế thường ăn ngủ trên xe.

“Ngoài việc xem xe như nhà, họ còn coi nó như “cô dâu” mà đặc biệt trân trọng, trang hoàng lộng lẫy hết khả năng”, Ali nói tiếp. Mỗi một cm bề mặt xe tải đều phải được quan tâm, trang trí hợp lý và thật đẹp.

Các tài xế vô cùng thích màu sắc sặc sỡ, thường yêu cầu họa tiết màu đỏ - tương ứng với màu váy cưới truyền thống. Họ cũng không quên quấn quanh chiếc xe bằng tua rua kim loại mô phỏng trang sức. “Cô dâu” phương tiện càng lộng lẫy, “chú rể” tài xế càng hãnh diện.

Nếu tài xế xem xe tải như phương tiện phản ánh phong cách, sở thích cá nhân thì các thương hiệu lại tận dụng quảng bá sản phẩm. Dần dà, các nhà hoạt động xã hội, môi trường, giáo dục… cũng tìm đến, biến xe tải thành phương tiện truyền bá thông điệp.

Nhờ phool patti, nhà nhân chủng học kiêm nhà làm phim tài liệu Samar MinAllah Khan thành công trong việc lan rộng thông điệp chống tảo hôn, lạm dụng tình dục, lao động cưỡng bức và giết người vì danh dự đến khắp ngõ ngách Pakistan. Chưa hết, ông còn hợp tác với tổ chức thám tử Roshni, vẽ chân dung trẻ em mất tích lên xe tải, hỗ trợ tìm kiếm và điều tra.

“Ngày nay, phool patti đóng vai trò của một phương tiện truyền thông xã hội. Thông qua nó, chúng tôi biết được từ nỗi ưu tư cá nhân đến “tâm trạng” của quốc gia”, Ali khẳng định.

Một vài nơi ở Pakistan còn tận dụng phool patti phá vỡ định kiến về con người, vùng miền. Như ở Pashtun, khu vực sát Afghanistan, nơi nam giới bị gắn mác “đồ tể cầm súng”, nghệ thuật xe tải đã giúp họ bộc lộ bản chất yêu nghệ thuật, say mê thơ ca. Bây giờ, không ai gọi đàn ông Pashtun là “những gã bạo lực” nữa, mà tôn vinh họ như “chàng thơ”.

Theo Atlasobscura

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ