Chuyện ở ngã ba biên giới A Pa Chải

GD&TĐ - Đồn biên phòng A Pa Chải có nhiệm vụ quản lý đường biên dài 40,5 km. Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, đơn vị đã thành lập 7 chốt chặn tạo thành vành đai khép kín.

Một chốt dã chiến tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.
Một chốt dã chiến tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.

Hầu hết các chốt, trạm kiểm soát đều trong tình trạng nhiều “không”: Không điện, không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại… 

Khi biên giới là quê hương…

Cũng đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở về nơi mà người ta hay gọi là địa danh “một tiếng gà gáy, ba nước (Lào - Việt Nam - Trung Quốc) nghe chung”. Đó là A Pa Chải, nơi biên viễn xa xôi, đón ánh nắng mặt trời muộn nhất mảnh đất hình chữ “S”. Ở đó có những chiến sĩ mang quân hàm xanh đầy can trường, hết lòng vì đất mẹ thiêng liêng.

Dưới tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm 2020, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng A Pa Chải, huyện Mường Nhé đang hăng say lao động với không khí khẩn trương nhất để hoàn thành những phần việc cuối cùng, chuẩn bị chia tay năm cũ cùng với biết bao gian lao, vất vả; Đón chờ một năm mới với nhiều hứa hẹn. Khi những người con của đồng bào Hà Nhì từ khắp bốn phương trở về quây quần bên gia đình chung vui, đón đón Tết cổ truyền của dân tộc mình thì cũng là lúc các anh đang nắm chắc tay súng bảo vệ sự bình yên nơi biên cương.

Đồn Biên phòng A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 40 km đường biên, với 16 cột mốc (tuyến biên giới Việt – Trung dài 19,5 km với 8 cột mốc; tuyến biên giới Việt – Lào dài 21 km với 7 mốc và 1 cột mốc ngã ba biên). Địa bàn phụ trách của Đồn tương đối rộng, bao gồm toàn bộ xã Sín Thầu với 6 bản thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, hơn 240 hộ dân, trên 1.200 nhân khẩu trong đó đồng bào dân tộc Hà Nhì chiếm đến 95%.

Đây cũng là Đồn biên phòng duy nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên được giao nhiệm vụ quản lý đường biên giới tiếp giáp với hai quốc gia láng giềng Lào và Trung Quốc. Quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Pa Chải gặp không ít khó khăn do đặc thù địa bàn vùng giáp biên giới, trình độ nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế, nhất là những hiểu biết về pháp luật, quốc phòng, an ninh; về các Quy chế, Hiệp ước bảo vệ biên giới của Nhà nước…

Mỗi độ Tết đến, Xuân về thì cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng A Pa Chải lại cùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn vui Xuân, đón Tết trong niềm vui chung.
Mỗi độ Tết đến, Xuân về thì cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng A Pa Chải lại cùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn vui Xuân, đón Tết trong niềm vui chung.

Thiếu tá Đặng Văn Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải trải lòng: “Khó khăn là vậy, song thời gian qua, lãnh đạo, chỉ huy Đồn biên phòng A Pa Chải đã luôn bám sát sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên, chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp quản lý, nắm tình hình địa bàn biên giới cả nội biên và ngoại biên. Phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát trên cơ sở bám sát địa bàn, bám sát nhân dân gắn với phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể”.

Những ngày này, khi mà nơi nơi, đồng bào Hà Nhì khắp các bản: Tá Miếu, Tả Ko Khừ, Tả Ko Ki… ở xã Sín Thầu đang tay trong tay bên chén rượu nồng, thì những người lính mang quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng 317 A Pa Chải vẫn đang một mặt  bảo đảm đủ quân số để giữ gìn an ninh cho bà con vui Xuân, đón Tết. Họ cũng tranh thủ lồng ghép tuyên truyền chủ trương của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, về Luật biên giới quốc gia để bà con hiểu rõ hơn và thực hiện tốt hơn.

“Thực hiện chủ trương của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên, Đồn biên phòng A Pa Chải đã thành lập các Đội vận động quần chúng nhằm tích cực bám dân, bám bản, bám địa bàn. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện tốt phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với đồng bào, các Đội vận động quần chúng đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ Đồn còn tích cực hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế, chăm lo giáo dục, nâng cao đời sống”, Thiếu tá Đặng Văn Tuấn chia sẻ.

Quân - dân chung vui trong ngày Tết truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới.
Quân - dân chung vui trong ngày Tết truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới.

Vành đai “thép”

Tranh thủ phút giải lao ngắn ngủi sau kết thúc một buổi tuyên truyền cho người dân, thiếu tá Đặng Văn Tuấn cho hay: Cùng thời điểm diễn ra ngày Tết truyền thống của đồng bào Hà Nhì thì Đồn biên phòng A Pa Chải vẫn đang có một bộ phận cán bộ, chiến sĩ vẫn đang “nằm gai, nếm mật” ở khu vực biên giới để bảo vệ các chốt dã chiến.

Biên giới Mường Nhé mùa này ngày mưa, đêm sương mù dày đặc, lạnh giá. Ở các chốt chặn trên đường mòn khu vực Đồn Biên phòng A Pa Chải quản lý đều xa nguồn nước, không có điện. Nơi đây lại có nhiều đường mòn, lối mở. Ngoài tội phạm ma túy còn tiềm ẩn nguy cơ người xuất, nhập cảnh trái phép, trốn cách ly, lây lan dịch Covid-19. Cũng vì thế mà nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ ở chốt dã chiến chống dịch vì thế càng cam go hơn.

“Quán triệt tinh thần chỉ đạo từ tỉnh, chúng tôi yêu cầu cán bộ chiến sĩ tùy vào vị trí, công việc được giao, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ. Vì thời điểm này hết sức quan trọng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong lúc bà con thăm thân để vui Xuân, đón Tết cũng là thời điểm kẻ xấu lợi dụng để vượt biên, trốn cách ly, buôn bán ma túy trái phép… Vì thế toàn đơn vị phải tập trung cao độ vừa bảo đảm an ninh, trật tự, vừa phải làm tốt công tác chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thiếu tá Đặng Văn Tuấn nói.

Nhớ về câu chuyện chống dịch với quyết tâm cao nhất, thiếu tá Đặng Văn Tuấn đưa tôi trở về câu chuyện của đồng đội, chiến sĩ trong đơn vị đã phải trải qua.

Một buổi tuần tra khu vực biên giới của cán bộ, chiến sĩ Đồn A Pa Chải.
Một buổi tuần tra khu vực biên giới của cán bộ, chiến sĩ Đồn A Pa Chải.

“Tôi không quên được giây phút mà đơn vị nghe tin “sét đánh” từ quê nhà anh ấy. Người thân mất, cả đơn vị đau đến nhói lòng, Thiếu tá Trần Đức Đàm - cán bộ kiểm soát hành chính của đơn vị đã quặn lòng, nuốt lệ tạm quên đi nỗi niềm riêng để nắm chắc tay súng để cùng anh em vừa chống dịch, vừa bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng…”, Thiếu tá Đặng Văn Tuấn nghẹn ngào nói.

Tròn 100 ngày sau khi bác ruột qua đời ở tuổi 69, đến tận hôm nay thì thiếu tá Trần Đức Đàm vẫn chưa quên được giây phút đau đớn của cuộc đời. 800 km để từ A Pa Chải về đến quê lúa Thái Bình, thắp nén tâm nhang cho người bác ruột không phải là điều quá khó khăn với anh. Song vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm với xã hội, anh không thể bỏ lại cây súng, bỏ lại chốt chặn chỉ vì nỗi niềm riêng.

“Đau thì đau lắm chứ, nhưng sao có thể làm khác được khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang tham gia chống dịch với tinh thần và quyết tâm cao nhất. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tin tưởng ở chúng tôi, những người bảo vệ vành đai quan trọng này. Vì thế, chúng tôi không thể vì việc riêng mà lơ là nhiệm vụ được”, thiếu tá Trần Đức Đàm ngậm ngùi nói.

Thiếu tá Đặng Văn Tuấn trải lòng: Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” ngay từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại (29/7), đơn vị đã thành lập 7 chốt chặn dọc tuyến biên giới tiếp giáp với 2 nước Lào – Trung Quốc… tạo thành vành đai khép kín. Hầu hết các chốt, trạm kiểm soát đều được lập trên tuyến đường mòn, lối tắt, do đó luôn ở trong tình trạng nhiều “không”: Không điện, không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại…

Chốt đóng quân xa địa bàn dân cư nên cán bộ, chiến sĩ vừa phải thực hiện nhiệm vụ, vừa phải tự bảo đảm mọi sinh hoạt, ăn uống. 21 cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm túc trực 24/24 giờ tại các điểm chốt, kịp thời phát hiện, kiểm soát người ra – vào khu vực biên giới, thực hiện cách ly đối với người trở về từ vùng dịch, đối tượng nghi nhiễm Covid-19. Từ ngày 29/7 đến nay, các chốt chặn của Đồn A Pa Chải đã bắt giữ 3 trường hợp nhập cảnh trái phép, lập biên bản vi phạm và đưa về Xí nghiệp X79 để cách ly theo quy định.

Cán bộ, chiến sĩ tại các chốt dã chiến chống dịch Covid-19 phải lấy từng can nước sạch từ những khe suối xa mang về sử dụng.
Cán bộ, chiến sĩ tại các chốt dã chiến chống dịch Covid-19 phải lấy từng can nước sạch từ những khe suối xa mang về sử dụng.

Có đến biên giới vào những ngày này mới cảm nhận hết những khó khăn, vất vả mà các chiến sĩ nơi tuyến đầu đang hàng ngày đối mặt. Ghé thăm lán trại trên chốt khu vực mốc 5, chúng tôi càng cảm phục hơn sự hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ quân hàm xanh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 chốt giữ nơi tuyến đầu. Với họ “Rừng đã là nhà, lều bạt dã chiến thành nơi nghỉ ngơi”.

Khuôn mặt hốc hác, đen sạm, thiếu úy Ngô Văn Tư, Đội phó Đội phòng chống Ma túy và Tội phạm (Đồn Biên phòng A Pa Chải) chia sẻ: “Suốt đêm qua mưa rừng ầm ầm như thác đổ, cán bộ, chiến sĩ tổ công tác khu vực mốc 5 phải thay nhau giữ cột lều cho khỏi đổ… Việc tuần tra, kiểm soát cũng gặp rất nhiều khó khăn vất vả; có nhiều đoạn chúng tôi phải đi bằng tay, bấu víu vào cây, vào đá mà đu xuống; gặp đoạn lên dốc thẳng đứng, vừa lên đỉnh núi xong lại phải bò xuống thác rồi lại leo lên”.

Ở chốt chặn nằm trong rừng sâu, heo hút trong suốt thời gian dài, thiếu úy Ngô Văn Tư và nhiều đồng đội chưa một lần về thăm vợ, con. Có người mẹ ốm nằm viện, có người vợ ở nhà sinh con… nhưng vì nhiệm vụ các anh vẫn gác lại tình riêng, thêm chắc tay súng ngày đêm bám bản, bám rừng.

Nơi biên cương xa xôi, sóng điện thoại chập chờn, thi thoảng các anh mới liên lạc được với vợ con để vơi nỗi nhớ nhà. “Biết vợ, con lo cho mình nơi biên cương xa xôi, hẻo lánh, nhất là ở các chốt chặn thiếu thốn đủ bề, nhưng tôi vẫn động viên để vợ yên tâm, bởi đã là Bộ đội Cụ Hồ thì trong bất cứ hoàn cảnh, khó khăn nào, khi Tổ quốc cần tôi cũng sẵn sàng lên đường và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao” – Thiếu úy Ngô Văn Tư chia sẻ.

Cuộc sống của người lính là vậy. Khi không khí náo nhiệt của mùa xuân mới đang tràn ngập các bản làng, khi các đôi trai gái đang say mê trong tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn thì các anh - những người lính mang quân hàm xanh vẫn âm thầm nơi đèo cao lộng gió, kiên trung vững chắc tay súng giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng, sự bình yên cho đồng bào, nhân dân các dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...