"Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa" là câu nói nổi tiếng để chỉ 4 vị đại gia giàu có bậc nhất Sài Gòn lục tỉnh khi xưa.
Đặc biệt, người thứ 3 - Tam Xường luôn thu hút được sự quan tâm của hậu thế sau này. Không chỉ sở hữu khối tài sản khủng mà câu chuyện về gia đình của ông cũng gây không ít tò mò.
Từ quan về làm kinh doanh, trở thành đại gia
Bá hộ Xường sinh năm 1842, tại Nhơn Hòa, Gia Định có tên thật là Lý Tường Quan, tự Phước Trai. Ông sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, bố là người gốc Hoa.
Ngay từ nhỏ, Tường Quan sớm bộc lộ bản chất thông minh hơn người khi thông thạo 2 thứ tiếng Pháp và Trung từ năm 12 tuổi. Không những thế, ông còn giỏi cả cầm, kỳ, thi, họa.
Nhờ có mối quan hệ với người Pháp, cộng thêm nhiều am hiểu tạo thành lợi thế cho việc kinh doanh của ông. Ông lập công ty Kim Bảo, mở rộng kinh doanh, sau khi thu mua thịt cá ở miền Tây bán cho người thị tứ, ông bán ngược lại nhu yếu phẩm về nông thôn.
Hệ thống thu mua của ông mở rộng chân rết khắp tỉnh thành, việc buôn bán càng phát đạt. Giới kinh doanh lưu truyền, gần một nửa dân miền Tây ngày đó mua hàng hóa nhu yếu phẩm từ bá hộ Xường.
Trở nên giàu có, dân gian gọi ông là bá hộ Xường. Xường là tên gọi ở nhà của ông, là chữ Tường đọc theo tiếng Hoa. Gia sản của bá hộ Xường tiếp tục phất lên khi ông đầu tư qua bất động sản. Phương thức mua bán của ông khá đơn giản, mua đất, sau đó xây nhà phố rồi cho thuê lại.
Bá hộ Xường tìm cách mua nhiều khu đất ruộng, đất hoang giá rẻ rồi đầu tư xây địa ốc để… chờ thời. Nhờ vậy, gia sản của ông phất lên cực thịnh giai đoạn này. Phần lớn nhà cửa trong vùng Chợ Lớn Mới và vài quận lân cận đều là của bá hộ Xường xây cho thuê.
Cưới 3 chị em ruột về làm vợ
Chuyện kỳ lạ là ông chỉ cưới cả 3 chị em ruột về làm vợ. 3 người vợ cùng 10 người con, đông đúc là thế nhưng gia đình bá hộ Xường lại vô cùng yên ấm, chẳng có cảnh tị nạnh, kèn cựa như nhiều người khác.
Bản thân bá hộ Xường rất chú ý đến việc dạy con, đặc biệt là truyền thụ tinh thần ham học. Con cái ông nhiều người trở thành kỹ sư, bác sĩ, công chức, có người chọn theo nghiệp kinh doanh nhưng không được thành công như cha.
Cuộc sống yên ấm, hoà hợp nhưng vị đại gia này lại ra đi khi mới 54 tuổi. Khi ông mất, tài sản được chia đều cho con cháu. Đến thời điểm sau 1975, hậu duệ của ông quyên tặng nhà cửa cho Nhà nước rồi ra nước ngoài định cư, ít lâu trở về thăm mộ tổ tiên.
Hiện tại, ngôi mộ với kiến trúc Trung Hoa độc đáo của vợ chồng bá hộ Xường vẫn còn khá nguyên vẹn, tọa lạc ở phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú.