Những nữ chiến binh vang danh thế giới

GD&TĐ - Trên thế giới có những phụ nữ được ghi danh vào lịch sử như những nữ hùng binh tài ba bậc nhất, ngang hàng với bất kỳ nam tướng nào. Trong số ấy, có một nữ chiến binh sinh ra và lớn lên ở Thanh Hoá, Việt Nam cách đây 2000 năm, là bà Triệu Thị Trinh.

Bà Triệu (225–248)
Bà Triệu (225–248)

1. Jeanne d’Arc (Pháp)

Jeanne d’Arc (6/1/1412 – 30/5/1431) là nữ chiến binh huyền thoại của Pháp trong cuộc Chiến tranh Trăm năm giữa Pháp và Anh. Không chỉ thế, bà còn một thánh đồ Công Giáo. Dù bị đàn ông và binh lính chế nhạo, Jeanne xuất sắc chỉ huy quân phá vây thành Orleans chỉ trong 9 ngày. Mới 17 tuổi, Jeanne đã đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo quân đội Pháp chống lại Vương quốc Anh xâm lược.

Kể từ năm 1429, gần như toàn bộ miền Bắc nước Pháp bị ngoại bang chiếm đóng. Anh quốc ráo riết vây hãm Orléans, thành phố duy nhất còn trung thành với triều đình Pháp. Orléans chìm trong nỗi tuyệt vọng cho đến khi Jeanne đến. Ban đầu, cả tướng lĩnh lẫn quân lính tỏ ra khinh nhờn thiếu nữ đến từ thôn quê Jeanne. Cô thậm chí không được phép tham gia bàn tác chiến.

Tuy nhiên, ngay trận đầu cầm quân, Jeanne chiến thắng vẻ vang. Thừa thế, cô xông lên phá vòng vây. Ngay cả khi trúng tên vào cổ, Jeanne vẫn bình tĩnh chỉ huy chiến trận. Nhờ cô, Charles Đệ Thất mới thuận lợi lên ngôi. Người Pháp cũng có hy vọng chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Đáng tiếc, dù chịu ơn Jeanne, triều đình Pháp cuối cùng quay sang hàng phục Anh.  Năm 1430, Jeanne, ở tuổi 19, bị kết tội là phù thủy và bị hỏa thiêu. Hơn 25 năm sau, giáo hội mới tái xem xét hồ sơ, trả lại sự trong sạch cho cô. Năm 1920, Jeanne được phong thánh.

2. Triệu Thị Trinh (Việt Nam)

Lịch sử thế giới gọi Triệu Thị Trinh là “Jeanne d’Arc của Việt Nam” mà quên mất rằng, bà xuất hiện trước Jeanne d’Arc của Pháp những 1.200 năm. Bà Triệu (225–248), ở tuổi 20, tự mình tập hợp được một đội quân hùng mạnh, chiến đấu chống lại phong kiến Trung Quốc đô hộ quê nhà.

Bất chấp can ngăn của huynh trưởng là Triệu Quốc Đạt, bà khẳng định “muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân xâm lược Ngô, cởi ách nô lệ”. Với thanh kiếm trong tay và áo giáp vàng khoác trên vai, Bà Triệu cưỡi voi, chỉ huy quân chiếm lại cả một vùng rộng lớn, giải phóng đa phần lãnh thổ nước Việt. Thất bại trước lực lượng phản công lớn mạnh của quân địch, Triệu Thị Trinh tuẫn tiết trên núi Tùng, Thanh Hóa. Lúc ấy, bà mới 23 tuổi.

3. Artemisia I (Iran)

Artemisia I (480 Trước Công nguyên) là nữ hoàng xứ Halicarnassus, phục vụ dưới trướng Hoàng đế Xerxes, Iran, được mệnh danh là nữ tướng đánh bại cả Hy Lạp. Tên của bà lấy theo tên một vị nữ thần Hunt, Artemis. Artemisia I nổi tiếng là nữ tướng chỉ huy hải quân thiện chiến. Hạm đội của bà là nỗi kinh hoàng với người Hy Lạp. 

Ngay cả khi thua to, bị quân Hy Lạp phản công ráo riết, đuổi cùng giết tận, tưởng không cách nào thoát, Artemisia vẫn bình tĩnh phán đoán. Bà lệnh đổi cờ Ba Tư (tên cũ của Iran) trên thuyền của mình thành cờ Hy Lạp, đánh chìm một chiến thuyền đồng minh đang chắn trước mặt để đánh lừa. Tướng Ameinias, người đang đuổi theo Artemisia, lập tức sập bẫy. Ông quay thuyền đi hướng khác.

Artemisia thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Giả sử Ameinias có một chút nghi ngờ, Artemisia chắc chắn lìa đầu. Không chỉ là phụ nữ chỉ huy đánh thắng Hy Lạp, Artemisia còn tàn nhẫn lệnh treo binh sĩ địch lên mũi tàu, cắt cổ cho máu chảy xuống biển đến chết để tạ ơn Thần Biển. Với quân tướng Hy Lạp, đây là nỗi nhục không thể không rửa. Họ ra giá 10.000 drachma cho cái đầu của Artemisia. Ameinias được chỉ đích danh đứng ra nhận nhiệm vụ.

Là nữ chiến binh dũng cảm, mưu mẹo nhưng Artemisia chỉ là nữ nhân ngây ngô trước tình yêu. Theo truyền thuyết, bà yêu người đàn ông đến từ Abydos, Dardanus nhưng không được đáp trả. Đau đớn vì tương tư, Artemisia trèo lên mỏm đá cao nhất của Leucas và nhảy xuống tự vẫn ở gần tảng đá.

4. Nakano Takeko (Nhật Bản)

Nakano Takeko (1847-1868) là nữ chiến binh samurai (onna-bugeisha), chiến đấu trong cuộc nội chiến Boshin, 3/1/1868-18/5/1869. Ở trận Aizu, mùa thu năm 1868, bà cùng các nữ binh khác, những người tự chọn con đường chiến đấu dù không được công nhận là một phần chính thức của quân đội Aizzu, thành lập Đội quân nữ giới (Jôshitai). Vũ khí của Takeko là đại đao (naginta), loại khí giới to lớn mà ngay cả đàn ông cũng e dè.

Trúng tử thương khi dẫn đầu đội quân chống lại Lục quân Đế quốc Nhật Bản miền Ogaki, vì lo sợ kẻ thù sẽ xem cái đầu của mình như chiếc cúp chiến tranh, Takeko yêu cầu các nữ chiến binh khác cắt đầu bà và chôn riêng. Thủ cấp của Takeko an nghỉ dưới gốc thông chùa Hôkai-ji (Fukushima ngày nay). Tượng đài của bà cũng được dựng gần chùa. Mỗi năm, vào Lễ hội mùa thu Aizu, người Nhật đều không quên viếng hương hồn Takeko cùng các nữ binh đồng sinh tử.  

5. Tomoe Gozen (Nhật Bản)

Nakano Takeko là nữ chiến binh samurai vang danh nhất lịch sử Nhật Bản song, bà không phải phụ nữ Nhật đầu tiên điều binh khiển tướng.

Trước đó khoảng 700 năm, Tomoe Gozen (1157-1247), ái thiếp của tướng quân Minamoto no Yoshinaka từng xuất sắc đảm nhiệm vai trò này. Gozen chiến đấu trong cuộc chiến tranh Genpei, 1180-1185. Với kỹ năng chiến đấu vượt trội, bà đè bẹp các định kiến về phụ nữ.

Trong Câu chuyện về Heike (The Tale of Heike), Gozen được miêu tả là cung thủ kiêm kiếm sĩ tài giỏi. Dù bề ngoài liễu yếu đào tơ, xinh đẹp xuất chúng, bà luôn cứng cỏi, sẵn sàng đối đầu với bất cứ kẻ thù nào.

Yêu thích cưỡi ngựa, Gozen thường tiên phong xông vào chiến trận, chiến đấu mãnh liệt và giành chiến thắng. Trong chiến trận cuối cùng, phu quân của bà, Minamoto no Yoshinaka bỏ mạng. Gozen một mình trốn thoát. Người ta cho rằng, sau đó, bà từ bỏ đao kiếm, sống đời tu hành.

Theo Mentalfloss

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ