Chuyện những thầy giáo trẻ sông Trẹm

GD&TĐ - Từ những vùng quê khác nhau, nhưng các thầy giáo Trường THCS Tân Lợi, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau lại có cùng một tình yêu, bầu nhiệt huyết với nghề dạy học với niềm vui sướng nhất là sự trưởng thành hằng ngày của các em học sinh.

Chuyện những thầy giáo trẻ sông Trẹm

Nằm cạnh bên dòng sông Trẹm thơ mộng Thới Bình thôn, cách thành phố Cà Mau 9 km về phía Bắc là ngôi trường THCS Tân Lợi, một trong những điểm sáng của ngành Giáo dục Thới Bình.

Trong niềm vui, phấn khởi, thầy giáo Lê Hoàng Ẩn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường THCS Tân Lợi có 791 học sinh ở 2 điểm trường Xóm Sở và Tắc Thủ. Điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, ít đất nông nghiệp, sống chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên với nguồn thu nhập chính từ con tôm, cây lúa. Cuộc sống, điều kiện học tập của các em còn nhiều thiếu thốn. Thầy trò không phải dạy và học trong những phòng học tạm bợ tôn, lá như trước, trang thiết bị dạy học nơi đây tuy còn hạn chế, song chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt là chất lượng học sinh mũi nhọn.

Gắn bó với mảnh đất Tắc Thủ, thầy Nguyễn Minh Tuân chia sẻ: Quê thầy ở tỉnh Ninh Bình. Năm 2000, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Bạc Liêu rồi được phân công công tác tại Trường THCS Tân Lợi, gần hai mươi năm gắn bó với mảnh đất còn nhiều khó khăn này, thầy Tuân đã có một gia đình hạnh phúc tại đây. Và ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ đã trở thành quê hương thứ 2 của thầy.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Quang, giáo viên dạy môn Ngữ văn, sinh ra và lớn lên tại xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, những ngày đầu mới về đây công tác thầy Quang không khỏi ngỡ ngàng. Con đường từ trung tâm xã tới điểm trường ấp Xóm Sở gần 10km như một sợi chỉ dài ngoằng nằm dọc bên dòng sông Trẹm thơ mộng, khiến một chàng trai sống sôi nổi như thầy Quang không tránh khỏi cảm giác buồn chán. Thế nhưng, khi tiếp xúc với các em học sinh nơi đây, tình thương và trách nhiệm của người thầy đã níu giữ bước chân thầy Quang ở lại mảnh đất Thới Bình này hơn 15 năm nay.

Thầy giáo Lê Thanh Thoại là giáo viên người bản địa của Trường THCS Tân Lợi với hơn 19 năm công tác. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất khó khăn này, thầy Thoại thấu hiểu hơn ai hết những vất vả, thiệt thòi của các em học sinh quê mình. Thầy Thoại chia sẻ: “Là người địa phương nên tôi thuận lợi hơn những thầy giáo từ nơi khác về trường, như: Hiểu phong tục, tập quán của người dân nơi đây, thông thuộc địa hình, điều kiện sinh hoạt cũng thuận tiện hơn. Vất vả nhất là các thầy giáo xa nhà phải ở lại trường. Nhưng nhờ có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Ban giám hiệu, công đoàn, cùng sự đoàn kết của các giáo viên, cũng như sự cố gắng của các em học sinh mà chất lượng dạy và học của nhà trường đã ngày một được nâng cao.

Tuy vẫn còn đó những khó khăn, vất vả nhưng hàng ngày được đứng trên bục giảng, đem “con chữ” đến cho học sinh là niềm hạnh phúc của các thầy, cô giáo nơi đây. Mong muốn các em không chỉ học được cái chữ, mà còn biết vươn lên theo đuổi những ước mơ để có một tương lai tươi sáng hơn, đó cũng chính là hạnh phúc vô bờ bến của những người giáo viên làm công việc "trồng người" của mình”.

Theo Bài và ảnh: Nguyễn Thùy Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...