Cơ chế tự chủ đối với trường đại học
Trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn Hà Nội về cơ chế tài chính tự chủ của các trường đại học; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – cho biết: Bộ GD&ĐT đã được chủ trì trình Chính phủ Nghị định về cơ chế tự chủ đối với trường đại học, trong đó có nội dung tự chủ về tài chính.
Hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 trình Chính phủ ban hành trong Quý IV năm 2017. Như vậy, từ năm 2018 thì cơ chế tự chủ của các trường đại học sẽ thực hiện theo Nghị định này.
Trước câu hỏi của Đại biểu về phân tích tỷ lệ nợ đọng thuế so với các nước trên thế giới; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – cho biết: Tính đến 31/10/2017, tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu ngân sách là 6,1%, bao gồm số nợ có khả năng thu và số nợ không có khả năng thu hồi. Bình quân nợ đọng của 7 nước ASEAN là 8,5% có Malaysia, Indonexia, các nước đang phát triển là 7-8%.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cách tính thuế của chúng ta với các nước thì có thể có những phạm vi chưa đồng nhất nên việc này còn tiếp tục phải rà soát.
Liên quan đến chế tài xử phạt liên quan đến lĩnh vực thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – giải trình trước Quốc hội, việc xử phạt chuyển cơ quan điều tra thì cơ quan thuế và hải quan trong thời gian qua đã thực hiện rất quyết liệt, đúng pháp luật và cơ quan thuế, hải quan đã lấy ý kiến Viện kiểm sát và các bộ, ngành liên quan trước khi chuyển cơ quan công an hoặc khởi tố vụ án.
Cụ thể, đối với cơ quan thuế đã chủ động phối hợp với cơ quan công an trong việc chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để đề nghị điều tra, xác minh hoặc khởi tố với các hồ sơ có tính chất hình sự nhằm mục đích chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng tiếp nhận thông tin từ phía công an về các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về thuế giá trị gia tăng để kịp thời xử lý và thu hồi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội |
Xử lý hàng nghìn vụ vi phạm pháp luật về thuế
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, kết quả xử lý thì năm 2016 cơ quan thuế chuyển sang cơ quan công an là 3.261 trường hợp tin báo về tội phạm bao gồm kiến nghị khởi tố và tin báo, trong đó có 62 tin báo về hành vi trốn thuế, vi phạm pháp luật về thuế, 85 tin báo về dấu hiệu trốn thuế, 199 tin báo đề nghị phối hợp đôn đốc nợ thuế đọng, 2793 tin báo các vi phạm khác như bỏ địa chỉ kinh doanh, sử dụng hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ v.v...
Kết quả xử lý của cơ quan công an đã xử lý hình sự 23 vụ, khởi tố 20 bị can có dấu hiệu vi phạm về trốn thuế và chuyển lại cho cơ quan thuế xử lý hành chính 324 vụ. Cơ quan thuế đã tiến hành xử lý 324 vụ này, trong đó xử lý 229 vụ cơ quan không xử lý được do người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh và xử lý hành chính 95 vụ.
Trong 10 tháng năm 2017 cơ quan thuế cũng đã chuyển 657 trường hợp tin báo tội phạm gồm có kiến nghị khởi tố và tin báo sang cơ quan công an bao gồm 18 tin báo có dấu hiệu trốn thuế, 52 tin báo đề nghị phối hợp đôn đốc nợ thuế v.v...
Kết quả xử lý đến nay cơ quan công an đã xử lý hình sự 1 một vụ, khởi tố 4 bị can, có dấu hiệu vi phạm về thuế, về trốn thuế và chuyển lại cơ quan thuế xử lý hành chính 46 vụ.
Đối với cơ quan hải quan trong năm 2016 đã chủ trì xử lý 194 vụ và chuyển cơ quan công an 51 vụ. 9 tháng đầu năm hải quan cũng đã chủ trì xử lý 122 vụ và chuyển cho cơ quan công an xử lý 19 vụ.