Đặc biệt, nhờ cơ chế này, các trường thuận lợi hơn nhiều trong thực hiện chính sách học bổng, học phí. Giúp tăng cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH với đối tượng chính sách, sinh viên nghèo.
Góp phần tạo nền tảng vững chắc cho phát triển và hội nhập
Với khoảng thời gian không dài, nhưng kết quả tích cực của đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017 bước đầu được khẳng định tại Trường Kinh tế TPHCM.
Theo chia sẻ của GS.TS, Hiệu trưởng Nguyễn Đông Phong, nhà trường đã có đột phá mạnh mẽ trong xây dựng chương trình đào tạo theo chương trình tiên tiến quốc tế, đẩy mạnh công bố quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục, hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức, gia tăng nguồn lực tài chính, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại..., tạo nền tảng vững chắc cho phát triển và hội nhập với lĩnh vực giáo dục trong khu vực và quốc tế.
Xác định nâng cao chất lượng đào tạo là chủ trương lớn, vì vậy, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng một hệ thống giải pháp để thực hiện: Phát triển tài liệu tham khảo, tình huống thực tiễn; đổi mới phương pháp dạy học theo chuẩn quốc tế; tăng cường giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh; phát triển đội ngũ giảng viên dạy bằng tiếng Anh; tiếp tục kiểm định chương trình đào tạo và hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế; thu hút và tăng dần số lượng sinh viên quốc tế; từng bước nâng chuẩn đầu ra... Kết quả, qua điều tra khảo sát, tỷ lệ sinh viên hệ ĐH chính quy có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp tăng từ 87% (năm 2014) lên 94% (năm 2016).
“Riêng về tài chính, tổng thu của trường tăng lên hơn 30% so với trước khi thực hiện cơ chế thí điểm đổi mới hoạt động; trong đó, phần thu từ học phí tăng lên đáng kể. Việc thu học phí theo đề án thí điểm tự chủ giúp tăng cường tích lũy đầu tư cho đổi mới đào tạo, nghiên cứu, tăng cường cơ sở vật chất.
Các khoản tích lũy cho đầu tư trong giai đoạn thực hiện tinh thần theo Nghị quyết 77 là nguồn lực quan trọng trong các chiến lược phát triển của trường giai đoạn 2016 - 2021” - GS Nguyễn Đông Phong cho hay.
Trong thời gian thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động từ tháng 6/2015 đến nay, Trường ĐH Ngoại thương đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tồn tại trong hoạt động của nhà trường, tạo ra những khâu đột phá trong phát triển nhà trường; nâng cao chất lượng giáo dục; củng cố uy tín, vị thế của trường trong nước và quốc tế.
Theo PGS.TS, Hiệu trưởng Bùi Anh Tuấn, tự chủ thực sự đã gắn liền với chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình, sự tham gia và gắn kết của đội ngũ cán bộ viên chức với nhà trường được tăng cường.
Đặc biệt, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, nhà trường đã nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong quản lý tài chính, tăng được nguồn thu để tăng đầu tư cho các điều kiện đảm bảo chất lượng; tăng thu nhập và các điều kiện đãi ngộ để cán bộ viên chức yên tâm cống hiến cho sự nghiệp GD-ĐT.
“Bên cạnh chương trình đào tạo được thiết kế khoa học, hiện đại, chúng tôi luôn quan tâm chú trọng đến hoạt động hỗ trợ học tập và sinh hoạt của sinh viên, tăng cường đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Trường đã ban hành quy định về chính sách hỗ trợ cho sinh viên, quy định rõ các điều kiện và cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động của sinh viên để tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động này” - PGS Bùi Anh Tuấn cho biết thêm.
Cơ chế thí điểm tự chủ tạo điều kiện cho các trường chủ động xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Các trường chủ động trong quản lý, sử dụng các nguồn tài chính để phục vụ giảng dạy học tập, NCKH, trên cơ sở chấp hành cơ chế thu chi nội bộ của trường và các quy định của Nhà nước về quản lý tài chính, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn kinh phí.
Đặc biệt với NCKH, một số trường ngân sách Nhà nước cấp giảm nhưng chi cho NCKH có xu hướng tăng lên: Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh (tăng 5 lần), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (tăng 2 lần).
Nhiều trường cũng chi nhiều cho khen thưởng cán bộ, giảng viên có bài đăng báo quốc tế. Đơn cử, Trường ĐH Hà Nội, giai đoạn 2013 - 2014, tổng mức chi khen thưởng cho NCKH là 8 triệu đồng/cá nhân thì trong năm học 2015 - 2016, tổng chi là 538 triệu đồng, tăng khoảng 340%/năm...
Giúp tăng cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH
Về cơ bản, tự chủ, đặc biệt là tự chủ tài chính dẫn đến cắt giảm kinh phí đầu tư cho hoạt động các cơ sở giáo dục ĐH. Nhiều trường trong những năm đầu tự chủ thường gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, các trường ĐH tự chủ trên 2 năm vẫn đã và đang thực hiện đúng theo quy định của Luật Giáo dục ĐH với rất nhiều chế độ, chính sách, học bổng và giảm học phí cho các đối tượng chính sách.
Còn hơn thế, với cơ chế tự chủ, các trường có cơ hội kêu gọi tài trợ học bổng từ các tập đoàn kinh tế lớn để hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp... Đặc biệt, nguồn quỹ hỗ trợ sinh viên tăng lên rất nhiều.
Chính sách này góp phần đáng kể vào cung cấp học bổng và các điều kiện hỗ trợ khác (miễn giảm học phí, hỗ trợ chỗ ở trong KTX...) cho sinh viên khá giỏi có hoàn cảnh khó khăn và đảm bảo không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho các sinh viên là đối tượng chính sách.
Một số đơn vị tiêu biểu như Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh đã bù toàn bộ chênh lệch học phí đối với đối tượng chính sách và sinh viên nghèo. Đồng thời năm học 2015 - 2016, trường này cấp 2.020 suất học bổng cho sinh viên, trong đó khóa tuyển mới là 520 suất; trích lập quỹ học bổng cho sinh viên trong năm học 2015 - 2016 khoảng 12 tỷ đồng.
Hay Trường ĐH Tài chính - Marketing, trong năm học 2015 - 2016 đã trích lập quỹ hỗ trợ sinh viên 3 tỷ đồng và quỹ học bổng khuyến khích học tập là 9 tỷ đồng.
Trường ĐH Ngoại thương đã cùng Tập đoàn Mabuchi (Nhật Bản) xây dựng quỹ tín dụng cho sinh viên với quyết tâm không để sinh viên khó khăn phải dừng học.
Theo GS.TS Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, chủ trương thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động thực sự đã tạo điều kiện thực hiện tốt chính sách miễn, giảm học phí, học bổng đối với sinh viên diện chính sách, sinh viên nghèo học giỏi, tạo điều kiện cho người học hoàn thành nghĩa vụ đóng học phí khi chưa có điều kiện trang trải học phí; và huy động nguồn lực bên ngoài tham gia vào hoạt động tín dụng học tập.