Chuyện tình Pedro và Inês: Cảm hứng nghệ thuật bất tận

GD&TĐ - Khó có chuyện tình nào say đắm, bi ai và đẫm máu hơn mối quan hệ giữa Pedro Đệ Nhất (1320 - 1367) với Inês de Castro (1325 - 1355), Bồ Đào Nha. Ngay cả khi đã qua đời, Inês vẫn được Pedro mang hài cốt ra khỏi mộ, phong hậu trong nghi thức long trọng nhất. Trong sáng tác thi ca, văn chương Bồ Đào Nha cũng có trên 5.500 tác phẩm về cặp đôi này.

Tranh vẽ Inês cầu xin được sống của Karl Bryullov (Nga).
Tranh vẽ Inês cầu xin được sống của Karl Bryullov (Nga).

Romeo và Juliet đời thực

Pedro chào đời tại Lisbon, là hoàng tử thứ ba của Quốc vương Afonso Đệ Tứ (1291 – 1357) Bồ Đào Nha. Vì 2 hoàng huynh đều qua đời sớm, Pedro giữ vị trí thái tử.

Năm 1340, Afonso xếp đặt hôn nhân chính trị cho Pedro và Constanza Manuel xứ Villena (1323 - 1345). Trong đoàn tùy tùng đưa Constanza đến Bồ Đào Nha, có Inês – thị nữ cấp cao vốn là quý tộc thuộc dòng dõi Galicia.

Thay vì yêu thái tử phi là Constanza, Pedro say mê Inês. Quan hệ giữa Pedro và Inês vừa phá hỏng liên minh chính trị Afonso dày công gây dựng, vừa manh mún bè phái mới. Nhà vua không thích điều này, âm thầm chia rẽ.

Năm 1345, Constanza qua đời, để lại con trai mới sinh là Ferdinand I (1345 - 1383). Afonso đặt đích tôn làm người thừa kế ngai vị, thu xếp cho Pedro cưới thái tử phi khác. Bất kể ông giới thiệu ai, Pedro cũng từ chối, một mực chung thủy với Inês.

Lo sợ và bực bội, Afonso lấy cớ Constanza đã chết, trục xuất Inês khỏi hoàng cung. Khoảng cách và sự cấm đoán không khiến Pedro chết tâm, mà thổi bùng lửa yêu sâu đậm. Chàng tuyên bố chỉ cần Inês, ngoài nàng ra tuyệt đối không kết hôn với phụ nữ nào.

Sau cả thập kỷ chia ương rẽ thúy không thành, năm 1355, Afonso hạ kế sách cuối: Giết Inês. Ông ra lệnh cho Pêro Coelho, Álvaro Gonçalves và Diogo Lopes Pacheco đến nơi Inês đang bị giam lỏng, chặt đầu nàng ngay trước mặt con. Hay tin Inês bị giết, Pedro sụp đổ. Chàng thề trả thù và biến nàng thành hoàng hậu bằng mọi giá.

Chân dung Pedro Đệ Nhất (1320 - 1367) và Inês de Castro (1325 - 1355).

Chân dung Pedro Đệ Nhất (1320 - 1367) và Inês de Castro (1325 - 1355).

Máu và nước mắt

Người đầu tiên phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Pedro chính là Afonso. Không ngại lực lượng thua kém vua cha, Pedro điên cuồng tạo phản, quyết tâm lật đổ ông. Suốt năm 1356, Afonso khốn khổ chống đỡ. Ông thành công đè bẹp Pedro, nhưng lại băng hà vào năm 1357.

Với tư cách thái tử, Pedro nghiễm nhiên đăng cơ. Ngay sau khi lên ngôi, nhà vua phát lệnh truy sát Pêro, Álvaro và Diogo. Kinh hoàng, 3 kẻ này tháo chạy sang Vương quốc Castile (nằm giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha).

Năm 1360, Pedro cho khai quật mộ Inês bị chôn cất sơ sài tại Coimbra. Nhà vua đưa thi thể vợ ra khỏi quan tài, rước linh đình tới tu viện hoàng gia ở Alcobaça. Tại đây, Pedro đã chuẩn bị sẵn 2 ngôi mộ, 1 cái để cải táng Inês và 1 cái cho chính mình. Ông tin rằng khi nhắm mắt xuôi tay, cả 2 sẽ mãi bên nhau và tái sinh cùng một thời.

Năm 1361, Pedro phát hiện Pêro, Álvaro ẩn thân ở Castile. Ông giao dịch với vua Castile, đổi hoàng tôn đang bị giam lỏng trong nước của vị vua này lấy 2 tên hung thủ. Cùng năm, Pedro mở phiên tòa xét xử công khai Pêro và Álvaro. Ông tuyên án tử hình, tự tay móc quả tim của chúng ra khỏi lồng ngực và bóp nát.

Chí ít, Bồ Đào Nha cũng có trên 5.500 tác phẩm về chuyện tình Pedro và Inês.

Chí ít, Bồ Đào Nha cũng có trên 5.500 tác phẩm về chuyện tình Pedro và Inês.

Cảm hứng bất tận

Ngay trong triều đại Pedro Đệ Nhất, dân gian Bồ Đào Nha đã lan truyền vô số câu chuyện về tình yêu son sắt của nhà vua. Mỗi tác giả dân gian lại thêu dệt thêm một chút, biến nó thành huyền thoại.

Năm 1577, kịch gia Jerónimo Bermúdez (Tây Ban Nha) thiết lập “lễ đăng quang cốt hậu” trên sân khấu. Dưới tạo dựng của ông, Pedro đòi cho thi thể thối rữa của Inês mặc trang phục hoàng hậu, đội vương miện, đeo trang sức lộng lẫy và đặt ngồi trên ngai vàng. Toàn bộ triều thần phải kính cẩn hôn tay Inês, thề trung thành với bà trọn kiếp. Kể từ lúc này, nhà vua yêu điên cuồng và hoàng hậu xương trở thành 2 nhân vật không thể thiếu trong nghệ thuật Bồ Đào Nha. Từ thi ca, tiểu thuyết, kịch đến hội họa đều thi nhau lấy họ làm cảm hứng.

Thực chất, lịch sử Bồ Đào Nha không có nhiều tư liệu về thời Pedro Đệ Nhất. Tuy nhiên, chính cái thiếu khuyết này lại là khoảng trống cần thiết để các nhà sáng tạo thỏa sức lấp đầy.

Thế kỷ XVII – XVIII, chuyện tình Pedro và Inês vượt biên sang các nước châu Âu. Các phiên bản kịch khác nhau về họ xuất hiện nhan nhản trên sân khấu Anh, Đức, Ý. Năm 1843, họa sĩ Karl Bryullov (Nga) giới thiệu bức tranh vẽ Inês cầu xin được sống. Dáng vẻ thống khổ của bà và đôi mắt hoảng loạn của 2 đứa trẻ bám 2 bên sườn khiến công chúng Nga cảm thương.

Thế kỷ XX, đạo diễn Ezra Pound (Mỹ) đưa Pedro và Inês lên màn ảnh. Thế kỷ XXI, diễn viên kiêm nhà văn Bồ Đào Nha nổi tiếng - Rosa Lobato de Faria phát hành tiểu thuyết dã sử, A Tranca de Inês. Năm 2018, tiểu thuyết này được chuyển thể thành phim truyền hình.

Hiện tại, chuyện tình Pedro và Inês vẫn đầy sức cuốn hút. Trẻ em Bồ Đào Nha biết đến họ từ tiểu học, vô cùng thích vào vai các nhân vật trong những buổi diễn kịch ở trường. Thanh, thiếu niên Bồ Đào Nha tiếp xúc với đa dạng loại hình nghệ thuật chủ đề Pedro và Inês. Có thể nói, Pedro và Inês chính là “biểu tượng Bồ Đào Nha”.

Gần đây, Bồ Đào Nha lập thư mục các tác phẩm liên quan Inês de Castro. Họ cho biết, có ít nhất 5.531 tác phẩm nói về bà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ