Trái lại, 6 người đang “trông đèn” nơi đây luôn tràn đầy nhiệt huyết, cần mẫn, canh “con mắt thần” cho tàu thuyền qua lại.
Đến thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy - Nam Định) những ngày này ngoài việc thấy chính quyền địa phương và người dân tập trung dỡ bỏ các lều quán, ki-ốt trước kia là “thiên đường” mồi “chài” khách làng chơi để chỉnh trang thành công viên cây xanh và chắn sóng, “đập” vào mắt chúng ta một công trình cao lừng lững với hình lăng trụ lạ mắt.
Đó là Trạm đèn biển Quất Lâm, có nhiệm vụ báo vị trí cửa Hà Lạn, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Nam Định định hướng và xác định được vị trí hải trình.
Được mệnh danh là “mắt thần” bên bờ biển, trạm đèn có hình lăng trụ lục giác với màu sắc khoang đỏ, vàng xen kẽ nổi bật giữa nền trời. Trạm đèn có tổng chiều cao 31m, chiều rộng trung bình 3m, tầm nhìn 15 hải lý với chiều cao tâm sáng 29,1m.
Bất kể ngày đẹp trời hay khi gió bão, trạm đèn biển luôn hoạt động liên tục. Cũng giống như những ngọn hải đăng khác, Trạm đèn biển Quất Lâm luôn có một đèn dự phòng để thay thế đèn chính trong trường hợp bị hỏng hóc.
Theo chân Trạm trưởng Thanh Bảo Ngạn, leo qua hàng chục nhịp cầu thang dựng thẳng đứng lên đến nơi đặt đèn, chúng tôi phải dừng lại vài lần để… thở dốc. “Mỗi người trong trạm ngày ít nhất phải lên, xuống 2 lần để trực, kiểm tra máy móc. Chúng tôi đã quá quen với nhịp công việc chứ nếu ai lần đầu đến thăm nơi này, chỉ trèo được từ chân lên đến đỉnh đèn đã cảm thấy oải rồi!”, anh Ngạn cho biết.
Bõ công leo hàng chục nhịp cầu thang, lên đài quan sát, chúng tôi bao quát được cả một vùng trời biển bao la, đẹp diễm lệ trong nắng. Xa xa, những đốm đen nhỏ xíu chính là hàng trăm tàu thuyền của ngư dân đang hoạt động, khai thác, đánh bắt ngoài biển cả.
Hàng ngày, trạm đèn bắt đầu hoạt động từ lúc 6 giờ chiều - khi hoàng hôn buông xuống - đến 6 giờ sáng, khi bình minh ló rạng. Vào những ngày mùa đông, hoặc nhiều sương mù, đèn sẽ sáng từ 5 giờ chiều cho tới sáng hôm sau, sớm hơn một giờ vì điều kiện thời tiết.
Đối với những người làm việc trên biển, hải đăng không chỉ đơn giản là chỉ dẫn, định hướng, “cứu hộ” trên hành trình lênh đênh sóng nước, mà còn là… đường về nhà. Lão ngư Đặng Văn Dĩnh (thị trấn Quất Lâm), làm nghề đi biển đến nay đã ngót 40 năm, chia sẻ: “Đối với tôi, mỗi ngày ra biển, hải đăng vừa là bầu bạn, vừa là người dẫn đường.
Có những ngày giông gió, chưa kịp vào bờ, có những lúc tàu bị mất định vị, hỏng máy, trong đêm tối chỉ cần nhìn thấy ánh sáng của hải đăng là chúg tôi yên tâm và không bao giờ lo lạc đường. Đó là “mắt thần” của những người đi biển”.
Canh gác, bảo đảm duy trì hoạt động của Trạm đèn biển Quất Lâm là 6 người đến từ Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương… Hàng ngày để đảm bảo cho ngọn hải đăng hoạt động, anh Ngạn chia ca trực, cứ 2 tiếng, họ lại đổi ca cho nhau.
Nhiệm vụ của người trực là vệ sinh khu vực trạm, kiểm tra, bảo trì máy phát điện và hệ thống điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất; kiểm tra các thông số hoạt động để đèn hoạt động đúng thông báo hàng hải và thông báo về đơn vị chủ quản.
Điều kiện sống tập trung giúp họ gắn kết, thân thiết với nhau như anh em trong nhà. Khổng Trung Chính, sinh năm 1990 được coi là “em út” về trạm mới được 2 năm. Lập gia đình chưa lâu, Chính ở với anh em nhà đèn nhiều hơn thời gian ở với vợ con.
Chính kể: Những ngày đầu mới nhận nhiệm vụ công tác, có cảm giác buồn bởi trạm đèn cách khá xa khu dân cư, hơn nữa do yêu cầu công việc nên cũng ít khi rời vị trí. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ vợ con lắm nhưng đi đâu xa hoặc về quê một vài ngày lại thấy nhớ anh em nhà đèn. Xa nhà nên anh em cũng có những nỗi vất vả riêng.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Bắc Trung Bộ, điều kiện sinh hoạt, đời sống của cán bộ, nhân viên nhà đèn được cải thiện hơn rất nhiều. Cái khó nhất của những người gác đèn là thường xuyên phải xa gia đình.
Nhớ nhà, câu chuyện thường ngày của những người gác đèn vẫn là những chủ đề về trường lớp của con cái, đồng ruộng vào vụ; sức khỏe cha mẹ già hay mơ màng hơn là ao ước về một mái nhà nhỏ có chồng, có vợ và những đứa con quây quần bên mâm cơm mỗi tối; là đón đưa con đi học hay chiều cuối tuần được đi công viên...
Một số người nói rằng, nghề canh đèn biển là một công việc mạo hiểm. Là bởi những người gác đèn thường phải làm việc thâu đêm trong điều kiện thời tiết nhiều bất thường, đặc biệt khi có bão. Tuy nhiên, bất kể nắng hay mưa, biển lặng hay bão tố, ngọn hải đăng không bao giờ được tắt, đó là nguyên tắc “dĩ bất biến”, là mệnh lệnh được anh em nhà đèn khắc ghi.
Mùa đông ở những vùng biển trời sập tối khá nhanh. 5 giờ chiều, rời Trạm đèn biển Quất Lâm đã thấy ngọn hải đăng bật sáng. Một ngày làm việc mới của những thợ nhà đèn đang bắt đầu.
Giữa mênh mông biển trời, những người gác đèn vẫn miệt mài với công việc của mình, cheo leo trên những ngọn đèn để đưa ánh sáng đi xa nhất. Để đêm xuống, từ ngọn hải đăng ấy đều đặn nhấp nháy ánh sáng trắng, như một tín hiệu bình yên nơi vùng biển quê hương.