Chuyến “hồi hương” qua vùng đất Tây Nguyên mến khách

GD&TĐ - Trước khi Công điện “ai ở đâu, ở yên đó” của Thủ tướng có hiệu lực, trên đường Hồ Chí Minh vẫn có hàng ngàn phương tiện lao vun vút từ phương Nam thẳng tiến quê nhà ngoài Bắc.

Người dân dừng nghỉ tại chốt kiểm dịch cầu 110 trên tuyến Quốc lộ 14.
Người dân dừng nghỉ tại chốt kiểm dịch cầu 110 trên tuyến Quốc lộ 14.

Trong chuyến hồi hương lịch sử này, người dân Tây Nguyên luôn để sẵn đồ ăn, thức uống dọc đường, giúp những con người xa xứ được ấm lòng, no bụng.

Không gượng được, phải tìm đường trở về nhà

Ghi nhận của phóng viên trên đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (đoạn qua các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai), ngày 1 - 2/8, nhiều tốp xe máy với lỉnh kỉnh đồ đạc vẫn miệt mài chạy dọc quốc lộ 14 từ Nam hướng ra Bắc.

Trưa 1/8, phát hiện 1 nhóm 5 thanh niên đi bộ trên cầu hướng từ Đắk Nông sang Đắk Lắk, một cảnh sát giao thông yêu cầu dừng lại hỏi. Y Phúc Êban, trú tại huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, mình và bạn làm thuê ở xã Thuận Hạnh, Đắk Nông. Giờ hết việc lại hết tiền nên quyết định về.

Không có xe, hai em quyết định đi bộ về nhà, trên đường thì gặp thêm ba bạn nhà ở Kon Tum và Gia Lai và nhập nhóm. Sau khi khai báo y tế tại chốt kiểm dịch, nhóm thanh niên được yêu cầu ngồi chờ, chốt sẽ kiểm tra y tế rồi liên hệ xe cho về nhà.

“Mấy ngày nay, người về rất đông, mỗi ngày hàng ngàn người qua chốt. Từ tối qua đến nay, sau khi Thủ tướng có công điện, dòng người về cũng khá nhiều” -  một cán bộ tại chốt kiểm soát cầu 14 cho biết.

Tại “trạm dừng chân” cầu 110 (nối tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai), vợ chồng chị Lùi Thị Mai – anh Ma Seo Lềnh (quê Lào Cai) đang tranh thủ nghỉ ngơi sau chặng đường dài.

“Vợ chồng tôi có 2 con nhỏ đang gửi cho ông bà ở quê vào làm công nhân khu công nghiệp Tân Bình (tỉnh Bình Dương). Do dịch bùng phát, công ty đóng cửa lại không hỗ trợ gì. Nếu ở lại thì không biết xoay xở như thế nào” - chị Mai rơm rớm nước mắt kể.

Còn anh Và Bá Cử (37 tuổi, quê huyện Tương Dương, Nghệ An) cho biết, mấy tháng trước cả gia đình 4 người dắt díu nhau vào Bình Dương làm công nhân cạo mủ cao su. Công việc cũng kiếm được 400.000 đồng/ngày. Nhưng dịch Covid-19 lan quá nhanh, hết việc, vợ chồng anh không thể gắng gượng đành phải quay về nhà.

Trong khi đó, anh Nguyễn Anh Dũng (34 tuổi, quê Nam Đàn, Nghệ An) đi làm ở Vũng Tàu cả năm nay, dịch dã mất việc nên cũng đành phải về.

“Chúng tôi đi trong vội vã, không biết mình có mang mầm bệnh hay không nên không dám ghé vào khu dân cư nào. Chỉ ăn tạm, uống tạm, ngủ tạm ở những nơi vắng vẻ. Nhưng thật may, người dân dọc đường họ đã cưu mang chúng tôi bằng nhưng bữa ăn thật ấm lòng,” anh Dũng xúc động.

Những suất cơm hộp được trao cho người dân dừng nghỉ chân tại các chốt kiếm soát tỉnh Đắk Lắk.
Những suất cơm hộp được trao cho người dân dừng nghỉ chân tại các chốt kiếm soát tỉnh Đắk Lắk.

“Người dân nằm vạ vật ven đường, bỏ họ sao đành”

Tại cầu 110, trên địa phận tỉnh Gia Lai, địa phương này đã tổ chức “điểm dừng chân” quy mô lớn đủ chỗ cho hàng ngàn người. Trung tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội 1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, công điện của Thủ tướng có từ chiều qua nhưng từ tối qua hàng trăm người dân vẫn đổ về qua đây.

Từ tối 31/7, đến sáng 1/8, Công an Gia Lai ghi nhận hơn 400 xe máy với khoảng 900 người của các tỉnh phía Bắc đi ngang, được hộ tống qua địa phận tỉnh.

“Tất cả người dân Gia Lai sẽ được xe ô tô đưa đi cách ly tập trung, xe máy sẽ được công an đưa về tận nơi ở. Đối với người ngoài tỉnh đi ngang Gia Lai, sẽ yêu cầu dừng lại nghỉ ngơi ở các lán trại. Buộc dân quay về thì không được, bỏ dân vạ vật thì không đành, hơn nữa tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng”, Trung tá Tuấn nói.

Cùng với cơ quan chức năng, nhiều người dân đã chung tay hỗ trợ những đoàn xe tại các trạm dừng. Chị Nguyễn Thị Dung, trú tại xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Đoàn chúng tôi đã túc trực và phát thức ăn, nhu yếu phẩm cho các đoàn xe được 7 ngày. Mỗi ngày phát từ 600 - 700 suất cơm, chủ yếu là do tiền chúng tôi tự bỏ ra. Chỉ mong người dân có sức khỏe, bình an về đến nhà là chúng tôi phấn khởi lắm rồi”.

Dọc theo cung đường 14 thân thương này, rất nhiều trạm “cấp phát thức ăn, nước uống miễn phí được lập nên. Ở đó, hơn cả vật chất còn là “nghĩa đồng bào” được tỏa sáng trong hoạn nạn, khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.