Chuyện về đội nữ binh dũng cảm ở Tây Phi

GD&TĐ - Được huấn luyện để trở thành những sát thủ máu lạnh, đội nữ binh Dahomey Amazons đã gieo rắc nỗi sợ hãi cho những kẻ xâm lược vào thế kỷ 19. Trên đất nước của mình, họ được xem là những chiến binh huyền thoại.

Đội nữ binh Dahomey Amazons. Ảnh chụp vào những năm 1890
Đội nữ binh Dahomey Amazons. Ảnh chụp vào những năm 1890

Được huấn luyện bài bản

Từ thế kỷ 17 cho đến năm 1904, Vương quốc Dahomey ở Tây Phi bao gồm một khu vực rộng lớn, ngày nay được gọi là Cộng hòa Benin. Vương quốc có nền kinh tế phồn thịnh, hệ thống thuế khóa phức tạp và lực lượng quân đội hùng mạnh. Nhưng ấn tượng nhất về sức mạnh thời tiền thuộc địa ở Dahomey là đội nữ chiến binh dũng cảm.

Được biết với cái tên Mino, hay “những người mẹ” và Ahosi hoặc “vợ của vua”, quân đoàn hơn 3.000 nữ binh này đã bảo vệ Vương quốc Dahomey trong nhiều thế kỷ.

Một học giả đã lần theo dấu vết của những chiến binh lừng danh này từ thời kỳ đầu của Dahomey. Khi đó, nhà vua tuyển vệ sĩ từ những người vợ “hạng ba”, hoặc những phụ nữ mà ông cho là quá kém hấp dẫn để ăn nằm với mình.

Những vệ sĩ nữ này có lợi thế hơn so với các binh sĩ nam. Do họ được kết hôn với nhà vua, mặc dù phần lớn chỉ trên danh nghĩa, nên lòng trung thành của họ được đảm bảo. Họ có thể tuần tra khu cung điện lúc trời tối, thời điểm mà đàn ông bị cấm vào.

Vào giữa thế kỷ thứ 19, đội nữ binh Dahomey Amazons chiếm đến 40% quân số của vương quốc. Arthur Eardley Wilmot, một sĩ quan hải quân người Anh đã ghé thăm Dahomey vào năm 1862 và thấy phụ nữ đông hơn nam giới trong các thị trấn - một hiện tượng mà ông cho là do những tổn thất quân sự và hậu quả của việc buôn bán nô lệ.

Được chia thành nhiều đơn vị, mỗi đơn vị có nữ chỉ huy, mặc quân phục và mang vũ khí đặc trưng. Trong số này, nổi tiếng là gbeto, gồm những thợ săn nữ, đơn vị lâu đời nhất của đội nữ binh.

Vào những năm 1850, một du khách người Pháp đã tường thuật về một nhóm 20 phụ nữ trang bị dao găm cong, trên đầu buộc sừng linh dương đã tấn công một đàn voi lớn.

Dù là đội quân “con cưng” của nhà vua nhưng những nữ binh này cũng phải vượt qua một loạt các bài kiểm tra thử thách, từ thể hiện sức mạnh thể chất, đến các hành vi tra tấn kẻ thù. Nhưng những bài kiểm tra tàn bạo nhất thuộc về cái gọi là “huấn luyện về sự vô cảm”.

Hầu hết các tân binh chưa hề giết người trước khi gia nhập quân đội, vì vậy, nhà vua muốn các chiến binh ra tay hành quyết tù binh để chứng tỏ sự gan dạ của họ. Trong một bài kiểm tra, những người phụ nữ được lệnh ném các tù nhân bị trói xuống từ một bục cao.

Ở thử thách khác, những người được tuyển dụng phải sử dụng lưỡi kiếm để hành quyết tù nhân. Năm 1861, một tu sĩ người Italy, Francesco Borgero, mô tả một cuộc tập luyện, trong đó hàng nghìn phụ nữ đi chân trần trèo lên những cây keo đầy gai mà không hề nao núng.

Năm 1889, Jean Bayol, sĩ quan cai quản vùng thuộc địa Pháp đã mô tả cảnh tượng mà ông chứng kiến: “Một thiếu nữ của đội quân Amazons trong cuộc tập luyện tiến đến một tù binh. Cô ta vui vẻ bước lên, cầm gươm bằng cả hai tay vung lên ba lần, sau đó bình thản cắt phần da thịt còn dính đầu với thân của tù nhân. Sau đó cô vuốt hết máu trên vũ khí và nuốt sạch”.

Sau khi vượt qua các bài kiểm tra, các nữ tân binh sẽ được tận hưởng cuộc sống xa hoa trong cung điện của nhà vua, được uống rượu và thuốc lá do vua ban cho.

Theo một học giả, “khi các nữ binh Amazons ra khỏi cung điện, đi trước họ là một cô gái nô lệ mang một chiếc chuông phát ra âm thanh nhắc mọi nam giới hãy tránh khỏi đường đi của họ, lùi lại một khoảng nhất định và nhìn về hướng khác”. Nếu không chấp hành, người vi phạm sẽ bị trừng phạt bằng cái chết.

Đội nữ binh luyện tập. Ảnh chụp khoảng năm 1890.
Đội nữ binh luyện tập. Ảnh chụp khoảng năm 1890.

Chiến đấu tới cùng

Cuối năm 1978, một nhà sử học người Benin đã gặp một phụ nữ lớn tuổi ở làng Kinta, tên là Nawi. Bà tuyên bố đã từng chiến đấu chống lại quân Pháp vào năm 1892. Bà mất năm 1979, thọ hơn 100 tuổi. Có lẽ đây là nữ binh cuối cùng của đội quân Dahomey Amazons.

Năm 1890, trong chiến tranh Pháp - Dahomey lần thứ nhất, người Pháp đã thắng thế nhờ những khẩu súng trường tối tân hơn. Điều khiến các nữ chiến binh của Dahomey trở thành huyền thoại là họ đã chiến đấu, sẵn sàng chết vì vua và đất nước.

Trong những trận chiến cuối cùng chống lại quân đội Pháp được trang bị vũ khí vượt trội, khoảng 1.500 phụ nữ đã ra trận và chỉ có khoảng 50 người còn đủ sức để thực hiện nhiệm vụ cuối cùng.

Một lính lê dương của Pháp tên là Bern đã ca ngợi họ là “những chiến binh chiến đấu với sự gan dạ vô cùng, luôn đi trước các đội quân khác. Họ rất gan dạ, được huấn luyện tốt và rất kỷ luật”. Một lính thủy đánh bộ người Pháp, Henri Morienval, kể, “…họ sẵn sàng lao mình vào lưỡi lê của chúng tôi với lòng dũng cảm phi thường”.

Sau khi Dahomey thất thủ trước quân Pháp, các nữ chiến binh vẫn tiếp tục chiến đấu. Họ trà trộn vào số phụ nữ bị Pháp bắt, ban đêm lẻn ra hạ sát các sĩ quan Pháp.

Người Pháp khiếp sợ, đặt đội nữ binh Amazons ngoài vòng pháp luật và cấm phụ nữ Dahomey phục vụ trong quân đội hoặc mang vũ khí. Nhưng Dahomey Amazons vẫn không biến mất hoàn toàn.

Hầu hết các nguồn tài liệu đều cho rằng, những nữ chiến binh cuối cùng đã chết vào những năm 1940, nhưng Stanley Alpern, tác giả quyển Amazons of Black Sparta: The Women Warriors of

Dahomey (Những nữ chiến binh của Dahomey) phản đối điều này. Ông chỉ ra rằng, “một người phụ nữ đã chiến đấu với Pháp ở tuổi thiếu niên sẽ không quá 69 tuổi vào năm 1943. Có khả năng một hoặc nhiều người sống sót đủ lâu để chứng kiến đất nước của họ giành lại độc lập vào năm 1960”.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.