Chuyện giày dép của người Việt

GD&TĐ - Các quan nước ta thời xưa từng đi giày dép thế nào?

Giày dép cũng thể hiện cấp bậc, địa vị xã hội dưới thời phong kiến. Ảnh tư liệu
Giày dép cũng thể hiện cấp bậc, địa vị xã hội dưới thời phong kiến. Ảnh tư liệu

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào năm Chương Thánh Gia Khánh thứ nhất, tức 1059, đời Lý Thánh Tông “mùa thu, tháng 8, vua ngự điện Thủy Tinh cho các quan vào chầu, truyền các quan đội mũ phốc đầu, đi hia, mới cho vào. Đội mũ phốc đầu, đi hia bắt đầu từ đấy”. Vậy trước đó, các quan nước ta có đi giày dép gì không?

Xem các bức ảnh tư liệu lịch sử của người Pháp chụp triều đình nhà Nguyễn, chúng ta thấy đến tận đầu thế kỷ XX, rất nhiều thị vệ, hoạn quan, nữ quan trong cung đình Huế tuy mặc y phục tươm tất, nhưng vẫn đi chân đất.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta biết rằng từ hàng nghìn năm nay, người dân nước Việt có thói quen đi chân đất, để xõa tóc. Đến tận cuối thời Lê trung hưng, nhà bác học Lê Quý Đôn khi soạn bộ sách “Kiến văn tiểu lục” đã nhắc lại rằng: “Vì nước ta là nơi nóng nực, ẩm thấp, nhân dân lúc thường không đội khăn, không đi giày, động tác mới được thuận tiện, việc này đã thành thói quen, không thay đổi được”.

Lần ngược về dấu mốc lần đầu triều đình nhà Lý bắt các quan phải đi hia mới được cho vào chầu, bộ sử được biên soạn dưới triều Nguyễn là “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép rõ hơn: “Tháng 8, mùa thu, đặt ra kiểu mẫu triều phục. Nhà vua ngự ở điện Thủy Tinh, sai các quan đội mũ phốc đầu, đi giày và bít tất vào chầu”. Theo giải thích của các sách xưa, đi cùng với hia, các quan cũng đi bít tất làm từ lụa.

Còn trước đó, sử sách nước ta không chép rõ, chỉ qua ghi chép của sứ thần nước Tống trong “Giao Chỉ truyện” thì ở thời Tiền Lê, phong tục triều đình nước ta vẫn còn rất thuần phác mang tính chất dân dã, thậm chí vua cũng đi đất. Theo lời kể của sứ thần Tống Cảo, người đã đến gặp vua Lê Hoàn tại kinh đô Hoa Lư thì “Lê Hoàn đi chân đất cầm gậy tre lội nước xăm cá. Mỗi khi trúng một con, tả hữu hai bên hò reo nhảy múa. Khi vào yến hội, người dự tiệc đều phải cởi đai áo, mũ mão”.

Từ sách của Trung Quốc như “Lĩnh ngoại đại đáp” của tác giải Chu Khứ Phi đời Tống, chép về những chuyện trên trời dưới đất của vùng “Lĩnh Ngoại”, tức vùng đất Đại Việt, chúng ta cũng biết được những ghi chép về phong tục nước ta thời Lý. Sách cho hay: “Người nước ấy áo thâm, răng đen, búi tóc chuy kế (tức búi tó, búi củ hành sau gáy), đi đất, sang hèn đều như vậy”. Còn sách “Chư phiên chí” của Triệu Nhữ Thích, soạn năm 1225, tức đúng vào thời gian Đại Việt đổi từ triều Lý sang triều Trần, cũng cho biết rằng “nam nữ Đại Việt đều đi chân đất”.

Trong bức tranh lớn “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” và “Tam tài đồ hội” vẽ người Việt thế kỉ XIV, XV cho thấy những người hầu Trúc Lâm đại sĩ, khiêng kiệu, cầm các đồ nghi trượng hộ giá không chỉ đi đất mà còn lộ bắp chân trần.

Cũng mô tả về chuyện đi lại của người dân nước ta “An Nam tức sự” (trước cảnh vật của An Nam), một tác phẩm trong sách “Giao châu tập” của sứ thần đời Nguyên Trần Trung Cương đã sang nước ta vào khoảng năm 1293, viết chi tiết: “Người sang kẻ hèn, tất thẩy đều đi đất. Da chân hết sức dầy, leo núi nhanh như bay, dù có chông gai cũng chẳng sợ”. Tác giả này cho biết thêm. “Cũng có người đi giày, nhưng đến cung điện lại bỏ giày ra”.

Cha Giovanni Filippo de Marini, người có thời gian truyền giáo ở Đàng Ngoài đầu những năm 1670 có ghi lại rằng “dưới thời Bắc thuộc (tức thời thuộc Minh), cả đàn ông và phụ nữ đều để tóc búi cao nhưng khi thoát khỏi ách đô hộ, họ thả tóc xuống và đi chân trần như là biểu tượng của sự tự do”, còn ở Đàng Trong, linh mục Cristoforo Borri, người từng sinh sống và truyền giáo ở khu vực Hội An, Quy Nhơn từ năm 1618 đến 1622, cũng khẳng định trong cuốn “Xứ Đàng Trong năm 1621” rằng người Việt không biết đóng giày. Ông cũng đoán rằng “có lẽ do quý và hiếm nên các phú hào nhà quê khi đi dự lễ trọng hiếu hỉ thường cắp giày vào nách, tới nơi mới dám trưng diện”.

Như vậy có thể xem rằng tục xõa tóc và đi chân trần như là một dấu ấn nhấn mạnh sự khác biệt giữa nước Việt độc lập và phương Bắc. Các mô tả của người Phương Tây có mặt ở Đàng Ngoài thời Lê trung hưng đều khẳng định, người dân bất kể nam nữ, già trẻ, giàu hay nghèo đều ưa lối xõa tóc và đi chân trần.

Không chỉ đi chân trần trong nước, mà cả khi đi sứ sang Trung Quốc, các nhân viên tùy tùng của sứ đoàn Đại Việt cũng đi chân đất. Điều này được một sứ thần Triều Tiên là Lý Túy Quang, người từng đi sứ sang nhà Minh năm 1597 và gặp gỡ sứ thần Đại Việt là Phùng Khắc Khoan, ghi lại trong tập di văn là “Chi Phong tập” như sau: “Sứ đoàn tổng cộng 23 người đều bịt tóc cả. Quý nhân đều nhuộm răng còn hạ nhân thì mặc áo ngắn, đi chân không, dẫu mùa đông cũng không có giày tất gì cả”.

Theo thần tích trong đền thờ tổ nghề giày dép ở thành Thăng Long, thì nghề đóng giày dép da ở nước ta bắt đầu phát triển từ thời Lê - Mạc. Theo đó, năm 1565, Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung cùng các ông Phạm Đức Chính, Phạm Sỹ Bôn, Phạm Thuần Chính, đều quê ở làng Phong Lâm (làng Chắm), huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương tham gia sứ đoàn sang Trung Quốc.

Khi qua Hàng Châu, các ông đã chú ý đến nghề thuộc da, đóng giầy mà lúc đó ở nước ta, nghề này chưa phát triển. Xong việc, các ông quay lại Hàng Châu học nghề da giày rồi về nước truyền nghề cho dân làng Phong Lâm. Dân làng mang nghề lên làm ăn sinh sống ở đất Thăng Long kinh kỳ, mở cửa hiệu trên các con phố Hàng Hành và Hàng Giầy, Bảo Khánh… Các thợ giày tôn các ông làm Tổ nghề, lập đền thờ Tổ nghề là đền Phả Trúc Lâm tại số nhà 16 ở ngõ Hàng Hành.

Tuy nhiên, cho đến tận đầu thế kỷ XX, số người dân nước Việt đi dày dép vẫn là thiểu số, thậm chí binh lính, lại mục chốn thôn quê vẫn còn đi chân đất là chủ yếu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ