Cô bé 14 tuổi bỗng dưng "xù lông nhím"
Chị Vũ Thị Hà (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện cô con gái đầu lòng đang vào tuổi dậy thì. Gần 2 năm qua, chị Hà thường xuyên rơi vào tình trạng "tăng xông" khi con gái ngang bướng, nổi loạn.
Cô bé Hà An sinh năm 2007 từ lâu đã được gọi là “bà cụ non” vì ăn nói già dặn và hay bắt bẻ người khác. Chị Hà thấy con hay để ý, bắt lỗi người khác nhưng chỉ nghĩ đó đơn giản là tính cách của con.
Tuy nhiên, thời gian trở lại đây chị thấy điều đó nhiều khi thái quá, gây nên xung khắc của gia đình chị.
Giữa năm học lớp 7, Hà An kiên quyết bỏ ăn bán trú tại trường để về nhà ăn cơm. Mặc dù chị Hà cố gắng khuyên con nên tiếp tục ăn bán trú vì khoảng cách từ trường về nhà xa, bố mẹ đi làm cũng xa hơn chục cây số sẽ bất tiện về nhà buổi trưa, nhưng cô bé không chịu nghe. Cô bé một mực nói không thích đồ ăn ở trường rồi dẫn chứng nhiều bạn cùng lớp cũng về nhà ăn trưa.
Chị Hà không đồng ý với quyết định đó thì Hà An bắt đầu “so găng” với mẹ bằng nhiều cách, điển hình là việc cô bé quát tháo em trai và đánh em. Chỉ cần em có lỗi là cô bé lao vào đánh dù em trai mới chỉ có 4 tuổi.
Cô bé cố ý soi lỗi và đố kỵ với em trai. Thấy mẹ đón em trai ở trường mẫu giáo về trước rồi qua trường đón mình, Hà An cũng bực tức so sánh khiến chị Hà đành phải đi về đón cô bé trước rồi quay lại trường mầm non sau.
Chỉ cần ai khen em đẹp trai là Hà An buông mặt phản đối và cho rằng em mình không đẹp, không ai được khen em. Dù bố mẹ giải thích vì em là trẻ nhỏ nên mọi người khen đáng yêu, đẹp là bình thường, không phải vì khen em đẹp trai mà Hà An sẽ xấu xí nhưng cô bé nhất quyết coi em trai như kẻ địch của mình.
Có lúc, cô bé hét lên cho rằng bố mẹ có em trai nên mình bị ra rìa. Trước đây, khi mẹ sinh em trai thì Hà An rất vui vì có thêm em nhưng bây giờ hoàn toàn ngược lại.
Lo rằng con cảm thấy tổn thương, xa cách nên vợ chồng chị Hà tìm mọi cách yêu thương, chăm sóc con gái nhiều hơn. Vậy nhưng khi thấy bố mẹ quan tâm cô bé lại bắt bẻ “ba mẹ lo cho em, sợ con đánh em nên mới quay ra chiều con”.
Không chỉ nổi loạn với em, cô bé còn thường xuyên bắt lỗi mẹ. Có lần chị Hà dặn con ở nhà học bài để mẹ ra chợ chút, khi về liền bị cô bé càm ràm: "Mẹ đi lâu như vậy rồi mẹ lại đi sang hàng xóm, gặp bạn bè nói xấu con". Lúc nào cô bé cũng cho rằng bố mẹ không yêu mình. Mỗi lần chị Hà đứng nọi chuyện với ai, nếu cô bé nhìn thấy thì về nhà lại trách “mẹ đang nói xấu con”.
Vào sinh nhật lần thứ 14 của Hà An, bố đi công tác chỉ có 3 mẹ con ở nhà. Chị Hà cho con đi ra quán cafe mua bánh sinh nhật và mời mấy người bạn nhỏ của con ra thổi nến vui với con.
Tuy nhiên, về nhà cô bé không vui cho rằng bố mẹ trọng nam khinh nữ, sinh nhật của em trai được ăn nhà hàng còn của cô bé chỉ là quán cafe nhỏ. Mặc dù trước khi tổ chức, chị có hỏi ý kiến của con, Hà An nói thế nào cũng được nhưng sau đó lại “lật kèo” như vậy.
Chị Hà nhiều lúc cảm thấy bất lực, không biết dạy con như thế nào, chỉ mong thời gian khủng hoảng tuổi dậy thì của con gái qua mau.
Lời khuyên của chuyên gia
TS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết dậy thì là giai đoạn phát triển từ trẻ em sang người trưởng thành, được bắt đầu từ 10 tuổi đến 19 tuổi. Trong độ tuổi này lại chia thành 3 giai đoạn khác nhau:
– Giai đoạn 1: 10-14 tuổi,
– Giai đoạn 2: 14-16 tuổi,
– Giai đoạn 3: 16-19 tuổi.
Mỗi giai đoạn lại có một sự thay đổi về tâm sinh lý khác nhau. Trường hợp của bé Hà An thì gia đình chị Hà có thể cho bé đi test tâm lý. Các bác sĩ tâm lý có thể trò truyện để biết cô bé đang rơi vào trạng thái như thế nào.
Khi con bước vào tuổi dậy thì, không ít cha mẹ loay hoay không biết ứng xử ra sao, nhưng cũng có cha mẹ thì mặc nhiên coi đó là sinh lý bình thường, điều này là vô cùng nguy hiểm. Bố mẹ không nắm bắt tâm lý trẻ khi dậy thì kịp thời sẽ để lại những hệ lụy ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Ở tuổi dậy thì, khả năng nhận thức được cảm xúc của bản thân với những người khác, chỉ số thông minh và sáng tạo tăng nhanh trong giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi. Trẻ đặc biệt đề cao giá trị bản thân nên dễ dẫn đến hành vi tiêu cực, nguy cơ tự tử, trầm cảm, nghiện thuốc…