Những chiếc xe đạp ngược dốc và học sinh vùng cao

GD&TĐ - Những chiếc xe đạp ngược dốc. Ấy là lúc buổi trưa hay xế chiều. Tiếng lạch xạch của xích muốn vỗ về đôi bàn chân các cô, các cậu học sinh vừa tan học hay lao động từ trường về.

Những chiếc xe đạp ngược dốc và học sinh vùng cao

Buổi sáng , cũng chiếc xe này, từng đoàn, từng đoàn hăm hở xuống dốc. Tiếng xe lăn, tiếng phanh kít kít, lạch xạch. Mây mù dần tan, cổng trời quang dần, trải rộng..

Đó là những cô, những cậu học sinh đang theo học trường THPT số 1 Bắc Hà. Mới có tháng năm năm nay, các cậu là học sinh trường TPTDTBT THCS Lầu Thí Ngài. Sáu tháng vừa mới xa nhưng các cô, các cậu lớn quá, chững chạc hẳn lên.

Xe tôi trôi theo vòng cua tay áo, tiếng chào thầy ạ! Đã nhiều lần tôi nghe nhưng mỗi lần nghe lại càng thấy mới. Hình như, các em của tôi đã lớn dần trong cả cách nghĩ. Khuôn mặt các em gái ửng hồng, bừng sáng vẻ tự tin.

Còn cậu con trai thì lại khác. Xe đạp nhong nhong nhong hết rượt bên này lại chạy sang phía bên kia, ấy là lúc đường vắng. Tiếng cười chìm trong hổn hển, hả hê, mãn nguyện bởi những câu trêu đùa bâng quơ.

Thế đấy, tuổi học trò vùng cao là vậy. nghịch ngợm, trêu ghẹo cả ngày không thấy chán.

Mấy cô, cậu học trò đang theo học phổ thông, cũng liên quan đến công việc thống kê tại ủy ban xã. Xã hội cũng dõi theo bóng xe, bóng người của các cô cậu thì phải. Tôi mạn phép ghi nhanh góc cạnh của một ủy ban một xã vùng cao.

Tại UBND xã Lầu Thí Ngài, hè cũng như đông, người ra, kẻ vào tấp nập. Mấy anh thanh niên đang khom lưng vác bao phân NPK. Cánh nam giới khác thì đang ngồi tại thềm, tay vân vê điếu thuốc. Khói thuốc lào bay bay, xoay xoay lửng lơ trên đầu. Họ đang trao đổi với nhau về giá cả và nhẩm tính trong đầu về những hec-ta đất mới cày cần bao nhiêu giống A-Ti-Sô nữa thì đủ.

Tầng một. Bao giờ cũng đông. Kẻ ra, người vào, lấy con dấu chữ ký, chuyển báo mới và công văn. Cô Cán bộ văn phòng Đảng ủy đang lạch cạch trên bàn phím . Mấy cô cậu ở độ tuổi hai mươi đang theo dõi trên bảng niêm yết số hộ được vay, ngày tháng thanh toán. Chả là mấy tháng trước các cô, các cậu lên trên trường THCS lấy bằng tốt nghiệp để công chứng. Họ vừa xong thủ tục đi học trường nghề Phú –Minh.

Tầng một, góc thứ hai phía trái là phòng Chủ tịch. Cánh cửa luôn hé mở. Ông Ngô Quang Thắng đang hý hoáy ghi chép, thấy tôi, tay bắt mặt mừng. Sau chén chè, Chủ tịch vào chuyện:

-Thế nào? Hiệu trưởng. Thầy giáo đã thống kê được danh sách học sinh vào học cấp III từ năm 2002 trở lại đây được bao nhiêu cháu? Tôi thì áng khoảng hai trăm linh bảy hay linh tám gì đó. Kết hợp, thầy cho tôi cả số liệu những học sinh ra trường và học nghề, hay đi công tác nữa. Tuần tới, lại có cuộc gặp mặt tại trung tâm giáo dục thường xuyên? Thầy đã nhận được giấy mời chưa?

Tôi dạ một tiếng. Trong đầu vẫn nghĩ đến con số hai trăm linh bảy ..

Hai trăm linh bảy với khoảng thời gian mười lăm năm trời. Vâng! Số học sinh vào học cấp ba của cả xã trong mười lăm năm là hai trăm linh bảy cháu. Đó là con số mà tôi cập nhật xong tuần trước.

Vùng đồng bằng chả có gì để nói với những con số “còm” ấy. Với vùng cao thì đó là những con số biết nói, Đó là quá trình phấn đấu biết bao công sức của toàn Đảng, toàn dân Lầu Thí Ngài.

Ở đây số hộ nằm rải rác cả 7 thôn bản có đến 2 phần ba là con em hộ nghèo thì đây là một kỳ tích trong giáo dục. Những học sinh đến với mái trường, vật lộn cùng con chữ, họ đi ra trong đói nghèo.

Buổi đầu, trường học còn đơn sơ lắm, học sinh  đi đến trường với đôi dép lê và manh áo mỏng. Ngày ấy, con đường về xã còn cheo leo. Toàn là đường đá gan gà mây bay lãng đãng.

Học trò thường đến trường muộn, phải chùi chân bên hè mới xin phép vào lớp. Mùa đông, mây mù ùa cả vào cửa lớp. Xuân hè, ào ào thác nước đổ xuống chặt đứt từng đoạn đường, rác rưởi đi cùng mưa lũ. Nhìn cảnh học trò đến trường ướt lướt sướt, thầy giáo lặng im, quay mặt rồi đưa tay lau vội giọt nước mắt.

Thấu hiểu nỗi cơ hàn của người vùng cao, thầy cũng thấu hiểu đằng sau các em là ruộng nương đang cày dở, những ruộng vườn, nương rẫy như bám riết lấy học sinh từng ngày. Còn phía trước các em là mái trường, là tương lai và các em đã tìm lấy niềm vui về với mái trường. Chính vì vậy, thầy giáo càng quyết tâm bám lớp, bám trường xây dựng cơ đồ cho đến hôm nay.

Tôi nhớ đến những ngày các em hoàn thiện hồ sơ xét tốt nghiệp. Cái ngày mà các em quyến luyến mái trường hơn bao giờ hết. Các em thương thầy chủ nhiệm ngày đêm gắn bó với lớp.

Tôi nhớ đến buổi họp phụ huynh đầu năm học này. Thời gian đầu họp chung, về sau chia về từng lớp. Xong việc, những ông bố, bà mẹ còn đến ngó nghiêng nơi ăn chốn ở của học sinh nội trú. Và như thể yên tâm, họ lại lên tầng hai xem bảng nội dung công khai về chất lượng giáo dục.

Bảng công khai chất lượng như minh bạch số lượng thi đỗ vào phổ thông trung học năm nay cao hơn năm trước rất nhiều. Cô giáo chủ nhiệm giới thiệu và mỉm cười, còn phụ huynh thì gật đầu, tin tưởng.

Các em nhớ đến những buổi sinh hoạt có cả nước mắt lẫn nụ cười. Thầy của chúng em bỏ cả Chủ nhật để đến lớp trang trí, trồng thêm vào chậu hoa, cây cảnh. Và những ngày trời mưa, mây đổ bộ trên sân trường, thầy của chúng em vào từng phòng ngủ, tay nắn những mền chăn, soi đèn xuống gầm giường. Hình như lúc nào thầy cũng sợ học sinh rét thì phải.

Bài giảng của thầy truyền cho thế hệ là: "Đói rét đi liền với bệnh tật, ngu dốt đi liền với nghèo nàn, lạc hậu...", những điều này đã nhập tâm vào các  học trò từ bao giờ chẳng rõ, nó rõ ràng rành mạch như bảng cửu chương hay bảy hằng đẳng thức đáng nhớ để cho các em hôm nay lớn lên trong nghĩ suy bài toán về cuộc đời. Sau này, khi ra trường, lớp lớp các thế hệ học sinh đầy ắp những kỷ niệm về mái trường thân thương.

Những chiếc xe đạp cứ lăn lăn trên con đường nhựa. Xe đạp xuất phát bắt đầu từ căn nhà trình tường mái dốc, qua con đường rải đá cấp phối rồi hòa nhập vào con đường nhựa. Ở đây là đường dốc, chứ không bằng phẳng vỉa hè cây cối nên thơ như con đường ở một phố nhỏ, xóm nhỏ vùng đồng bằng với những chiếc xe đạp Phượng Hoàng màu cánh trả hay là chiếc xe thống nhất Xuân Hòa đời mới... Tất cả đã gồng gánh những ước mơ của một thế hệ học trò vùng cao.

Tất cả là sự chắt chiu của những ông bố bà mẹ bán đi những sinh ngô để đem đến phương tiện cho con cái. Vành xe, bánh xe cứ quay đều, quay đều như hệ thống tuần hoàn nào đó. Phanh xe, lốp xe cứ mòn dần theo năm tháng theo cậu học sinh đến trường Phổ thông trung học. Chỉ có suy nghĩ, tri thức của các cô, các cậu học trò cứ lớn dần, lớn dần. Ước mơ của các cô, các cậu về một ngày mai cứ phập phồng bay bổng.

Tôi nghĩ tới những luồng sáng của ông mặt trời bên rừng thông. Cái khoảnh khắc bình minh hay hoàng hôn trông mới tuyệt diệu làm sao. Vệt sáng chạy dài, chạy dài như rẻ quạt, xua tan cái mù sương đang lơ lửng trong rừng, trong thung lũng.

Bánh của những chiếc xe đạp như ông mặt trời đạp cùng thời gian, mải miết từ sáng đến tối, từ đông sang tây. Con đường về xã đã rải đá cấp phối. Cây cầu đã nối hai bên bờ giữa bốn thôn bên này với ba thôn bên kia của xã Lầu Thí Ngài.

Buổi sáng sớm cũng như chiều muộn, từng đoàn, từng đoàn học sinh đang đạp xe mải miết, tiếng lạch xạch của xích va trong hộp, tiếng cười thấp thoáng lặn vào trong sương gió tất cả là một niềm vui không phải chỉ nhân hai, nhân ba mà tăng thêm nhiều lần cấp số của cả nhân dân các dân tộc Xã Lầu Thí Ngài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.