Chuyện về người cháu “văn võ song toàn” của Lê Lai

GD&TĐ - Lê Lai - một anh hùng đáng là tấm gương trung nghĩa có người cháu được vua Lê hết lòng khen ngợi bởi tài trí hơn người.

Đền thờ Lê Niệm đã được công nhận là di tích lịch sử.
Đền thờ Lê Niệm đã được công nhận là di tích lịch sử.

Đó là Lê Niệm - một trọng thần làm quan trải 4 triều vua Lê. Vua Lê Thánh Tông từng có lời khen ngợi ông rằng: “Lê Niệm là người khí độ trầm hùng, thông minh sáng suốt. Dòng dõi công huân, đáng nòi trung nghĩa. Rực rỡ bấy cánh hoa vườn quý, thơm ngát hương danh, văn võ song toàn. Trấn thủ cõi nam phiên; xây dựng thành căn cứ vững…”.

Phế hôn quân, lập minh chủ

“Lê Niệm làm chức phụ tướng, nắm quyền ngôn luận của Nhà nước trong 30 năm. Mấy lần đem quân đi đều lập công lớn, uy đức, danh vọng nổi bật.
Là người thanh danh trọn vẹn, hưởng phúc đầy đủ trong điều trình, được cả đương thời khen ngợi. Ông có học vấn, giỏi thơ. Vua Thánh Tông mỗi khi có làm thơ đề vịnh, thường bảo ông họa lại.
Nhà ông ở gọi là Thuyền Hiên, là có ý hâm mộ phong cách của Đào Chu Công. Thân ở lang miếu mà nếp sống thanh đạm phơi phới thoát trần. Người ta phục sự thanh cao của ông” – “Đại Việt thông sử” - Lê Quý Đôn.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn chưa rõ Lê Niệm sinh năm nào, chỉ biết ông mất năm 1481, quê ở thôn Dựng Tú, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá.

Cha ông là Lê Lâm - con trai thứ 3 của Lê Lai và được Lê Lợi chăm sóc từ nhỏ, coi như con đẻ.

Lê Lâm lớn lên theo vua Lê Lợi và lập được nhiều chiến công trong cuộc chiến chống nhà Minh. Khi thắng lợi, ông được xếp vào hạng thứ ba trong các công thần, trao hàm Trung Lượng đại phu Câu Kiềm vệ tướng quân, tước Thượng Trí tự Suy trung Đồng đức Hiệp mưu bảo chính công thần.

Năm 1430, quân Ai Lao tấn công xâm phạm bờ cõi. Lê Lâm làm tiên phong đi tiêu trừ, nhưng trong lúc truy kích địch thì bị trúng chông tẩm độc mà chết. Ông được nhà Lê truy phong Thiếu úy, sau lại gia tặng là Đô đốc, Trung Lễ hầu, Thái úy Trung quốc công, ban thuỵ là Uy Vũ.

Nhờ tập ấm của ông nội và cha, năm 1439 đời Lê Thái Tông, Lê Niệm được nhận chức Cận thị cục chánh chưởng. Năm 1446 đời Lê Nhân Tông, ông được thăng lên làm Thiêm tri nội viên viện sự, theo Lê Thụ đi đánh Chiêm Thành.

Lần viễn chinh này, quân Đại Việt thắng nhiều trận, bắt được vua Chiêm là Bí Cai cùng các phi tần… nên ông được thăng chức Đồng tri. Năm 1449, lại làm chức An phủ phó sứ Tây đạo, sau thăng làm An bang trấn Tuyên úy đại sứ.

Năm 1459, Lê Nghi Dân làm binh biến lật đổ ngôi vua, đặt niên hiệu là Thiên Hưng. Các đại thần Đỗ Bí, Lê Ngang, Lê Thụ, Lê Ê bí mật lật đổ vua Thiên Hưng, nhưng không thành nên tất cả đều bị giết.

Tháng 6, năm Tân Hợi (1460) Lê Niệm cùng các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng… làm cuộc binh biến, phế truất Lê Nghi Dân làm Lệ Đức hầu. Sau đó họ trao cho một dải lụa, bắt phải thắt cổ chết, lập hoàng tử Tư Thành lên ngôi, tức vua Lê Thánh Tông.

Ngày 26 tháng 6 năm 1460, tức năm Quang Thuận thứ nhất, do công lao lập vua, Lê Niệm được phong là Suy trung Bảo chính công thần, Tân An trấn thủ quân thượng tướng quân Sùng tiến Nhập nội tư mã, Tham dự triều chính, tri ngự tiền các quân, ban túi kim ngư, ngân phù (ấn bạc) tước Đình Thượng hầu, ban quốc tính họ Lê.

Vua Thánh Tông ban bài chế cho ông, vinh phong làm Á tướng, ban tước Nguyên hầu. Kiêm quyền lớn chỉ huy quân Cấm vệ, sánh ngang công thần trong họ vua. Sau đó ông được thăng làm Thái bảo, phong tước Kỳ Sơn hầu. Tháng 10 bàn định công lao đưa vua lên ngôi, thăng tước Kỳ quận công, ban cho 200 mẫu ruộng thế nghiệp.

Dù là con cháu công thần, nhưng Lê Niệm luôn cố gắng lập công dựa vào tài sức của mình. Tranh minh họa.

Dù là con cháu công thần, nhưng Lê Niệm luôn cố gắng lập công dựa vào tài sức của mình. Tranh minh họa.


Vang danh Nam chinh Bắc chiến

Năm 1462, Lê Niệm gia hàm Nhập nội đô đốc Bình chương sự tri kiêm sung Quốc Tử Giám tế tửu. Thời bấy giờ, con trai Nguyễn Xí là Đô đốc Nguyễn Sư Hồi làm thư nặc danh vứt ở ngoài đường, truyền đến tai vua, muốn lật đổ Lê Niệm.

Lê Niệm truy ra bài thơ chiết tự nhằm vu cáo các đại thần, trong đó có mình. Mưu của Hồi bị lộ, mọi người xin vua trị tội. Vua Thánh Tông nghĩ Nguyễn Xí có công nên không giết Hồi, ban sắc an ủi Lê Niệm và các đại thần bị vu khống.

Theo tài liệu chính sử, năm 1463 Lê Niệm từng được sung vào chức Đề điệu thi hội, nhằm tìm kiếm chọn lọc nhân tài nho sĩ cho nước nhà.

Năm 1470, Lê Thánh Tông đem 25 vạn quân đi đánh Chiêm Thành, cử Lê Niệm là Chinh Lỗ phó tướng quân, cùng Đinh Liệt chỉ huy quân thủy đi trước. Đầu năm 1471, quân Đại Việt tiến vào đất Chiêm, đánh chiếm kinh thành Đồ Bàn, bắt vua Chiêm là Trà Toàn.

Quân Chiêm tập hợp lại dưới quyền Trà Toại, lại quấy phá biên giới, Lê Niệm được lệnh cùng Trịnh Công Lộ mang 3 vạn quân Thanh - Nghệ - Thuận Hóa đi đánh, bắt được Trà Toại mang về kinh.

Thời gian sau, Lê Niệm được lệnh mang quân đánh nước Bồn Man, đại phá quân địch. Vua Bồn Man là Cầm Công chạy trốn, quân Đại Việt đuổi đến tận sông Trường Sa giáp Miến Điện mới rút về, thu Bồn Man vào lãnh thổ Đại Việt dưới tên gọi Trấn Ninh.

Với những công lao to lớn, Lê Niệm được triều đình nhà Lê gia phong lên đến Suy trung Bảo chính Minh nghĩa Hồng đức Thuần Tín công thần khai phủ Thái phó Tĩnh quốc công. Vua Lê Thánh Tông đã ban bài chế khen rằng: “Lê Niệm là người khí độ trầm hùng, vốn thông minh sáng suốt. Dòng dõi công huân, đáng nòi trung nghĩa”.

Các dấu tích đê kè đá Hồng Đức ở Ninh Bình vẫn rất rõ ràng.

Các dấu tích đê kè đá Hồng Đức ở Ninh Bình vẫn rất rõ ràng.

Tổng chỉ huy đắp đê Hồng Đức

Lê Niệm có công lớn trong việc đắp đê Hồng Đức, được dân làng Thiên Trì tôn làm Thành hoàng làng, lập đền thờ tại xã Yên Mạc (Yên Mô – Ninh Bình).
Hiện toàn bộ khu vực núi Voi, chùa Hang, đền thờ Lê Niệm là một quần thể di tích lịch sử danh thắng đã được công nhận.

Sau thời gian Lê Niệm lập công bắt được em trai vua Chiêm Thành là Trà Toại, năm 1472 khi đóng quân ở làng Thiên Trì, ông được vua Lê Thánh Tông giao việc quan trọng là đắp đê Hồng Đức bao quanh tổng Thổ Mật và Yên Mô (Ninh Bình).

Cho đến nay, ở huyện Yên Mô có đê đá từ phía Bắc của sông Thần Phù đến bờ Nam sông Càn và đê đất từ xã Yên Từ đến xã Bồng Hải (Yên Khánh), tương truyền do vua Lê Thánh Tông sai đắp đê đề phòng nước mặn nên gọi là đê Hồng Đức.

Người chỉ huy cuộc đắp đê lịch sử này không ai khác chính là Lê Niệm. Vào năm 1978, các nhà nghiên cứu xác định đoạn đê này dài khoảng 25km. Đến năm 1982, dựa vào các tài liệu “Yên Mô đinh bi ký” và “Đê lộ bi ký” xác định và chỉ ra đoạn đê ở Yên Mô được đắp vào năm 1472, và tại xã Phù Sa (Nghĩa Hưng – Nam Định) vào năm 1474.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra khá rõ đoạn đê Hồng Đức còn ở khu vực Nam sông Đáy ngày nay. Ở các huyện ở Nam Định, đê Hồng Đức vẫn được duy trì tên gọi, một số làng xã như Đại Đê, Quỹ Đê, Liễu Đê… theo tương truyền được đặt từ thời kỳ này.

Thậm chí, dọc theo đường 58 qua các xã Trực Hùng, Trực Cường (Trực Ninh) và Hải Anh, Hải Bắc (Hải Hậu – Nam Định) chính là dấu tích đường đê được đắp vào thời Hồng Đức. Một tài liệu viết vào thế kỉ 19 trên “Tạp chí Hà Lan” – còn ghi rõ: “Đê Hồng Đức vào huyện Hải Hậu, đi ven hữu ngạn sông Hà Lạn. Từ Bắc xuống Nam qua đường hàng tỉnh cách chùa Hà Lạn 700 thước quay dần về phía Tây”.

Cố GS. TSKH Nguyễn Hải Kế khi nghiên cứu về đê Hồng Đức, đã ghi chép tỉ mỉ rằng, chỉ gần một năm sau sắc dụ 1471 đoạn đê ở Yên Mô đã hoàn thành, hai năm sau đoạn ở Phù Sa cũng đắp xong. Đoạn từ cửa Thần Phù đến cửa Càn, dựa vào nguồn đá của dải Yên Duyên, đê được kè đá vững chắc.

Ở những đoạn khác, theo xác định của tài liệu địa chất, qua những dấu tích còn lại, đê được bồi đắp trên gờ của bờ cát cổ do sóng biển tạo thành.

Theo dân gian truyền lại, những người đắp đê đã phải đào dải hào sâu song song chân cồn cát, chuyển đất sét già đào từ nơi khác dồn vào lòng hào để làm chân đê, sau đó mới đắp dần lên.

Đi dọc theo dấu tích còn lại, dải đê ngăn nước mặn trải dài gần 50km từ cửa Thần Phù, Phù Sa qua các xã Kinh Đào – Yên Mô Càn, Cối Trì, Duyên Phúc – Cống Thủy, Nhuận Ốc vượt qua Quần Anh về đến Hội Khê.

Giữa một vùng ven biển đầy sóng gió và cồn cát, đê Hồng Đức thực sự là công cuộc lao động kiên cường, bền bỉ. Không thể không đề cập tới vai trò, tác dụng quan trọng nhiều mặt của dải đê này trong địa bàn trọng yếu về kinh tế, chính trị, quân sự của đất nước thời Lê sơ.

Đoạn đê đá, chắc chắn ở vùng cửa Thần Phù đã trở thành lũy thành vững chãi bảo vệ cho cửa biển – cửa khẩu quan trọng trên trục đường thủy Bắc – Nam mà ít nhất những thế kỷ 16 - 18 vẫn còn nhắc tới. Dải đê này còn trở thành đường giao thông thuận tiện trên hướng Tây Bắc – Đông Nam, thành nền tảng của con đường 55 ngày nay.

Nhưng trước hết, đê Hồng Đức với mục đích ngăn nước mặn – là tường thành vững chắc đối đầu với sóng gió, bảo vệ xóm làng và thành quả lao động. Giúp mở ra địa bàn khẩn hoang vùng đồng bằng ven biển. Và công lớn, không ai khác chính là tổng chỉ huy công trình – Lê Niệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ