Người mẹ thiếu kinh nghiệm, nông nổi, nhẫn tâm đã đành, chẳng lẽ cả một hệ thống không thể tích cực hơn để ngăn ngừa tình trạng này?
Hôm 18/8, người dân nghe tiếng khóc của trẻ con và đã tìm thấy ở khe tường giữa hai ngôi nhà tại Gia Lâm (Hà Nội) một bé trai sơ sinh không mặc quần áo, còn nguyên dây rốn. Bé được đưa đi cấp cứu, người mẹ được xác định là một sinh viên năm thứ hai, mang thai ngoài ý muốn, do sợ ảnh hưởng đến học hành nên giấu bạn bè, gia đình.
Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ tìm thấy trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Nhiều bé trong tình trạng rất thương tâm, không mảnh tã che thân, bị tổn thương nặng nề cơ thể, có bé được cứu sống nhưng cũng có bé không qua khỏi. Bên cạnh các bé là những lá thư của những người mẹ trẻ, với những lời uất ức, đau đớn, hối hận, nông nổi.
Những thông tin kiểu này vừa đáng buồn vừa đáng giận. Các chuyên gia đã lên tiếng nhiều về vấn đề này. Để ngăn ngừa tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, các cặp đôi nếu chưa đủ điều kiện và chưa chuẩn bị tâm lý để sinh con, nuôi con thì cần có các biện pháp phòng tránh thai. Nếu lỡ có, có thể đến các tổ chức xã hội, nhà tạm lánh để sinh con đủ tháng, đủ ngày. Sinh con mà không nuôi được, nên đưa con đến các tổ chức xã hội tiếp nhận trẻ mồ côi, không được phép có các hành vi hủy hoại đứa trẻ.
Song, những lời khuyên hữu ích ấy có đến được với các cặp đôi và những người mẹ trẻ? Điều đó phải bắt đầu từ gốc, từ nhà trường và gia đình.
Đã có những khảo sát gần đây cho thấy, độ tuổi quan hệ tình dục của thanh thiếu niên ngày càng trở nên sớm hơn. Số học sinh cấp 3 có quan hệ tình dục tăng lên, nói gì đến sinh viên. Trẻ con tiếp cận các thông tin giới tính từ rất sớm và không hiếm trường hợp là qua các kênh chính thống, nên có lẽ việc giáo dục sức khỏe sinh sản phải được đẩy lên sớm hơn nữa, phải được tiến hành đồng bộ trong các trường học không chỉ ở thành phố mà cả miền núi, nông thôn, coi đó như một kỹ năng sống cần thiết cho các bạn học sinh, sinh viên sau này.
Và rộng hơn, không chỉ là giáo dục về sức khỏe sinh sản cho các bạn trẻ, mà còn là giáo dục cho các bạn nhiều hơn về nhân cách, văn hóa, về lòng thương yêu, về pháp luật. Để các bạn hiểu rằng vứt bỏ một đứa trẻ vừa là nhẫn tâm, vừa là phạm pháp. Từ lâu đã có những cảnh báo về việc lơ là giáo dục văn hóa, đạo đức, những điều vẫn bị xem là thứ yếu trong một xã hội còn bận bịu chạy theo các vấn đề kinh tế.
Đã có các quy định pháp luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, về gia đình, về hình sự. Đã có cả một hệ thống từ nhà trường đến các cơ quan, hiệp hội về chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phụ nữ... nên cần phải có một sự thay đổi về tư duy trong cách giáo dục liên quan đến vấn đề này, làm từ sớm và làm toàn diện.
Đối tượng giáo dục, có lẽ không thể chỉ là học sinh, sinh viên, mà cả các bậc cha mẹ, để họ có thể trò chuyện với con về thành công cũng như thất bại, về sự tốt đẹp cũng như sai lầm, để họ có thể mở rộng vòng tay đón nhận chính người thân của mình khi các em lỡ bước. Và không thể chỉ nhằm vào các em học sinh, sinh viên nữ, mà cả học sinh, sinh viên nam, để các em hiểu thế nào là sống có trách nhiệm.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, phải bàn về những câu chuyện như thế này lại càng thấy xót xa.