3 đòn bẩy của trường học thông minh
Trong mô hình Trường học Thông minh, "đòn bẩy" là những yếu tố cốt lõi đóng vai trò như các điểm nhấn chiến lược, giúp khuếch đại và tối ưu hóa hiệu quả của các thành phần chính trong mô hình.
Các đòn bẩy này tạo ra những tác động lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống giáo dục, giúp biến mục tiêu lý thuyết của trường học thông minh thành các hành động thực tiễn, có thể áp dụng và phát triển bền vững. Mỗi đòn bẩy đều đóng một vai trò nền tảng, hỗ trợ các hoạt động triển khai mô hình Giáo dục Thông minh một cách hiệu quả.
Các đòn bẩy trong THTM không chỉ đơn thuần là công nghệ hoặc phương pháp giảng dạy mà còn bao gồm các cơ chế quản lý và chính sách, từ đó đảm bảo rằng mô hình được vận hành trơn tru và phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng tham gia vào hệ thống giáo dục.
Ba đòn bẩy chính trong mô hình THTM bao gồm: Dạy và học ứng dụng công nghệ, Môi trường học tập kỹ thuật số, và Cơ chế quản lý và chính sách.
Đòn bẩy Dạy và học ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu hóa quá trình giảng dạy và học tập thông qua các công cụ và nền tảng công nghệ hiện đại. Quá trình này thể hiện qua việc cá nhân hóa học tập, khuyến khích học tập trải nghiệm và chủ động, tạo cộng đồng học tập trực tuyến.
Đòn bẩy Môi trường học tập kỹ thuật số tập trung vào việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thiết bị cần thiết cho việc học tập trong môi trường kỹ thuật số. Đó là việc đảm bảo mạng kết nối ổn định và tốc độ cao; đảm bảo trang bị đầy đủ thiết bị, kho tài nguyên học tập, thiết bị như màn hình cảm ứng và máy tính bảng cho phép học sinh tiếp cận dễ dàng với các bài học số và tương tác trực tiếp với nội dung giảng dạy.
Đòn bẩy cơ chế quản lý và chính sách đảm bảo Trường học thông minh có hệ thống quản lý chặt chẽ và các chính sách hỗ trợ từ cấp quản lý đến giáo viên. Các hệ thống quản lý học tập (LMS) giúp tự động hóa việc lưu trữ, phân tích dữ liệu học tập và cung cấp các báo cáo chi tiết, từ đó nhà trường có thể điều chỉnh các hoạt động giảng dạy kịp thời.
Các đòn bẩy này không chỉ hỗ trợ từng khía cạnh cụ thể mà còn tương tác với nhau, tạo nên một hệ sinh thái Giáo dục Thông minh, nơi mọi thành phần từ học sinh, giáo viên, đến quản lý đều được hưởng lợi từ sự tối ưu và đổi mới liên tục.
Kết quả khả quan
Trong phạm vi đề tài “Xây dựng và thí điểm mô hình giáo dục thông minh đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ở thành phố Hà Nội” (Mã số 01X-12/01-2021-3), do Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì, mô hình trường học thông minh đã được thử nghiệm tại 5 trường học trên địa bàn thành phố, từ trường mầm non đến THPT và trường chuyên biệt.
Dự án sau quá trình thí điểm đã mang lại những kết quả tích cực và đáng chú ý, từ cải thiện động lực học tập của học sinh đến nâng cao hiệu quả giảng dạy của giáo viên và tối ưu hóa công tác quản lý nhà trường.
Mô hình trường học thông minh đã giúp nâng cao động lực học tập và sự hứng thú của học sinh. Việc áp dụng các công nghệ tương tác như bảng thông minh, thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) đã tạo ra các hoạt động học tập sinh động, giúp học sinh trải nghiệm kiến thức một cách thực tiễn và gần gũi hơn.
Học sinh không chỉ hứng thú với việc học mà còn chủ động khám phá và tiếp thu kiến thức nhờ các công cụ học tập kỹ thuật số phong phú. Điều này góp phần tạo nên môi trường học tập tích cực và năng động, thúc đẩy tinh thần học hỏi và sáng tạo ở học sinh.
Nhờ hệ thống quản lý học tập (LMS) và các công cụ phân tích học tập, giáo viên có thể theo dõi tiến độ và hiệu suất học tập của từng học sinh, từ đó điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp. Các bài giảng số hóa và nội dung học tập cá nhân hóa giúp giáo viên tiết kiệm thời gian chuẩn bị tài liệu, đồng thời tăng cường khả năng tương tác với học sinh trong suốt quá trình học.
Hiệu quả quản lý của nhà trường cũng được cải thiện đáng kể. Các công nghệ quản lý thông minh hỗ trợ nhà trường trong việc lưu trữ, phân tích và quản lý dữ liệu học tập một cách chi tiết, giúp ban lãnh đạo nhà trường dễ dàng giám sát và đánh giá chất lượng giảng dạy và học tập.
Qua việc thí điểm mô hình giáo dục thông minh tại 5 trường học trên địa bàn thành phố trong đề tài “Xây dựng và thí điểm mô hình giáo dục thông minh cho giáo dục mầm non và phổ thông ở Hà Nội” của Sở GD&ĐT Hà Nội đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất cơ chế “Ba đòn bẩy” như một phương thức hiệu quả để tạo ra tác động lớn và bền vững chỉ với nguồn lực hạn chế bằng cách tác động vào các điểm đòn bẩy.
Thí điểm Trường học thông minh tại Hà Nội đã cho thấy tiềm năng to lớn trong việc áp dụng giáo dục thông minh để cải thiện chất lượng giáo dục. Thành công bước đầu của đề tài tạo nền tảng để mở rộng mô hình trường học thông minh, xây dựng một hệ thống giáo dục thông minh, đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển của học sinh trong kỷ nguyên số.
Với sự hỗ trợ về chính sách và nếu được đầu tư đúng hướng, mô hình này hứa hẹn sẽ được nhân rộng để góp phần xây dựng nền giáo dục tiên tiến cho Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.