Có đáng lo khi tính con hướng nội?

GD&TĐ - Khi cố gắng xác định tính cách của con để có hướng nuôi dạy cho đúng, bạn rất dễ gán con vào dạng công chúa ngủ trong rừng, mọt sách thích ngồi lì một chỗ hay đứa trẻ siêu quậy, tăng động không thể ngồi yên. 

Đừng cố gắng ép buộc con tham gia vào tất cả các hoạt động mà bạn cho là tốt (Ảnh: Real Simple)
Đừng cố gắng ép buộc con tham gia vào tất cả các hoạt động mà bạn cho là tốt (Ảnh: Real Simple)

Và một khi đã dán xong nhãn cho con, chúng ta sẽ lập tức có những băn khoăn lo lắng (Tí Hướng Nội nhà mình có ở trong phòng nhiều quá không? Ti Hướng Ngoại liệu có bao giờ hiểu được vẻ đẹp của sự yên lặng hay không?)

Trước tiên bạn hãy bình tĩnh và hiểu rằng “hướng nội” và “hướng ngoại” không phải là thứ dứt khoát và không thể thay đổi như nhóm máu – đó là khẳng định của Jerome Kagan, Giáo sư Danh dự Ngành Tâm lý học, Đại học Harvard. Các thuật ngữ “hướng nội” hay “hướng ngoại” cũng không cho thấy một người thuộc dạng chống đối xã hội hay dạng tồng tộc mồm không lên được da non.

Trong hầu hết mọi người đều có cả hai loại “hướng” này, và chúng ta thể hiện ra các khía cạnh khác nhau của mình trong những tình huống khác nhau – đó là lý do vì sao đứa trẻ khư khư bám váy mẹ tại bữa tiệc sinh nhật lại có thể tồng ngồng phấn khích chơi trò lộn mèo trong buổi họp gia đình. Và không phải đứa trẻ 4 tuổi hướng nội hay hướng ngoại nào cũng sẽ y nguyên như thế 20 năm sau.

Bất kể con bạn thuộc kiểu nào thì dưới đây là những cách giúp bé tồn tại và phát triển (và bạn cũng bớt phải lo lắng.)

Nếu con bạn hướng nội…

Con bạn có thể trầm tĩnh, thận trọng, thuộc dạng chăm chú đọc Harry Potter hơn là chơi trượt ván ngoài đường; bé thích nuôi dưỡng vài mối quan hệ gần gũi hơn là kết bạn với tất cả mọi người. (Nhân tiện, tác giả J. K. Rowling từng trả lời phỏng vấn rằng bà khi còn nhỏ là một đứa trẻ hướng nội.)

Đứa con hướng nội của bạn có thể không thích những môi trường mới mẻ, đông đúc và ồn ào, và có bằng chứng cho thấy không phải bé cố tình như thế. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cơ thể một số người hướng nội tiết ra cortisol – một hormone sản sinh khi căng thẳng, khi họ tương tác với những người mà họ không biết.

Hướng nội không phải là điều tội lỗi hay đáng xấu hổ, dù xét theo bất kỳ khía cạnh nào; kể cả ở Mỹ – nơi tính xã hội được đề cao – thì việc có tính cách hướng nội cũng hoàn toàn không vấn đề gì.

Những đứa trẻ sống nội tâm thường thích loanh quanh ở bên rìa lâu hơn một chút và quan sát cẩn thận trước mỗi bước đi của mình, do đó nhiều khả năng tránh được các rắc rối và ít tham gia vào các vụ cãi vã tại trường.

Những người hướng nội còn thường có khả năng lắng nghe tốt, suy nghĩ sâu sắc và là những người bạn trung thành. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một số mối tương quan giữa tính hướng nội với năng khiếu đặc biệt trong những việc đòi hỏi suy nghĩ thấu đáo và độc lập trong tư tưởng.

Bạn nên giúp gì cho đứa con hướng nội?

Trước tiên, hãy tôn trọng nhu cầu có thời gian và không gian riêng của con, cố kiềm chế thôi thúc đẩy con đi kết giao với thật nhiều người hoặc đăng ký cho con tham gia vào bất cứ hoạt động nào mà bạn nghĩ sẽ trau dồi các kỹ năng tương tác của bé. Thay vào đó, bạn hãy giúp con bằng cách khéo léo tạo ra trong môi trường xung quanh con những nhóm bạn bè, họ hàng… Như thế, con bạn có thể làm quen dần với các âm thanh và việc ở gần một nhóm đông.

Bạn cũng cần thông báo cho con trước khi đưa bé tham dự một sự kiện xã hội nào đó. Chẳng hạn, hãy lạc quan và vui vẻ nói với con rằng, “Mình sẽ đến một buổi tiệc tổ chức ở hồ bơi đó con. ở đó có một số người con quen và một số người thì không. Con có thể ở cạnh mẹ rồi ra chơi khi nào con sẵn sàng.”

Nếu con bạn chịu tham gia vào buổi tiệc thì trên đường về hãy khuyến khích bé bằng cách nói, “Con cần nhiều thời gian khởi động hơn các bạn một chút nhưng có vẻ như con khá thích thú. Con đã chơi vui lắm đúng không?” Đừng nói rằng “Mẹ rất tự hào về con!”, bởi đây là việc vì con chứ không phải vì sự tự hào của bạn.

Ngoài việc giúp con hòa nhập, bạn cũng cần biết lúc nào nên giúp con rút lui nữa nhé, vì càng cố gắng trong mệt mỏi và chán ngán, bé sẽ càng mất động lực để cố gắng về sau. Nếu bạn thấy con đã đuối sức thì thay vì động viên con tiếp tục tham gia, hãy gọi con ra nghỉ một chút hoặc tạm dừng cuộc chơi sớm nếu cần thiết.

Theo giadinhvietnam.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ