Chuyện người anh hùng “bị lãng quên”

GD&TĐ - Với 5 quả đạn B41, Nguyễn Xước Hiện đã tiêu diệt 3 xe tăng M48 và 1 xe M113 của địch trong trận Cheo Reo nổi tiếng của Chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân 1975 lịch sử. Xuất ngũ về địa phương, gia cảnh khó khăn, giấy tờ bị thất lạc, những chiến công của người dũng sĩ năm xưa rơi vào quên lãng. Anh lặng lẽ đương đầu với những khó khăn đời thường, cho đến một ngày nhà văn Nguyễn Trọng Luân, đồng đội xưa tìm gặp... Sau hơn 40 năm, tiếng oan của người hùng năm xưa đã được… cởi.

Anh hùng Nguyễn Xước Hiện (phải) và nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn
Anh hùng Nguyễn Xước Hiện (phải) và nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn

Từ quê nghèo ra trận

Theo hẹn với anh hùng Nguyễn Xước Hiện, chúng tôi tìm về Phượng Vĩ, xã công giáo toàn tòng nơi thượng huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) trong một ngày tháng Tư rực nắng.

Ngôi nhà khang trang đồng đội quyên góp xây dựng cho ông nằm khiêm nhường trên một ngọn đồi nhỏ. Ông Nguyễn Xước Hiện dáng người gầy gò trong bộ âu phục giản dị ra đón khách. Trong nhà, dăm vị khách đang ngồi chuyện trò bên bàn trà. Ông Hiện chưa kịp giới thiệu, chúng tôi đã nhận ra những bậc tiền bối của văn nghệ đất Tổ: Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, nhà thơ Kim Dũng… Không hẹn mà gặp, đã có giao tình từ trước, lại cùng mối quan tâm nên không khí buổi gặp gỡ thật nồng ấm. Câu chuyện của người anh hùng, xoay quanh những ký ức về cuộc chiến hơn 40 năm trước ùa về thật tự nhiên…

Nguyễn Xước Hiện sinh ra và lớn lên trong một gia đình công giáo nghèo. Tháng 9/1972 anh lên đường nhập ngũ, sau hàng loạt “mánh lới” giắt gạch vào lưng quần chỉ vì chưa được nổi 40 cân. “Lúc ấy, anh em bạn bè của mình cũng lên đường hết rồi. Mình thì chẳng đui, què, mẻ, sứt gì nhưng mỗi tội nhẹ cân quá. Lần nào khám cũng bị trả về.

Lần thứ tư đi khám tuyển, tôi đút thêm mấy viên gạch vỡ vào lưng quần, đủ cân nhưng khi khám lại bị đánh tụt hạng. Họ bắt tôi về nhà nhưng lần này tôi quyết không về, cứ chạy theo xe. Cuối cùng, trước quyết tâm của mình tôi cũng được nhập ngũ”, ông Hiện cười hóm hỉnh kể.

Sau thời gian huấn luyện ở Bắc Thái, đầu năm 1973 Nguyễn Xước Hiện được phiên vào chiến đấu trong đội hình Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Mặt trận Tây Nguyên.

Ngay khi bổ sung về đơn vị, Hiện đã được tham gia những trận đánh chống lấn chiếm ở Làng Dịt, Đồi 30, Đường 20 và Lệ Ngọc, Làng Siêu… Xuất thân trong gia đình nông dân chịu khó, chịu khổ nên dẫu sức vóc nhỏ bé nhưng bất kỳ cuộc hành quân chiến đấu nào Hiện cũng luôn xốc vác và giúp đỡ đồng đội. Khẩu B41 anh phụ trách luôn là chỗ dựa tin cậy trong mỗi trận đánh tiêu diệt hỏa điểm của địch.

“Mỗi trận thắng, mỗi chiến công đều có mất mát, hi sinh, phải đánh đổi bằng máu xương của đồng đội và chính mình. Với tôi, kỷ niệm không thể nào quên là trận đánh trên Đường số 7 tại Cheo Reo, thuộc tỉnh Phú Bổn (nay thuộc Thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) trong Chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân 1975 lịch sử”, ông Hiện bắt đầu câu chuyện về trận đánh lớn nhất đời mình như thế.

Lịch sử Trung đoàn 64 ghi chiến công của Nguyễn Xước Hiện
  • Lịch sử Trung đoàn 64 ghi chiến công của Nguyễn Xước Hiện

Chiến công “kép”

Theo lệnh cấp trên, Trung đoàn 64 và Trung đoàn 48 của Sư đoàn 320 phải nhanh chóng tiếp cận và bao vây toàn bộ Cheo Reo, Phú Bổn để chặn đường rút lui của địch. Suốt đêm chúng tôi phải vượt qua núi đá hiểm trở, chạy tắt 8 cây số đường rừng. Sáng 18/3/1975, Đại đội 3 của tôi được lệnh chốt chặn tại cầu Cây Sung, nam Cheo Reo. Lúc này, đoạn Đường số 7 từ cầu Sông Bờ đến cầu Cây Sung dài khoảng 4 cây số, tập trung hàng trăm xe thiết giáp và hàng chục nghìn lính địch cùng hàng trăm xe quân sự đang hành quân. Do bị Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 64 đánh vào đội hình trên cầu Sông Bờ, hàng chục xe tăng và thiết giáp mở đường máu điên cuồng bắn phá và rút chạy.

Đại đội 3 của tôi chốt chặn tại cầu Cây Sung quyết không cho địch chạy thoát về phía biển Tuy Hòa. Địch nhận rõ nút chặn hiểm ấy nên sáng 19/3, chúng tổ chức nhiều đợt tấn công với hàng nghìn lính cùng hàng chục xe tăng tràn vào trận địa. Lúc này, đại đội có 44 tay súng AK, 8 khẩu B40 và 2 khẩu B41 quyết tâm chặn địch để tiêu diệt. Có lúc địch dùng 51 xe, trong đó có 15 xe tăng đánh tràn vào các chốt. Xe tăng chúng đè lên cả hầm chốt của các chiến sĩ. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Tôi khi ấy là Tiểu đội phó, dẫn 3 chiến sĩ mới lần đầu ra trận chặn xe tăng địch.

Chiếc xe tăng đầu tiên xuất hiện, xích xe nghiến rung chuyển mặt đất. Áng chừng cách khoảng 15m, tôi nhổm dậy khỏi hầm cá nhân, gióng thẳng súng vào xe xiết cò. Đạn nổ, chiếc tăng bốc cháy lao xuống ngầm. Khoảng 15 phút sau lại ra một chiếc nữa và cũng chung số phận với chiếc đầu tiên. Chiếc thứ 3 ra là M113, chúng phát hiện vị trí chúng tôi. Đạn bắn như mưa. Lúc này tai tôi ù đặc. Tôi chồm lên công sự nhằm thẳng mục tiêu xiết cò. Chiếc M113 lao xuống sông. Chiếc tăng cuối cùng đến với tốc độ khá nhanh, chúng bắn sạt hết đất quanh hầm cá nhân của tôi. Khi thấy xe chồm lên bờ kênh, chớp thời cơ tôi bắn tiếp một quả nữa. Chiếc tăng khựng lại xì khói đen. Hết đạn B41, tôi dùng súng AK của một đồng đội đã hi sinh tiêu diệt bộ binh địch. Lúc ấy Tiểu đội tôi chỉ còn 3 người là tôi, Lộc và Út.

Chúng tôi đã lọt vào giữa vòng vây địch. Sợ chúng ào lên bắt sống khi 3 anh em chỉ còn mấy viên AK và quả lựu đạn. Tôi bảo, chúng mà xông vào thì giật quả lựu đạn chết chung... Ấy thế mà đợi một lúc lâu không thấy chúng xông lên, tôi nghĩ chắc bị tổn thất lớn nên chúng sợ. Tôi nói với hai đồng đội rằng mình sẽ ra gọi hàng.

Vai đeo khẩu súng AK đã hết đạn tôi bước ra gọi địch đầu hàng. Để nghi binh và dọa chúng tôi hô lớn: “Tất cả các mũi, các hướng sẵn sàng chiến đấu. Các đơn vị bộ đội chuẩn bị lên bắt tù binh”. Ai ngờ địch lũ lượt ra hàng cả trăm tên. Tôi chĩa khẩu súng hết đạn vào chúng bắt cởi dây giầy tự trói nhau. Tôi nói: “Khẩn trương lên không trận địa này chuẩn bị huỷ”. Chúng sợ hãi răm rắp làm theo lệnh. Tôi dẫn tù binh qua suối cạn thì gặp đơn vị. Ngay sau trận đánh ấy tôi được công nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp ưu tú, Dũng sĩ diệt địch cấp ưu tú và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, ngày 15/4/1975.

Cởi tiếng oan

Năm 1977, Nguyễn Xước Hiện xuất ngũ trở về địa phương. Anh tham gia dân quân xã, là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Phượng Vĩ. Cuộc sống của anh gặp nhiều bất hạnh, nhưng chưa bao giờ anh kêu ca, chán nản. Người vợ đầu không đợi anh về đã bỏ đi với người khác. Năm 1978, anh gá nghĩa với chị Nguyễn Thị Nghĩa, người xã bên.

Bất hạnh thay từ đứa con đầu tiên đến năm đứa tiếp sau đều mất sau khi sinh. Lúc ấy anh Hiện không hiểu vì sao. Không ít người ác miệng bảo “thằng Hiện sống ác nên phải trả giá”. Hai vợ chồng anh đau xót lắm… Mãi sau này anh mới biết, mình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam trong những năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và miền Nam.

“Những năm ấy, ông Hiện khổ lắm. Nhà ở mục nát, gia cảnh nghèo khó. Ông ấy bệnh nặng mà vẫn thường xuyên phải đi làm thuê, đánh dậm ở ngòi, ở suối để kiếm sống. Kể chuyện đánh nhau, lập chiến công ngoài mặt trận thì không ai tin. Người làng bảo ông trốn bộ đội nên bịa chuyện “bốc phét” cho đỡ xấu hổ”, bà Nguyễn Thị Minh Huệ người cùng xóm kể. May mắn thay, Chúa vẫn thương ông khi đứa con thứ 7 Nguyễn Văn Hùng (SN 1988) sinh ra khỏe mạnh và cho ông bà 3 đứa cháu nội.

Chiến công vang dội của ông Hiện được sử sách Trung đoàn 64, bảo tàng Sư đoàn 320 lưu giữ rõ ràng. Nhưng khổ nỗi người làng Phượng Vĩ chẳng ai vào được đến đấy để tỏ tường. Thế nên thành tích chiến đấu của ông Hiện mấy chục năm qua vẫn chỉ mình ông biết.

Chuyện về con người giản dị với những chiến công hiển hách ấy tưởng sẽ mãi chìm vào quên lãng. May mắn thay, đồng đội ông đã cất công về tìm gặp… Sau bao nhiêu năm, mái tranh nghèo đất Phượng Vĩ mới được đón tiếp nhiều người, rộn rã tiếng cười vui đến thế. Đường vào nhà ông Hiện đất đỏ mấp mô, hai con trâu tránh nhau cũng khó nên ô tô phải đỗ cách xa cả cây số.

Hôm Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, về thăm cũng phải đi bộ men theo các triền đồi mới vào được ngôi nhà tranh rách nát của người chiến sĩ đã góp phần làm nên truyền thống vẻ vang của đơn vị. Chứng kiến việc này, dân làng Phượng Vĩ và cả huyện Cẩm Khê mới ngỡ ngàng khi biết quê mình có người con anh hùng đến thế.

Sự quan tâm, chăm sóc gia đình người cựu chiến binh Trung đoàn 64 dù muộn màng nhưng vẫn sưởi ấm, thắp sáng niềm vui tưởng đã khô kiệt sau bao năm bị “hàm oan”, lầm lũi trong khổ cực của họ.

Ngày 26/7/2017, Bộ tư lệnh Quân khu 2 đã có quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp hằng tháng cho Nguyễn Xước Hiện. Tháng 6/2018, từ hồ sơ của Ban liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn 320 Chủ tịch Nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Nguyễn Xước Hiện. Người anh hùng đã không bị lãng quên trong lòng đồng đội và quê hương, đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ