Và, câu chuyện tình yêu giữa lương y trên chiếc xe lăn với cô gái hiền dịu, nết na làng Chuông khiến nhiều người cảm động, họ đã viết nên câu chuyện tình cổ tích giữa đời thường, biến những điều không thể thành có thể, biến tuyệt vọng thành hy vọng để cuộc sống này tươi đẹp hơn.
Tuổi thơ bất hạnh
Trong căn nhà nhỏ ấm cúng, rót chén trà mời khách, anh Dũng kể, cuộc đời mình trước kia là những chuỗi ngày đầy bất hạnh . Cách đây 30 năm, trận ốm quái ác đã làm anh bị teo cơ, bố mẹ anh đã chạy chữa khắp nơi chỉ mong con trai mình có thể khỏe mạnh bình thường.
Nhưng, dù có uống bao nhiêu thuốc, đi bao nhiêu bệnh viện, tất cả đều "vô phương cứu chữa" khiến anh phải chấp nhận sống cuộc sống tàn tật, đôi chân vĩnh viễn không thể đi lại được.
Mất đi đôi chân, mọi sinh hoạt của Dũng đều nhờ vào gia đình , miếng ăn, giấc ngủ Dũng cũng không tự mình thực hiện được. Tuổi thơ của anh không chỉ trên chiếc xe lăn, trên giường bệnh mà còn phải đối diện với cơn đau của bệnh tật, sự giằng co của ý chí khi không được như bao bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường.
Lương y trên chiếc xe lăn. |
Anh luôn tự tin , mặc cảm vì khiếm khuyết trên cơ thể, luôn nhốt mình trong bốn bức tường, anh không tìm được lối thoát và tuyệt vọng trước cánh cửa cuộc đời. "Ngày còn nhỏ, tôi chỉ biết khóc khi nhìn vào đôi chân của mình, lớn lên một chút, tôi bắt đầu rơi vào trạng thái tuyệt vọng, bất mãn trước cuộc sống. Tôi mặc cảm, tự ti với người đời.
Tôi nghĩ mình là kẻ vô dụng khi không bước những bước dài đi về phía tương lai được nữa. Lúc đó, tôi không muốn ai biết đến sự tồn tại của mình, nhốt mình trong bốn bức tường tối đen cũng chính là cách để tôi né tránh những ánh mắt thương hại của người thân và bạn bè", anh Dũng tâm sự .
Anh chỉ thực sự vượt qua thời kỳ khủng hoảng đó khi nhìn thấy bố mẹ ngày đêm tất bật kiếm tiền chạy chữa cho mình. Nghe những câu chuyện về nhiều mảnh đời bất hạnh đã dũng cảm vượt lên số phận mà các cô chú tại khu điều dưỡng thương binh Yên Nam (Duy Tiên) nơi mà bố mẹ làm việc, anh mới hiểu được rằng, ở đâu đó, trên đất nước này còn rất nhiều người khốn khổ hơn mình, họ còn thiếu đi tình yêu thương của gia đình, sự giúp đỡ của bạn bè.
Chắp vá những câu chuyện đó lại, Dũng coi như đó là một bài học cho chính mình. Ý chí của anh luôn nhắc nhở "phải tự đi trên chính đôi chân của mình, không thể làm gánh nặng thêm cho gia đình được nữa".
Anh Dũng nhớ lại: "Năm 1995, một lần về quê thăm ông bà nội, nhìn ông nội tận tâm gói từng thang thuốc để cứu người, tôi chợt nghĩ gia đình mình có nghề thuốc tại sao mình không bắt đầu từ những thang thuốc này. Ban đầu thấy tôi xin học thuốc, cả nhà ai cũng lo ngại nhưng thấy sự quyết tâm của tôi, ông nội đã gật đầu đồng ý.
Với những người bình thường, học thuốc đã khó nhưng với người tàn tật thì lại càng khó gấp bội. Quyết không đầu hàng, tôi theo ông nội học từng phương thuốc một. Mỗi phương thuốc học được cũng như đang ngấm dần vào cơ thể tôi, giúp tôi có sức mạnh để bước tiếp chặng đường phía trước".
Mối lương duyên định mệnh
Nhắc đến chuyện tình cảm động của lương y trên chiếc xe lăn với người con gái xinh đẹp, nết na làng nón, ai biết chuyện cũng phải trầm trồ, xúc động. Cảm động hơn khi nhiều người biết rằng, 12 năm nay, chị Duyên chính là đôi chân tháo vát, tận tụy của chồng, chị thầm lặng bên anh, chăm sóc ăn uống sinh hoạt cho chồng để anh Dũng yên tâm chữa bệnh cứu người, thực hiện ước mơ được giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
Gia đình hạnh phúc của anh Dũng. |
Anh Dũng bộc bạch: "Năm 2002, tôi đi học một lớp đông y do Trung ương hội Đông y Việt Nam tổ chức tại Hà Nam để nâng cao trình độ chuyên môn. Học hành vất vả, nhiều lần nản chí, nhưng cũng chính lúc đó, tôi gặp Duyên, cô gái làng Chuông (Duy Minh, Duy Tiên, Hà Nam).
Tôi đã say đắm người con gái đó ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng không dám bộc bạch, bởi tôi sợ khi nói ra cô ấy từ chối vì hoàn cảnh khó khăn của mình. Tình cảm dành cho cô ấy chỉ biết chôn chặt trong lòng và chờ đợi”.
Ban đầu, anh chỉ dám đến bên chị như một người bạn để tâm sự, chia sẻ những khó khăn, vất vả. Sau một thời gian, khi biết chị đã dành tình cảm đặc biệt cho mình, nhưng anh vẫn lo sợ. Anh sợ rằng sẽ là gánh nặng cho chị, đôi vai nhỏ bé ấy sẽ vất vả hơn rất nhiều. Như hiểu được suy nghĩ của anh, chị đã mạnh dạn bước đến bên anh mà thì thầm "em muốn được làm vợ anh, cùng anh đi hết quãng đời còn lại”.
"Nghe những lời cô ấy nói, tôi không tin vào tai mình, tôi ôm cô ấy và cả hai bật khóc, đó là ngày định mệnh để tôi và cô ấy quyết định đến với nhau", anh Dũng chia sẻ.
Nhưng, lúc đó anh chị phải cùng nhau bước qua rào cản của gia đình. Khi bố mẹ Duyên biết chuyện Duyên sẽ lấy một người đàn ông cả đời phải ngồi trên xe lăn, bố mẹ đã phản đối kịch liệt. Gia đình không muốn con gái mình phải chịu vất vả, thiệt thòi, bên ngoài cũng có nhiều lời bàn tán và e ngại cho tương lai của cô. Vì thương con, bố mẹ chị dọa sẽ từ mặt nếu Duyên cứ nhất quyết muốn lấy anh làm chồng.
Những ngày đó, Duyên chỉ biết khóc, van xin bố mẹ hãy chấp nhận tình yêu của họ. Cô và anh đã nói rằng: Dù có khó khăn đến đâu cũng sẽ bên nhau đi hết cuộc đời, cô muốn trên hành trình anh đi có in dấu chân cô. Nhìn thấy con gái ngày đêm nhớ thương người yêu, bố mẹ Duyên biết không thể ngăn cản được nữa. Cuối cùng, gia đình đành chấp nhận để anh chị làm đám cưới.
Anh Dũng bảo, từ ngày chị Duyên ở bên anh, chị chưa bao giờ ca thán, đòi hỏi chồng mình hay so bì với những người đàn ông lành lặn, thay vào đó là sự thấu hiểu, thông cảm dành cho chồng. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, sóng gió trước cuộc đời, giờ đây họ sống vui vẻ, hạnh phúc bên nhau.
Anh chị như những cây xương rồng mọc trên cát, dù trong điều kiện khắc nghiệt nhất họ vẫn vươn lên và nở hoa. Anh luôn trân trọng những công việc thường ngày của mình, trân trọng tình yêu, niềm tin mà chị Duyên dành cho anh.
Anh Dũng cũng chia sẻ rất nhiều về công việc đã làm, không chỉ chữa bệnh cứu người ở phòng khám, anh còn thành lập hội người khuyết tật, mong muốn những người có cùng cảnh ngộ vượt qua mọi mặc cảm trong xã hội , vươn lên từ chính những thiệt thòi, khiếm khuyết.
Đi từ nhóm của người khuyết tật đến năm 2006, mọi người trong hội cùng một số tổ chức đã đồng lòng thành lập hội người khuyết tật đầu tiên của tỉnh Hà Nam với đầy đủ tư cách pháp nhân, anh Dũng được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội.
Đảm nhiệm chức vụ và vai trò quan trọng trong Hội, anh luôn đặt ra những mục tiêu rất cụ thể trong hoạt động Hội. Đến nay, toàn bộ 6 huyện, thành phố của tỉnh Hà Nam đã thành lập được hội người khuyết tật và phát triển được 5 hội người khuyết tật cấp xã, phường, thị trấn với số người đăng ký tham gia sinh hoạt lên đến trên 1.000 người.
Anh luôn nghĩ và mong muốn rằng, hội người khuyết tật không phải là Hội vì người khuyết tật mà là Hội của người khuyết tật. Cái mà mọi người ở đây cần không phải là tiền, là những ánh mắt thương cảm mà là những kiến thức, nghề nghiệp để họ tự vươn lên, nuôi sống mình.
Tấm gương sáng về nghị lực vượt lên hoàn cảnh Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Khâm, Chủ tịch UBND xã Duy Minh cho biết: "Anh Trần Quang Dũng là người có nghị lực thép, đã vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để học nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người, đây là một tấm gương sáng về nghị lực vượt lên hoàn cảnh. Không chỉ có vậy, anh Dũng cũng giúp đỡ rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn có công ăn việc làm. Nhắc đến câu chuyện tình của anh Dũng ai cũng phải ngưỡng mộ, hiện giờ anh chị đã có hai người con thông minh, ngoan ngoãn, anh thường nói với chúng tôi, đó là tài sản vô giá của mình". |