Chuyện về một luật sư lập dị và nền văn minh sao Hỏa

GD&TĐ - Trong thời đại khám phá vũ trụ, chúng ta gặp phải nhiều điều bí ẩn và khoa học vẫn chưa thể xác định có hay không sự sống ngoài Trái đất. Tuy nhiên, có những người mơ mộng và một số nhà nghiên cứu tin rằng trên sao Hỏa tồn tại một nền văn minh. 

Liệu có nền văn minh trên sao Hỏa?
Liệu có nền văn minh trên sao Hỏa?

Một trong những người đó là luật sư Hugh Mansfield Robinson ở London (Anh). Ông ta không chỉ tin trên sao Hỏa có sự sống, mà còn tuyên bố đã tiếp xúc với cư dân trên đó.

Tiếp xúc với người sao hỏa?

Vào những năm 1920, Tiến sĩ luật Hugh Masfield Robinson bắt đầu quan tâm đến nhiều điều ngoài luật pháp và các vụ kiện. Ông bị ám ảnh trong thời gian dài với sao Hỏa.

Điều này có thể hiểu được, khi lúc này hành tinh Đỏ đã thu hút công chúng, với việc phát hiện những “kênh đào” trên đó. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng tuyên bố có sự sống ở hành tinh xa xôi này, thậm chí nhà vật lý học người Mỹ, gốc Serbia, Nikola Tesla, còn tuyên bố đã nhận được tín hiệu từ người sao Hỏa vào năm 1901.

Về phần Robinson, ông còn đưa câu chuyện xa hơn, không chỉ khẳng định hành tinh Đỏ có sự sống, mà còn tiếp xúc thần giao cách cảm với những người sao Hỏa trong nhiều năm, đặc biệt với một phụ nữ ở trên đó.

Robinson nói rằng, ông thường xuyên liên lạc với một nàng công chúa sao Hỏa, mà ông gọi là Oomaruru. Cô nàng đã cung cấp cho ông nhiều kiến thức về hành tinh Đỏ và lối sống của cư dân ở đấy.

Theo đó, cư dân sao Hỏa ở trong những ngôi nhà, có xe hơi giống như của chúng ta và hầu hết đều hiền hòa, chỉ lo cho cuộc sống của mình. Về ngoại hình, Robinson cho biết, người nam trên sao Hỏa cao khoảng 2,5m, còn nữ thì chừng 1,8 - 2m. Họ có “đôi tai rất to, nhô ra khỏi mỗi bên đầu, tóc búi cao”.

Xã hội của họ dựa trên hệ thống đẳng cấp và các đẳng cấp thấp có ngoại hình khác đẳng cấp cao, trông nguyên thủy với “đầu có hình dạng như con hải mã”.

Robinson cho biết cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa ông với Oomaruru diễn ra vào năm 1926, qua một thiết bị do ông sáng tạo có tên là “Psychomotormeter”. Ông còn cho rằng đã đến sao Hỏa cùng với cô ta qua trải nghiệm xuất hồn. Sau đó,

Robinson đã sắp xếp một cuộc gặp gỡ với những người sao Hỏa thông qua nhà nghiên cứu ngoại cảm, Harry Price, cùng với một ông đồng tên là St. John James.

Trong buổi này, những cư dân trên hành tinh Đỏ đã truyền đạt qua bảng chữ cái của họ, được mô tả như chữ viết nguệch ngoạc của trẻ con. Công chúa sao Hỏa, Oomaruru, đã hát một bài hát qua người ngồi đồng. Price kể lại: “Nếu bài hát không phải của người sao Hỏa, thì nó cũng không phải là thuộc Trái đất này, nghe giống như một bản solo từ con gà trống gáy”.

Luật sư Hugh Masfield Robinson khẳng định đã giao tiếp với người sao Hỏa
 Luật sư Hugh Masfield Robinson khẳng định đã giao tiếp với người sao Hỏa

Thông điệp không được phản hồi

Robinson cố gắng sử dụng công nghệ vô tuyến tiến bộ thời đó để gửi tin nhắn cho người sao Hỏa. Ông tuyên bố đã dàn xếp với “công chúa” để nhờ cô chuyển một thông điệp vô tuyến đến nền văn minh ở hành tinh này.

Năm 1926, ông đi gặp một chuyên viên điện báo, viết ra thông điệp nhờ gửi, với nội dung “Gửi tình yêu đến sao Hỏa từ Trái đất”, tiếp theo là những từ bí ẩn “Opesti, Nipitia, Secomba”. Robinson khá nghiêm túc, sẵn sàng trả một số tiền lớn để gửi tin nhắn đi đến nơi xa xôi này.

Một chuyên viên phòng điện báo trung tâm London nói về quyết tâm của ông: “TS Mansfield Robinson rất nghiêm túc với công việc này. Dường như ông đã dành cả cuộc đời mình cho việc nghiên cứu khả năng giao tiếp ngoài hành tinh”.

Thông điệp được gửi lên không gian hướng đến sao Hỏa, ở bước sóng theo đề nghị là 18.240m, hy vọng người sao Hỏa sẽ bắt được. Câu chuyện này được lan nhanh trong giới truyền thông. Mọi người cùng hồi hộp chờ phản hồi từ sao Hỏa.

Tuy nhiên, điều này cũng không tránh khỏi sự hoài nghi trong giới khoa học. Sir Oliver Lodge, nhà vật lý học ở Anh, nói: “Chúng ta chưa liên lạc với sao Hỏa và tôi nghi ngờ về khả năng thực hiện điều này. Nếu có, thì làm thế nào họ biết chúng ta muốn nói về cái gì. Họ không hiểu mã Morse, cũng không biết tiếng Anh”.

Khi không có sự phản hồi nào trong hai năm tiếp theo, Robinson vẫn không nao núng, ông trả tiền để gửi thông điệp đi một lần nữa, lần này có nội dung “Com Ga Mar”, mà theo ông có nghĩa là “Chúa yêu thương” theo ngôn ngữ sao Hỏa. Thông điệp cũng không được trả lời.

Mặc dù điều này chứng tỏ không một ai trên sao Hỏa bắt được thông điệp, nhưng Robinson, người vẫn tiếp xúc với họ qua thần giao cách cảm, phàn nàn rằng đơn giản là do bưu điện thiếu kỹ thuật và thiết bị để gửi thông điệp. Ông cho biết: “Bước sóng được dùng bởi bưu điện không xuyên qua được lớp không khí loãng dày bao quanh sao Hỏa, vì vậy các tín hiệu đều dội về quanh Trái đất.

Người sao Hỏa rất bực bội về việc các tín hiệu ông gửi không đến được với họ. Họ đã ngồi hàng giờ để chờ nhận tín hiệu và cười cợt các nhà khoa học của chúng ta, bởi vì họ đã giải quyết được những vấn đề về khí quyển, còn chúng ta thì chưa”.

Ông tiếp tục gửi đi thông điệp thứ ba, lần này từ bán cầu Nam của Trái đất, ở Brazil. Kết quả cũng thất bại và Robinson bắt đầu vỡ mộng, và cho rằng kỹ thuật của chúng ta không đạt, chứ không phải người sao Hỏa không muốn tiếp nhận tín hiệu.

Từ đó, ông chấp nhận một thực tế rằng, thần giao cách cảm có lẽ là sóng truyền của tương lai cho việc giao tiếp đường dài. Ông bắt đầu học chuyên sâu về thần giao cách cảm, hy vọng sẽ truyền cho thế hệ tiếp theo cách khai thác kỹ năng tiềm ẩn này.

Từ đó, Robinson dường như đã chệch hướng khi tuyên bố tiếp xúc thần giao cách cảm với những người sao Hỏa, cũng như linh hồn của Cleopatra, Nữ hoàng Ai Cập mà ông cho rằng đang sống trên hành tinh Đỏ.

Những tuyên bố lộn xộn và không có gì để chứng minh khiến ông ngày càng bị công chúng xa rời. Cho đến khi qua đời vào năm 1940 ở tuổi 75, ông vẫn bị xem là kẻ khoác lác và lập dị. Tuy nhiên, câu chuyện về ông vẫn thú vị đối với những người mộng mơ, thích ngắm sao trời.

Theo Mysteriousuniverse

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.