(GD&TĐ)-Chiều ngày 29/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi thảo luận nhằm đánh giá lại thực trạng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua, làm rõ nguyên nhân những yếu kém và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Kiên quyết với mục tiêu giữ diện tích đất lúa ở mức 3,8 triệu ha vào năm 2020 (ảnh MH) |
Theo Tờ trình về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia của Chính phủ, tính đến cuối năm 2010 kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất về cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu mà Quốc hội đã quyết định, trong đó có 33 chỉ tiêu đạt trên 90%; 5 chỉ tiêu đạt từ 70-90%; 4 chỉ tiêu từ 60-70% và 2 chỉ tiêu dưới 60%.
Theo Quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ, đến năm 2020, đất nông nghiệp là 26,7 triệu ha, chiếm 80,77% diện tích tự nhiên; đất phi nông nghiệp gần 4,9 triệu ha, chiếm 14,75% diện tích tự nhiên; đất chưa sử dụng gần 1,5 triệu ha, chiếm 4,48% diện tích tự nhiên. Đến 2020, quy hoạch đất trồng lúa được xác định là 3,8 triệu ha, diện tích gieo trồng khoảng 7,2 triệu ha, năng suất bình quân đạt 63,2 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 46 triệu tấn sẽ đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. So với năm 2010, diện tích đất trồng lúa giảm 308.000 ha. |
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, vẫn còn tình trạng một số địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nước; sử dụng quy hoạch đất phi nông nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất cao, thậm chí trên đất chuyên trồng lúa nước, trong khi ở địa phương vẫn còn các loại đất khác.
Uỷ ban kinh tế nhất trí với mục tiêu giữ diện tích đất lúa ở mức 3,8 triệu ha. Theo đề nghị của Chính phủ, đến năm 2020 diện tích đất khu công nghiệp (KCN) là 200.000ha. Uỷ ban kinh tế nhất trí với phương án của Chính phủ, nhưng đề nghị cần đất đến đâu thì thu hồi đến đó và quan tâm đến các địa phương, các vùng có điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng, vùng ven biển.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, để đảm bảo diện tích đất lúa, đảm bảo an ninh lương thực thì cần quản lý chặt chẽ diện tích đất nông nghiệp. Chính phủ cần có giải trình rõ ràng với từng loại đất quy hoạch để đảm bảo giữ được diện tích đất lúa ở 3,8 triệu ha.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo Quy hoạch trình bày rõ biện pháp, cách thức để kiên định giữ được 3,8 triệu ha vào năm 2020 ha đất trồng lúa vì đây là việc làm rất khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chí nêu cần quan tâm giải quyết mâu thuẫn giữa diện tích đất nằm trong quy hoạch và ngoài quy hoạch để bảo đảm lợi ích của người dân. Thực tế ở nhiều nơi trên đất trồng lúa trên 1 đơn vị diện tích nông dân có thế phát triển kinh tế ngoài cây lúa mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa. Có giải quyết tốt mâu thuẫn này mới đảm bảo quyền lợi kinh tế của người dân trong vùng quy hoạch trồng lúa không bị thiệt thòi.
Bên cạnh đó, cơ cấu sử dụng đất trong đô thị chưa hợp lý, đất dành cho giao thông đô thị còn thiếu, tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đến 13%, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh thấp dưới 1% và đất dành cho các công trình công cộng đặc biệt thiếu.
Thẩm tra nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Ngân sách cho rằng, việc đánh giá thực hiện các chỉ tiêu theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhiều chỉ tiêu mới chỉ đề cập dưới dạng thống kê và phản ánh tình hình thực hiện, chưa đi sâu phân tích chất lượng, hiệu quả kinh tế- xã hội của việc thực hiện. Nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém, bức xúc chưa được đề cập như sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả, những bất cập về thể chế, chính sách, phân cấp trong quản lý quy hoạch, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Về Kế hoạch sử dụng đất 2011-2015, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần xem xét, tính toán lại đối với diện tích đất dành cho khu công nghiệp. Hiện nay tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt rất thấp, trong khi đó kế hoạch sử dụng đất đến 2015 tăng từ 72.000 ha lên 150.000 ha là quá nhanh, dẫn đến tình trạng hoặc không đạt kế hoạch hoặc hiệu quả kinh tế thấp.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan cho rằng, báo cáo cần làm rõ những điểm đã làm được và chưa được trong thực trạng Quy hoạch hiện nay; chỉ rõ lỗi của các hạn chế này xuất phát do khâu quản lý của Trung ương hay ở địa phương. Đặc biệt, báo cáo cũng phải nêu được nguyên nhân dẫn đến quỹ đất cho giáo dục, an sinh xã hội, môi trường không đạt so với chỉ tiêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển đánh giá, việc thực hiện Quy hoạch sử dụng đất đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp 10 năm qua đạt hiệu quả rất thấp.Theo đó, báo cáo của Chính phủ cần thể hiện được tình trạng vi phạm và xử lý vi phạm về sử dụng đất, đang diễn ra tại nhiều địa phương.
Về 13 chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đại biểu Phan Trung Lý đề nghị không nên để cho Chính phủ và địa phương quyền cấp phê duyệt tổ chức thực hiện vì đất đai là tài sản quốc gia chỉ có Quốc hội mới có quyền quyết định.
Minh Duy