Triển lãm thuộc khuôn khổ chương trình “Gióng chỉnh Ngũ hành” do The Factory khởi xướng nhằm truy vấn nguyên tố “Thổ” (đất). Đồng thời khảo sát hiện tượng thiên nhiên, đặc biệt là đá quý bị khai thác để phục vụ nhu cầu kinh tế và phong thủy.
Khi thiên nhiên bị tàn phá
Lê Giang được biết đến trong vai trò nghệ sĩ thị giác và tổ chức nghệ thuật, lại vừa là giáo viên. Một nghệ sĩ trẻ như Lê Giang tự đi những bước đầu tiên đã là khó, đằng này cô còn tổ chức một không gian nghệ thuật để hỗ trợ những nghệ sĩ trẻ.
Lê Giang sinh năm 1988 tại Hà Nội, cô tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Việt Nam và nhận bằng thạc sĩ Mỹ thuật tại Trường University of the Arts London (Anh). Năm 2018, cô được tạp chí Forbes vinh danh là 1 trong 30 người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam. Sang năm 2019, Giang giành Quán quân chương trình nghệ sĩ lưu trú “Tương hỗ”, do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức.
Từng tham gia nhiều cuộc triển lãm và trại sáng tác ở nước ngoài như Nhật Bản, Philippines, Singapore và ở Việt Nam như: Trên dưới trời, Into thin air, Nước xanh non biếc… Lê Giang còn là người sáng lập ra không gian nghệ thuật Six Space và Blossom Art House - xưởng nghệ thuật dành cho các em nhỏ. Nghệ sĩ quan niệm, trẻ em cần có không gian nghệ thuật chứ không chỉ là những gallery để treo, bày tác phẩm.
Cũng bởi từng được rèn luyện trong một môi trường chuyên nghiệp và khắt khe, nên Lê Giang không chọn con đường dễ đi mà thử sức ở vai trò là một nghệ sĩ thị giác. Gạt sang một bên lối suy nghĩ truyền thống, Giang theo đuổi những đề tài phức tạp và trừu tượng giữa con người với thiên nhiên.
Đầu năm 2020, triển lãm “Nước xanh non biếc” là một nỗ lực của Lê Giang nhằm nhận diện những trở ngại đau thương trong việc thỏa hiệp với một vùng ký ức nhiều mâu thuẫn. Cô đặt ra sự cần thiết khi đối diện với những huyền thoại về Đông Dương trong bối cảnh Việt Nam hiện đại.
Lê Giang chắt lọc cảm hứng ở nhiều nguồn tri thức, từ kho tàng truyền thuyết – truyện dân gian về tục thờ đá. Qua khảo sát địa chất xoay quanh vấn đề khai thác đá, cô truy vấn sự bùng nổ buôn bán vật phẩm phong thủy và tác hại tới mẹ thiên nhiên.
Bị cuốn hút bởi quy trình của đá quý - sự việc được gán tính thiêng, biểu tượng tâm linh bị biến đổi và đúc ép thành hàng hóa đại trà. Lê Giang khám phá cách thức kiểm soát thiên nhiên, để tạo tác và gán nghĩa mới cho đá quý theo nấc thang giá trị tiêu dùng.
Dùng nghệ thuật để cảnh báo
“Tương lai của hoàn thành” là triển lãm mà Lê Giang đưa ra những chất vấn xoay quanh không chỉ các ngành công nghiệp, cộng đồng khai thác, buôn bán vật phẩm và trải nghiệm tâm linh, mà còn cả bộ phận người mua có xu hướng mê tín dị đoan, tiêu thụ đá quý với niềm tin mù quáng.
Đồng vọng theo chủ đề triển lãm, xuất hiện trong không gian trưng bày là chuỗi tác phẩm đa dạng chất liệu. Từ hội họa, điêu khắc, tới video và sắp đặt đóng vai trò như các viễn cảnh mang hình hài và sắc màu biến ảo, về một thế giới khởi sắc đến từ tương lai đầy hi vọng.
Đại diện The Factory cho rằng, những sắp đặt của Lê Giang về tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo len lỏi giữa những bức họa trừu tượng thơ mộng, cài vào những thước phim lãng mạn đậm chất sơn thủy hữu tình.
Ẩn dưới phông nền non xanh nước biếc là điệp trùng bạo lực máy móc liên tục chém băm cắt đá. Xa xa, các tác phẩm khác dần xuất hiện.
Giữa gian phòng rực đỏ tựa điện thờ, chậm rãi xoay tròn pho tượng hình núi non - tựa dáng dấp mặt hàng phong thủy đại trà được bày bán khắp nơi. Bao bọc các tác phẩm, Lê Giang sắp đặt ánh sáng rực rỡ và kì ảo bởi nguồn sáng đèn điện.
Ở một gian phòng khác, phủ mặt tường nhuốm đen là video hai kênh, lấp lánh ánh xanh đỏ, lần mò khám phá “nội tạng” của một hang động có thật được mô tả ở tỉnh Yên Bái, phô diễn vẻ đẹp hùng vĩ lẫn những chi tiết thị giác độc đáo mà tự nhiên ban tặng.
Như bao hang động khác, hang động xuất hiện trong video này được trang trí tái thiết kế để trở thành khu du lịch tâm linh. Vang vọng trong không gian, “chủ sở hữu” hang động là một người phụ nữ Mông.
Qua lời kể bằng tiếng bản địa, sẽ thuật lại câu chuyện về quá trình hang được thay hình đổi dạng. Công chúng sẽ nhận ra, tuy đây là nỗ lực mưu sinh, nhưng đồng thời vẫn là một hành động nhuốm màu thao túng niềm tin.
Các khung cảnh và vật thể trong triển lãm đưa ra lời cảnh báo về một vấn nạn đến từ tương lai không xa. Hệ quả đó do chính sự bòn rút và tàn phá thiên nhiên mà con người gây ra.
Phản chiếu những hiện thực mà Lê Giang quan sát được trong quá trình nghiên cứu, cơ thể tác phẩm làm hiển lộ và tiếp biến những phương pháp mà con người sử dụng để khai thác, tiêu thụ thiên nhiên. Ở đó, nghệ sĩ kiến tạo một tương lai hoàn mỹ - bề mặt tuy bao phủ sắc màu hân hoan, song tâm can lại bị ruồng bỏ, biến dạng và mục ruỗng.
Đối diện với những tác phẩm này, công chúng sẽ đặt ra câu hỏi do đâu mà nên? Tại sao con người xẻ da lóc thịt thiên nhiên, làm tha hóa đời sống tâm linh của chính mình? Ở nền văn hóa nơi người ta cho rằng vật phẩm phong thủy có khả năng mang lại năng lượng tích cực, sức khỏe dồi dào và sự thịnh vượng may mắn, thì triển lãm khiến người xem suy ngẫm lại.