Mới đây, ngày 20/10, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, vấn đề tự chủ về tài chính là mối quan tâm hàng đầu của các trường vì tài chính chi phối mọi hoạt động liên quan đến bảo đảm chất lượng, trong đó thu học phí ở mức nào cho hợp lý.
Thu để đảm bảo chất lượng đào tạo
Trong số 23 cơ sở giáo dục công lập trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương, gồm 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm (trong đó có 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7/2017), được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cho phép thí điểm tự chủ.
Đến thời điểm này, thời hạn thực hiện Nghị quyết 77 đã gần về đích, thời gian được giao thí điểm tự chủ đối với một số cơ sở GD ĐH cũng sắp kết thúc, nhưng bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường, đặc biệt là việc thu hút người học và đảm bảo nguồn thu...
Trong lộ trình tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành nghị định về cơ chế của các trường đại học, cao đẳng, mục đích phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 100% các trường hoạt động tự chủ.
Theo đánh giá của nhiều nhà quản lý giáo dục, việc Chính phủ tiếp tục mạnh dạn giao quyền tự chủ cho các trường cũng là hình thức “ép” các trường phải trưởng thành hơn lên, bởi khi đó trường bị cắt nguồn kinh phí chi thường xuyên của Nhà nước; để có kinh phí tiếp tục thực hiện các hoạt động đào tạo, các trường sẽ phải tính toán nhiều hơn đến tăng thu từ các nguồn khác.
Học phí sẽ buộc phải tăng, nhưng tăng ở mức nào để xã hội và người học chấp nhận được là điều các trường sẽ phải tính toán kỹ chứ không chỉ là đưa ra một con số áp đặt buộc người học phải chấp nhận.
Hiện, nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố mức thu cho phép trong năm học này theo mức thu tăng. Lý giải của những trường này việc thu là nhằm đảm bảo bù chi, để nâng cao chất lượng đào tạo.
Như các chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo tài năng, kỹ sư chất lượng cao PFIEV của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mức học phí tính theo tín chỉ từ 320.000 - 460.000 đồng/tín chỉ, khoảng 16 - 23 triệu đồng/năm.
Trường cũng công bố lộ trình tăng học phí của chương trình này đối với năm học sau cũng sẽ thêm 40.000 đồng/tín chỉ so với năm trước. Lý giải về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng: Việc vào đại học là đầu tư cho tương lai, người học nên chấp nhận vì việc các trường đại học được giao quyền tự chủ sẽ có những tính toán để áp dụng mức thu học phí mới cho phù hợp.
Mạnh dạn thực hiện tự chủ
Đối với Trường Đại học Trà Vinh, một đại học non trẻ ở miền Tây Nam Bộ, tháng 7/2017 Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Trà Vinh”, theo đó trường sẽ được trao quyền tự chủ theo tinh thần của Nghị quyết 77. Trường Đại học Trà Vinh sẽ tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Nói về việc này, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, cho biết: Thực hiện Đề án tự chủ sẽ cho phép trường thu mức học phí bình quân tối đa của trình độ đại học chính quy (trừ khối ngành, chuyên ngành đào tạo y dược) là 15,75 triệu đồng/sinh viên năm học 2017 - 2018.
Tuy nhiên, nhà trường xét thấy việc tăng học phí phải phù hợp với điều kiện của người học, phù hợp với tình hình kinh tế địa phương, nên mức quy định học phí mới được nhà trường đưa ra trong năm học 2017 - 2018 thấp hơn so với mặt bằng chung.
Khẳng định việc tự chủ tài chính gắn với nâng mức thu học phí là cần thiết đáp ứng yêu cầu đào tạo, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương - cho rằng: Thí điểm tự chủ theo tinh thần Nghị quyết 77 là bước đột phá giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo.
Học phí là nguồn thu ổn định để đảm bảo các hoạt động đào tạo, nếu mức thu thấp không đủ chi thì khó có thể nói tới chất lượng.
Với quan điểm minh bạch, công khai và hiệu quả, chính sách tài chính của trường là chủ động tăng cường việc chi đầu tư, cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng, nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư vào cơ sở dữ liệu, nâng cao chất lượng. Nhằm hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, trường không chỉ mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình học bổng cho các bạn sinh viên xuất sắc hay có hoàn cảnh khó khăn mà còn dành một phần kinh phí để đầu tư, hỗ trợ các bạn sinh viên trong các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.