Sau hơn 1 tháng chuyển cho huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và TP Châu Đốc, tỉnh An Giang mỗi nơi 106 triệu đồng để xây nhà tình thương cho hộ nghèo, ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP Hồ Chí Minh đã đề nghị hai địa phương này trả lại tiền.
Lý do ông Hải đưa ra là 5 địa phương khác được ông chuyển tiền cùng lúc nhưng đến nay đã xây nhà và báo cho ông biết, trong khi huyện Nam Trà My và TP Châu Đốc vẫn chưa xây dựng, dù ông đã nhiều lần lên mạng xã hội cảnh báo, nhắc nhở...
Sau khi xuất hiện thông tin này, các bên liên quan đã có những “động thái” nhằm làm rõ hơn vấn đề. Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Nam Trà My cho biết, khi nhận được tiền có gọi điện cho ông Hải để cảm ơn, nêu sơ bộ kế hoạch sử dụng số tiền nhưng ông không nghe máy.
Số tiền ông Hải ủng hộ, ban cứu trợ họp thống nhất đưa vào quỹ chung, chia đều hỗ trợ cho các hộ làm, sửa chữa nhà, phân bổ theo quy chế chi tiêu của ban, mỗi hộ 40 triệu đồng/nhà.
Rằng do ông Hải gửi tiền ủng hộ nhưng không nói cụ thể hỗ trợ xây nhà cho ai, mấy hộ, bao nhiêu nhà nên mới đưa vào nguồn quỹ chung. Nếu hỗ trợ cụ thể bao nhiêu nhà thì sẽ dễ...
Còn Bí thư, Chủ tịch UBND TP Châu Đốc, tỉnh An Giang thì cho biết, ngay trong ngày 10/4 đã chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Châu Đốc chuyển khoản trả lại số tiền cho ông Hải.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu làm rõ. Nếu sai thì xin lỗi, nghiêm túc rút kinh nghiệm. Nếu không sai, không vi phạm cam kết thì xin ý kiến người dân để trả lại, không chấp nhận việc lợi dụng hoạt động từ thiện để xây dựng hình ảnh cá nhân.
Bên nào cũng có lý lẽ riêng, tuy nhiên điểm chung là có gì đó chưa thực sự thỏa đáng, chưa thực sự “trọn nghĩa, vẹn tình”. Về phía ông Hải, đương nhiên là người tài trợ thì ông có quyền biết số tiền mình bỏ ra có được thực hiện đúng với nguyện vọng không.
Thế nhưng liệu có vội vàng hay không khi đề nghị hai địa phương trả lại tiền? Nên chăng, trước khi đưa ra yêu cầu này, ông Hải tìm hiểu nguyên nhân do đâu mà địa phương chưa thực hiện, từ đó có thể phối hợp với địa phương tháo gỡ sẽ “trọn vẹn” hơn rất nhiều.
Về phía các địa phương, ở góc độ nhất định cũng chưa thực sự làm hết, làm tròn trách nhiệm của mình.
Cụ thể, mục đích chuyển tiền của ông Hải cũng như đối tượng thụ hưởng đã rõ nhưng lại nhập vào quỹ chung và khi còn chậm trễ trong thực hiện cũng chưa giải thích chu đáo, thuyết phục nên có thể đã dẫn đến những hiểu lầm không đáng có.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên có những ý kiến trái chiều, thậm chí các vụ việc tiêu cực xung quanh cách thức tổ chức, thực hiện các hoạt động từ thiện.
Như chuyện xét duyệt đối tượng thụ hưởng không đúng, chuyện chất lượng hàng hóa không bảo đảm, thậm chí là lợi dụng các hoạt động từ thiện để “đánh bóng” tên tuổi, để trục lợi. Những “hạt sạn” này đã ảnh hưởng rất lớn đến ý nghĩa cao đẹp của hoạt động từ thiện.
Bởi vậy, để tránh những sự việc không đáng có, không nên có trong hoạt động từ thiện, tất cả các bên liên quan đều phải đề cao ý thức trách nhiệm của mình. Để mọi nguồn lực của xã hội dành cho các hoạt động thiện nguyện phát huy tối đa hiệu quả.