Chuyện nhà Dương Thúy Vi: Cha Thái Sơn - Con Bắc Đẩu

Là vận động viên (VĐV) Việt Nam duy nhất giành được Huy chương Vàng (HCV) tại ASIAD 2014, Dương Thúy Vi dĩ nhiên tạo được sức hút cực lớn và mọi chi tiết về gia đình và bản thân “cô gái vàng” wushu này luôn hấp dẫn người hâm mộ.

Chuyện nhà Dương Thúy Vi: Cha Thái Sơn - Con Bắc Đẩu

Đả bại quần hùng ở Võ Đang

Ông Dương Văn Thắng (phải) chia sẻ niềm tự hào về cô con gái rượu với người viết. Ảnh: L.Đ

Âu cũng chẳng phải chuyện lạ bởi Thúy Vi đã gắn bó với wushu từ năm 7 tuổi. Tất cả những ai hâm mộ hoặc yêu mến Thúy Vi đều biết, dù nhỏ người nhưng với những tố chất đặc biệt cộng với cơ duyên và truyền thống võ thuật của gia đình, Thúy Vi mới trở thành đương kim vô địch SEA Games và ASIAD như hiện nay.

Nhưng, với bản thân Thúy Vi, nghề nghiệp mà cô yêu thích nhất, thậm chí đến giờ vẫn không thay đổi là trở thành một… phi công. “Tất nhiên, đến bây giờ em biết hiện thực hóa ước mơ ấy là rất khó, nhưng nào có ai bị đánh thuế giấc mơ” - Thúy Vi cười tươi chia sẻ.

Trở lại chủ đề võ thuật, Thúy Vi tỏ ra hào hứng và có rất nhiều câu chuyện hấp dẫn được cô “bật mí”, khác hẳn với những cuộc phỏng vấn có phần hơi vội vã với chúng tôi ngay sau khi giành HCV ASIAD 2014 hay SEA Games 2013.

Khi chúng tôi đùa: “Trong lễ tôn vinh các VĐV Hà Nội đạt thành tích xuất sắc tại ASIAD 2014, Vi đã cầm giấy đọc lời phát biểu mà vẫn lúng túng, ngượng nghịu. Vậy khi lên thảm đấu, Vi có gặp phải trạng thái hồi hộp, căng cứng ấy không?”, Thúy Vi dí dỏm đáp: “Em yêu thích và đã có gần 20 năm tập luyện, thi đấu wushu nên đâu có bị “cóng” như khi lên đọc văn bản”.


Dương Thúy Vi luôn cháy hết mình trên thảm đấu. Ảnh: Đăng vũ

Thúy Vi kể lại câu chuyện ít ai biết: Khi mới 15 tuổi, cô đã một mình lên núi Võ Đang “luận kiếm” và giành HCV trong cuộc tỉ thí đỉnh cao cực kỳ quyết liệt với hàng loạt cao thủ tại giải vô địch wushu truyền thống thế giới. Cần nhớ, Võ Đang cùng với Thiếu Lâm vốn được coi là Thái Sơn- Bắc Đẩu của võ học Trung Hoa.

Vì thế, giải vô địch wushu truyền thống thế giới có tính thử thách khắc nghiệt không hề thua kém giải vô địch thế giới hay ASIAD. Ấy thế mà cô bé nhỏ nhắn, gương mặt lúc nào cũng thường trực nụ cười duyên dáng đã có bài thi tuyệt vời để trở thành kiếm thủ xuất sắc nhất.

Những nỗ lực không biết mệt mỏi của Dương Thúy Vi đã đem đến thành quả là tấm HCV Wushu quý giá tại ASIAD 2014. Ảnh: Đăng Vũ

Khi chúng tôi thắc mắc, liệu Vi có học hỏi được gì từ những chiêu kiếm trong phim ảnh để áp dụng vào thực tiễn thi đấu hay không, Thúy Vi tâm sự rất thật lòng: “Thi đấu quốc tế có những bài riêng, được quy định rõ ràng nên không thể sáng tạo được chiêu thức nào. 

Tuy nhiên, việc xem phim với những đường kiếm đẹp cũng giúp em có thêm đam mê theo đuổi nghiệp võ vốn lắm chông gai. Hơn nữa, trí tưởng tượng của em cũng được nâng lên để có trạng thái tâm lý thoải mái nhất khi bước lên thảm đấu”.

Thương con trong cả giấc mơ

Câu chuyện với Thúy Vi đưa đẩy chúng tôi gặp gỡ người mà cô khẳng định “tôi yêu quý, tôn trọng nhất”. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ thuật, ông Dương Văn Thắng (bố Thúy Vi) học võ Thiếu Lâm từ nhỏ.

Được “truyền thụ võ công” từ ông ngoại của mình, ngay từ những đường quyền đầu tiên, ông Thắng đã được dạy và luôn tâm niệm với bản thân cũng như sau này chỉ bảo con gái mình rằng: Học võ là để tự vệ, để biết tĩnh tâm, đồng thời phát huy tối đa khả năng để làm việc thiện cho người, cho đời.

Khi Vi 7 tuổi, ông Thắng đưa con đi tập võ chỉ với mục đích giúp con nâng cao sức khỏe. “Ông bố nào chẳng muốn con mình mạnh khỏe và tôi chọn cách cho con họ võ”, ông Thắng bảo thế và tình thương vô bờ ấy cộng với tố chất đặc biệt của Thúy Vi cũng như cơ duyên đã tạo nên nhà vô địch của wushu Việt Nam.

Cho con theo nghiệp võ, ông Thắng cùng vợ (vốn từng học Vịnh Xuân quyền) phải chấp nhận cảm giác buồn nhiều hơn vui như chính ông thừa nhận. Trong thành công của Thúy Vi, chắc chắn có sự hy sinh thầm lặng của một ông bố, đồng thời cũng là của một huấn luyện viên kiêm thầy thuốc đặc biệt.

Vốn được truyền thụ nghề y, lại rất hiểu biết về đá phong thủy, mỗi khi Thúy Vi gặp phải chấn thương hay những vấn đề về tâm lý… là ông Thắng lập tức “ra tay”. Trước thềm SEA Games 2013, khi Thúy Vi dính chấn thương nặng, đau đến mức không thể cúi lưng, ông Thắng đã bấm huyệt. 

Chẳng hiểu phương pháp của ông Thắng thần diệu đến cỡ nào, nhưng chỉ sau 5 phút, Thúy Vi đã cơ bản vận động bình thường và sau đó đã thi đấu xuất sắc để giành HCV trên đất Myanmar. Những ngày Thúy Vi khổ luyện ở Trung Quốc để chuẩn bị cho ASIAD 2014, ông Thắng cũng cho con mang các loại đá phong thủy phù hợp để có được sức khỏe, ý chí minh mẫn.

Không chỉ giúp con, gần mười năm nay, ông Thắng cũng rất tích cực làm từ thiện, chữa bệnh miễn phí giúp đỡ nhiều người khác. Có những viên đá phong thủy rất giá trị, ông cũng sẵn sàng tặng người bệnh để có sức khỏe tốt.

“Từ nhỏ, tôi đã được dạy phải luôn cố gắng làm điều tốt mỗi khi có thể. Khi làm bố, tôi lại tâm niệm phải tu nhân tích đức để tạo phúc cho con gái mình. Thúy Vi có nhiều thành công, tôi và vợ vui lắm”. 

Có một ông bố tuyệt vời như thế, cũng dễ hiểu vì sao “cô gái vàng” Dương Thúy Vi lại có được thành công mà vẫn giữ được cốt cách đúng mực của con nhà võ. Trong trường hợp này, nói “hổ phụ sinh hổ tử” quả không sai!

Theo danviet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.