Khi chúng tôi về thôn Thắng Chí (xã Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội) hỏi về đại gia Nguyễn Văn Chuốt - 66 tuổi, người đàn ông lắm vợ, nhiều con bậc nhất Hà thành, nhiều người dân không khỏi buột miệng cười: “Cái ông ấy à, cả xã hội mới có một. Từ đứa trẻ cũng biết ông ấy là người như thế nào. Không tin các anh cứ đến hỏi người vợ cả của ông ấy thì sẽ rõ”.
Khá đặc biệt là, chính ông Chuốt lại là người chủ động tìm báo chí “nổ” chuyện lắm vợ nhiều con. Nhưng, khi chúng tôi có mặt, người vợ cả lại tố cáo một sự thật cay đắng khác...
Phận má hồng… tố chồng đa thê
Sau một hồi hỏi thăm, chúng tôi cũng tìm được nơi bà Dương Thị C. (66 tuổi), người vợ đầu của ông Chuốt sinh sống. Ngôi nhà kín cổng cao tường, từ bên ngoài không thể nhìn rõ bên trong. Sau một hồi gọi cửa, một người phụ nữ với dáng vẻ hom hem, chân thấp chân cao xuất hiện.
Cánh cổng vừa mở cũng là lúc chúng tôi bất ngờ về cảnh hoang tàn, cây dại mọc lút lối đi... Phải nhìn kỹ mới thấy một gian nhà nhỏ xập xệ nằm ở góc vườn rộng tới cả nghìn mét vuông.
Sau khi giới thiệu, bà C. mời chúng tôi vào nhà. Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc tivi mở suốt ngày, “để cho có tiếng người”, bà bảo thế. Mái nhà lợp pờ-rô-xi măng thủng lỗ chỗ.
Thi thoảng có tiếng chuột chạy rầm rập trên trần nhà. Bà tiếp lời: “Tôi vừa nghe trên mạng người ta bảo ông ấy có 8 bà vợ với 27 đứa con. Ôi trời ơi! Xấu hổ quá! Các chú vào đây tôi mới dám nói. Có được như thế đâu mà lên mạng, không có mà lên thế quá xấu hổ. Con người như thế quá xấu hổ...”.
Giọng của bà chùng xuống khi kể về cuộc đời mình và những tháng ngày khó khăn, vất vả đã trải qua, nhất là cuộc sống gia đình. Bà C. sinh ra và lớn lên trong một gia đình có kinh tế khá giả.
Bố mẹ của bà làm nghề bốc thuốc nên con cái trong gia đình đều được cho ăn học tới nơi, tới chốn, sau này có người làm cán bộ lãnh đạo ở địa phương.
Bà học hết lớp 4, học không được bằng anh, em, lại là con gái nên bố mẹ bảo thôi không phải đi học làm gì. Ngày xưa, các cụ thường nghĩ con gái lớn lấy chồng là xong.
Năm ấy bà 16 tuổi nhưng thân hình như thiếu nữ đôi mươi, đôi má lúc nào cũng ửng hồng. Trong làng cũng nhiều chàng trai ngỏ ý nhưng bà chưa gật đầu với ai vì còn ít tuổi.
Thời gian sau, ông Chuốt đến tán tỉnh. Dù bà chưa đồng ý nhưng ông đã đến đặt trầu (một tục lệ để khẳng định cô gái đã có người theo đuổi). Ngay cả thời gian bà đi dân công, ông Chuốt vẫn dao nhọn giắt sau lưng: “Mày bỏ tao, tao giết”...
Thời gian sau, ông Chuốt đi bộ đội nhưng đào ngũ về để tổ chức đám cưới vì sợ bà đi lấy người khác. “Đến gần 18 tuổi thì lấy nhau. Lúc cưới, không ai cho người đào ngũ có khẩu để cưới... Vài tháng sau cưới thì vẫn có đi đăng ký, nhưng mà đăng ký hay không cũng có ở với nhau đâu mà quan trọng”, bà C. nói.
Bà C. tâm sự với PV..
Vừa lấy nhau nhưng bà C. đã bị chồng bạo hành. Bà thường xuyên phải chịu những trận đòn roi từ ông Chuốt. Ngay cả khi mới đẻ được 3 tháng, đến bữa ăn, bà còn bị chồng chửi: “Mày lười mày không làm. Mày cậy mày đẻ rồi mày lười đủ kiểu”.
Cực chẳng đã, bà ôm con về nhà bố mẹ đẻ rồi đi dân công, có ý định bỏ hẳn người chồng tai quái. Nhưng sau đó, ông Chuốt lại đến nhà bà lăn lóc xin lỗi, bà mới chịu về. Thực ra, áp lực chính là từ phía gia đình bà.
Gia đình bà vốn gia giáo, có tư tưởng “xuất giá tòng phu”, con gái đã đi lấy chồng thì sống chết phải ở nhà chồng nên bà không dám bỏ. Kể cả sau này, có lần bà bị chồng đánh gần mù mắt, phải bỏ về nhà mẹ đẻ thì người em trai bà lại khuyên: “Chị ạ. Họ Dương mình không có ai bỏ chồng, mang tiếng lắm”. Thế là bà lại phải bế con quay về, chấp nhận cuộc sống tủi nhục. Rồi bà lần lượt sinh 6 người con.
Khổ vì kiếp... chồng chung
Cho dù có với nhau tới 6 người con (1 trai, 5 gái) nhưng mọi việc trong nhà hầu hết do một tay bà lo toan, xoay xở: “Ông ấy bỏ tôi. Ông ấy có nuôi tôi, có chăm lo cho tôi được tý nào đâu. Ông ấy cho tôi ở trong cái túp lều này. Nhà cửa thì phá hết, bắt tôi bốn lần phải làm lại nhà.
Thậm chí, bắt làm cho bà thứ hai cái dinh to đùng. Con gái, con rể sửa nhà cho tôi thì ông ấy lại phá nát nó đi, chọc thủng hết mái nhà, trời mưa gió tôi chẳng có chỗ để ở.
Sáu đứa con tôi sinh ra, ông ấy có nuôi một đứa nào đâu, một tay tôi nuôi lớn bọn chúng. Ngày trước, ông ấy đánh tôi suýt chết. Ông đá vào mắt, máu tụ bầm hết cả mặt. Đến bây giờ, hai mắt của tôi vẫn đang còn mờ mờ” - Bà C. tâm sự.
Ngôi nhà của ông Chuốt đại gia lắm vợ nhiều con.
Năm 1982, bà mang thai người con thứ 6 nhưng vẫn một thân một mình làm việc. Đến lúc đi sinh thì chồng bỏ mặc bà ngoài Phúc Yên, không cho bất kỳ ai đi cùng với bà ra bệnh viện.
Đến khi ông Chuốt ra còn nói với bà: “Tao tưởng mày đẻ con trai thì tao chăm chứ con gái thì tao không cần, tao bỏ”. Thời gian ấy, bà phải bươn chải nuôi con một mình, ăn rau, khoai thay cơm.
Một mình kéo xe đi vào núi hơn chục cây số, leo lên quả đồi ngang mặt để gánh hai gánh củi. Tối tối, các con bảo mẹ ơi ăn cơm thì bà bảo các con cứ ăn trước đi mẹ ăn sau.
Nhưng thực tế, bà chỉ ăn mỗi rau lang, sáng hôm sau vẫn phải kéo xe đi chợ Chí Đông cách nhà hơn chục cây số. Hồi đó, 5 nghìn đồng một đấu gạo nhưng cả buổi chợ chỉ bán được có 4 nghìn đồng.
Ngày ấy, ông Chuốt bảo với bà: “Bây giờ một mình cô làm hai mẫu ruộng thì không làm được cơ khí. Cô cho tôi cưới bà Thu ở dưới Nam Hà”.
“Tôi thì không cho lấy, trai gái có rồi nhưng nếu đã ăn nằm với nhau thì dắt nhau về mà ở, mà làm với nhau, tôi không cấm cưới. Thế là hai người về ở với nhau” - Bà C. nhớ lại. Lúc đầu, ông còn dỗ “có gì nó về thì cùng nhau đi làm” nhưng tôi vẫn phải làm một mình.
Sau này, còn có lần ông Chuốt đưa một người phụ nữ ở mạn Quảng Ninh gì đó về. Thấy cảnh nhà đông con nên người đó chỉ ở vài hôm rồi bỏ đi. Ông ấy đi tìm người phụ nữ đó mãi mà không được, trở về lại đánh bà C.. "
"Lúc đó, tôi đang ngủ. Ông ấy về túm tóc tôi, lấy máy lửa bật vào mặt rát gần chết. Ông ta bảo tại tôi ghét nó nên cho nó đi phải không. Tôi bảo nếu mà nó thích ông thì có đuổi nó cũng chẳng đi” - Bà C. kể lại.
Sau này, ông Chuốt đã bỏ ra cả đống tiền để đi tìm, người nhà của cô gái này phải về tận nơi nói với ông Chuốt: “Anh đừng đi tìm nó nữa, nó đi sang Trung Quốc rồi”. Sau đó, ông Chuốt mới thôi đi tìm.
Ông Chuốt vợ nọ con kia, nhưng rồi việc thăm nuôi, chăm sóc ông vẫn phải một tay bà lo liệu. Đó là quãng thời gian ông Chuốt đi tù. Bà C. kể: “Ngày đó, ông ấy đi tù vì tội mua tuýp sắt người ta trộm ngoài nhà máy. Sau trốn vào Nam, về người ta lại bắt tiếp. Ba lần đi tù nữa là do đánh nhau. Thế là đi tù bốn lần. Chúng tôi có ở được với nhau mấy đâu”.
Cách đây mấy năm, bà bị tai nạn giao thông. Bàn chân gãy lìa, phải phẫu thuật nằm viện cả 3-4 tháng trời, bây giờ vẫn chân thấp chân cao. Ông Chuốt mãi sau này mới đến thăm, cho bà được 100 nghìn đồng. Bà bực mình, đưa cho cháu đi mua bánh kẹo.
“Ngày đi phẫu thuật tháo đinh, tôi ra hỏi ông ấy cho tôi vay một triệu đồng, ông không cho tôi vay. Tôi phải đi vay nóng để bỏ đinh. Địa phương xét cho tôi hộ nghèo, ông ấy lên tận Ủy ban chửi nên người ta cắt không cho. Thế có phải là ông ấy vong ân, phụ nghĩa vợ chồng hay không!?”.
Điều may mắn đối với bà C. là dù cuộc sống vất vả nhưng bà vẫn nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành. Khi lớn lên, các con đều có ý tự lập vươn lên. Ngay cả việc cưới xin cho con, bà mời ông đến dự để có cha, có mẹ đầy đủ nhưng chẳng lần nào ông tới.
Bây giờ, dù đã có tuổi nhưng bà vẫn sống một mình trong túp lều ở góc vườn, không dám đến ở với các con. Chỉ sợ người chồng bán mất mảnh đất hơn 1000m2 mà bà vất vả dành dụm cả đời mới mua được.