Thiêng liêng cực tây A Pa Chải

Thiêng liêng cực tây A Pa Chải

(GD&TĐ) - A Pa Chải giờ vẫn chưa có điện lưới.  Ấy vậy mà đi dọc đường thấy nhiều nhà bật bóng điện cả ban ngày. Thì ra bà con đã biết dùng thủy điện mini từ những dòng suối chảy qua như Mo Phí, Y ma hồ. Trên những mái nhà lợp tôn, thấy nhiều bình nước nóng năng lượng mặt trời, hoặc pin mặt trời...

Khi gặp bí thư kiêm chủ tịch xã Pờ Dần Xinh lại càng bất ngờ khi trong xã Sín Thầu có nhiều… tỉ phú. Chẳng phải ngoa, ông kể ra một số hộ có nhiều trâu bò như ông Sùng Phì Sinh bản Tả Ko Khừ có 160 con, ông Su Tư Hừ có gần 100 con, ông Sùng Khai bản A Pa Chải có 70 con, hay như ông Vua bò Chang Vàng Sinh trước đây có tới 300 con nhưng khoảng 2 năm trước bị dịch bệnh và ông bán bớt, giờ cũng còn trên 100 con. Bản thân ông Pờ Dần Xinh trước đây cũng có đàn trâu bò vào hàng nhất nhì trong xã.

Thiêng liêng cực tây A Pa Chải ảnh 1
Người dân A Pa Chải chăm lo sản xuất

Nhưng cái đáng khoe hơn của ông Xinh là thanh thế dòng họ Pờ nhà ông. Truyền thống yêu nước hiếu học của gia đình ông có ảnh hưởng rất lớn đến bà con người Hà Nhì nơi đây. Từ những năm giải phóng miền Bắc 1954, bố ông là Pờ Pó Chừ đã là tiểu đội trưởng đội dân quân, có công lớn trong việc chống phỉ càn quét kể cả sau khi giải phóng. Ông Pờ Pó Chừ là thương binh và là người đầu tiên ở đây được kết nạp Đảng khi thành lập chi bộ Đảng Chung Thầu đầu tiên năm 1959. Bố ông Xinh cũng giữ nhiều chức vụ nhưng vì không biết chữ nên ông không thể làm cao được. Có lẽ vì thế mà ông Chừ đã quyết tâm nuôi dạy tất cả các con đi học.

Người Hà Nhì rất mến khách, rất quý cán bộ nhất là các giáo viên. Có lẽ vì thế mà rất nhiều thầy cô giáo lên đây cắm bản và không muốn về. Các thầy cô thương trò, yêu vùng đất cực Tây thiêng liêng mà ở lại dạy cái chữ. Chẳng hạn như thầy Lò Văn Sáng ở điểm trường Tiểu học Tá Miếu, đã 10 năm gắn bó ở đây, mỗi năm chỉ về quê Tuần Giáo với vợ con có hai lần vào dịp nghỉ hè và Tết. Còn thầy Quàng Văn Hới cũng quê Tuần Giáo thì đã chọn cho mình được cô gái Hà Nhì để định cư ở đây.

Hay như thầy Phạm Văn Hải ở Trường THCS Sín Thầu, quê tận Nam Định cũng đã lên được 10 năm, có vợ dạy cùng trường. Khi hỏi nếu có cơ hội thì thầy có về xuôi không? Thầy bảo: “Mình ở đây lâu, tuy thiếu thốn nhưng cũng quen rồi. Cũng không lỡ về xuôi, chứ thực ra hai năm trước đã có cơ hội về rồi nhưng không về.”

 Nhìn các lớp học đã xây dựng khang trang bên dãy nhà vách đất lợp mái tôn tạm bợ đơn sơ của khu tập thể giáo viên ở ngay trong trường mà thấy nể, thấy thương các thầy cô. Trong dãy nhà ấy, có nhiều cặp vợ chồng giáo viên cũng đều ở đây vì chưa có đất để làm nhà riêng. Thực tế thì mặt bằng ở đây rất hiếm nên chính quyền xã cũng chưa thể bố trí được đất riêng cho các thầy cô đã lập gia đình. Khó khăn là thế vẫn không làm giảm đi sự nhiệt tâm, gắn bó tận tụy của các thầy cô cống hiến dạy dỗ cho các học sinh. Họ cũng chính là một lực lượng có ảnh hưởng không nhỏ, đang từng ngày góp phần tạo nên một miền biên ải có tri thức của Tổ quốc.

Trần Đức Hiển

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ