Chuyện mẹ, chuyện con ở quê nghèo Quảng Trị

GD&TĐ - Chúng tôi tìm đến nhà em Nguyễn Thị Ngọc, ở thôn Long Sơn, xã Gio An, huyện Gio Linh (Quảng Trị) khi em đang chuẩn bị hành trang để vào Quảng Ngãi nhập học. 

Chuyện mẹ, chuyện con ở quê nghèo Quảng Trị

Vào đến cổng làng, hỏi thăm nhà bé Ngọc vừa đỗ hai trường đại học thì ai cũng biết tường tận. Căn nhà chật hẹp vỏn vẹn chỉ 20 mét vuông của mẹ con Ngọc, không có bất kỳ vật dụng gì đáng kể, nhưng lại chứa đựng biết bao câu chuyện về tình mẹ con, về những nỗ lực lớn lao, kì diệu…

Hai mảnh đời hiu quạnh...

Trò chuyện với chúng tôi, chị Hồ Thị Liên, mẹ của Ngọc không cầm được nước mắt. Chị kể lại, năm Ngọc vừa lên 1 tuổi thì ba em bỗng nhiên nói muốn đi làm ăn xa, rồi bỏ đi biền biệt 18 năm ròng đến nay không tìm được tung tích. Cuộc sống của hai mẹ con kể từ khi ba Ngọc bỏ đi, chỉ toàn là những nốt trầm buồn…

Năm 2001, khi Ngọc lên 3 tuổi, thấy con đã cứng cáp, chị Liên quyết định bế con vào miền Nam làm thuê mong thoát khỏi chuỗi ngày chạy ăn từng bữa. Hơn một năm trời nơi đất khách quê người, chị làm đủ mọi việc mong kiếm tiền mua sữa, có cháo cho con. Nhưng số phận trớ trêu, khi sức khỏe chị ngày một yếu, nhiều lần ngã quỵ khi đang đi bán vé số dạo.

Ở quê nhà, ông bà ngoại Ngọc đã ngoài 70, nhưng vì quá thương con, thương cháu đã vào tận Sài Gòn đưa hai mẹ con về. Trở về quê hương với hai bàn tay trắng, chị Liên lại tiếp tục đi làm thuê, làm mướn nuôi con.

Chị chia sẻ: “Dù cho làm việc vất vả cực nhọc bao nhiêu, về đến nhà, thấy nụ cười của con khi khoe điểm 10, điểm 9, tôi vui lắm. Hằng năm, thấy bức tường dán giấy khen của con ngày một dày thêm, là tôi lại vơi hết bao nhiêu mệt nhọc”.

Kể từ khi Ngọc bước vào cấp hai, số tiền học phí, trang trải cho học hành ngày một tăng lên, gánh nặng trên đôi vai người mẹ lại nặng thêm nhiều. Chị Liên lại tất tả ngược xuôi, tìm thêm việc để làm, mong kiếm thật nhiều tiền để cho con được đến trường bằng bạn bằng bè. Chị sắm thêm đôi quang gánh, rồi làm bánh lọc, gánh đi bán dạo.

Ngọc tâm sự với chúng tôi: “Thấy mẹ phải tìm đủ mọi việc để làm, nuôi em ăn học, em thương mẹ lắm. Nhiều hôm trời mưa, tờ mờ sáng mẹ đã dậy luộc bánh lọc, rồi đi bộ hơn 3km lấy thêm bánh mỳ về để bán dọc đường, em khóc và chỉ muốn nghỉ học để đỡ đần mẹ. Nhưng mẹ nói với em, đời mẹ khổ quen rồi, thêm chút nữa cũng không sao. Mẹ giờ chỉ còn con là chỗ dựa duy nhất, con phải gắng học hành để cho mẹ được vui, được mỉm cười tự hào”.

Không phụ lòng mẹ, cô bé Nguyễn Thị Ngọc học hành rất chăm chỉ, đạt nhiều thành tích cao. Học xong cấp hai, số bằng khen, giấy khen và giải thưởng cấp huyện, cấp tỉnh của em đã lên đến con số “khủng”. Em thi lên lớp 10 với điểm số cao vượt qua hơn 700 bạn khác trong toàn huyện, đặc biệt là môn Tiếng Anh sở trường. Con gái vào cấp ba với thành tích đáng nể, niềm vui nhiều nhưng nỗi nhọc nhằn cũng nặng nề hơn trên vai người mẹ.

Từ nhà đến trường cấp 3 ở thị trấn Gio Linh, Ngọc phải đi bộ gần 10km, đi học về hôm nào trời nắng thì áo đẫm mồ hôi, trời mưa thì trơn trượt, lại đi bộ quãng đường xa nên lấm lem bùn đất. Thấy bạn bè có xe đạp, rồi xe đạp điện, Ngọc chỉ dám ước ao, bởi số tiền buôn bán ít ỏi của mẹ hằng ngày chỉ đủ đắp đổi, nên em chẳng dám đòi hỏi gì hơn. Có những lúc, cầm trên tay giấy mời họp phụ huynh để nộp tiền học phí, Ngọc giấu nhẹm đi, không cho mẹ biết. Thương con, chị Liên quyết định tìm đến những tấm lòng vàng…

Đi xin tiền cho con đi học…

Năm 2014, chị Liên một mình xin xe khách vào Huế, đến gõ cửa từng ngôi chùa, trình bày hoàn cảnh của mình, rồi xin những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ cho hai mẹ con. Sự hiếu học của bé Ngọc và tình yêu thương con của chị đã làm nhiều sư thầy, Phật tử xúc động.

Mỗi người cho một ít, chị Liên vui lắm khi có được ít tiền về nộp học phí cho con và mua cho con một chiếc xe đạp cũ để đi học. Lịch học kín cùng với chương trình học nặng, bạn bè đồng trang lứa đều tìm đến những lớp học thêm để bổ sung kiến thức, nhưng Ngọc luôn có ý thức tự học. Biết điều kiện của mình không được như bao bạn khác, em chủ động đi mượn sách, tìm tòi kiến thức từ những anh chị đi trước.

Đam mê môn Tiếng Anh và xác định sẽ dự thi khối D1 nhưng sách vở, tài liệu của Ngọc rất ít. Nhiều lần, cần cuốn từ điển Anh - Việt (giá khoảng 200.000 đồng), nhưng Ngọc chỉ đến chỗ bán, tra cứu rồi ghi nhớ trong đầu, về nhà ghi vào vở, vì em biết mẹ chẳng thể có số tiền lớn đến vậy. Chị Liên thấy con hôm nào cũng ra tiệm sách, khi biết nguyên do, chị tìm cách xin các việc làm thêm, chịu khó dành dụm gần cả tuần mới có được đủ số tiền mua cuốn từ điển về cho Ngọc...

Tháng 8 vừa qua, niềm vui vỡ òa trên gương mặt cả hai mẹ con, khi với kết quả cao của Kỳ thi THPT quốc gia 2016, Ngọc đã đủ điều kiện trúng tuyển vào hai trường đại học là Đại học Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi và Đại học Nha Trang (Khánh Hòa).

Chị Liên gạt nước mắt: “Kể từ khi biết tin con đỗ đại học, vui thì rất vui rồi, nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng đau đáu một nỗi lo, không biết kiếm đâu ra tiền cho con nhập học, vì cuộc sống hằng ngày của hai mẹ con vốn đã rất chật vật. Dẫu vậy, tôi tự hứa với lòng mình sẽ sẵn sàng làm tất cả mọi việc, miễn là không trái pháp luật, để con gái được học hành đến nơi đến chốn”.

Nghĩ mãi, chị Liên giấu con, lại một mình vào thành phố Đông Hà, gõ cửa từng cơ quan để tìm hiểu, cuối cùng đã xin một suất học bổng từ Quỹ Tiếp sức đến trường cho Ngọc… Biết nỗi lòng của mẹ, Ngọc đăng kí vào ngành Kinh doanh quốc tế của Đại học Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi. Em nói, muốn vào Quảng Ngãi để chi phí đi lại, học tập, ăn uống thấp hơn, đỡ cho mẹ phần nào.

Ở quê Ngọc có một loài rau sống được trên đá, rau mọc lan xung quanh hai giếng nước cổ và có sức sống rất mãnh liệt. Người dân quê ở đây vẫn thường dùng loài rau này trong các bữa ăn, rồi hái bán để có thêm thu nhập, bởi rau ăn ngon, lại rất dễ sinh trưởng dù trong thời tiết khắc nghiệt như thế nào.

Gặp gỡ, chuyện trò với Ngọc, tôi bỗng có nhiều liên tưởng… Tôi muốn gọi cô bé nhỏ nhắn này là “ngọn rau xanh trên đá”, giống như thứ đặc sản ở giếng cổ Gio An quê em vậy…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ