Đi tìm những giá trị thiết yếu của người Việt Nam trong thời đại mới

GD&TĐ - Đây là ý kiến tôi đã phát biểu khi được mời dự một cuộc họp phía Nam, góp ý bổ sung cho đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về con người.

Giáo dục là nền móng xây dựng giá trị thiết yếu cho con người. Ảnh minh họa.
Giáo dục là nền móng xây dựng giá trị thiết yếu cho con người. Ảnh minh họa.

Được biết, đề tài khi nghiệm thu góp vào nguồn tham khảo để hoàn chỉnh văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tuy nhiên, đây mới là lần đăng chính thức ý kiến này, hầu gợi suy nghĩ tích cực tới quý vị bạn đọc.

Vai trò con người và giáo dục con người

Cùng với sự phát triển, Việt Nam cũng như nhiều nước đang đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có sự tha hóa của nhiều cá nhân, đặc biệt giới trẻ. Chuyện con cháu đánh chửi ông bà, cha mẹ; trò vô lễ với thầy cô không phải hiếm.

Con người giao tiếp với nhau ngày càng dễ nổi nóng, thô lỗ. Nhiều trường hợp thương tâm đã xảy ra, chỉ do một tý va chạm vô tình, thậm chí chỉ do một ánh nhìn bị coi là “nhìn đểu”… Tình trạng này thật đáng báo động!

Nghiên cứu về con người và hệ giá trị của nó luôn là việc khó, là khâu yếu nhất của tư tưởng khoa học hiện đại. Các thời trước đã đạt nhiều thành tựu nhưng cũng bị nhiều hạn chế. Thời phong kiến coi thường “Dân” (con người), thời tư bản thì theo K. Marx, con người bị bóc lột trở thành giai cấp vô sản.

Triết học Marx đại giải phẫu về kinh tế tư bản chủ nghĩa, tuy nhiên như chính ông thừa nhận, “chưa kịp” nghiên cứu sâu hơn về con người. Thuyết phân tâm học Z. Freud rất độc đáo, nhưng chỉ đạt ở cấp độ tâm lý học thần kinh. Khái niệm về tự do và nhân quyền dường như phải tới Tuyên ngôn Vỉrjin (1776) mới được nêu lên.

Nhờ đó tới 1789, nó được khẳng định mạnh mẽ trong bản Hiến pháp Hoa Kỳ và bản Tuyên ngôn của Pháp. Đó là những thành tựu lớn của nhân loại, song chiến tranh vẫn xảy ra, con người vẫn luôn đối mặt với nhiều thách thức.

Tình hình chung trên thế giới là việc nghiên cứu về con người thường tiến chậm hơn nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ. Hậu quả là thiếu những tiêu chí chỉ dẫn cho nền giáo dục nhân văn, nhà trường dần đánh mất vai trò đào tạo chính của nó. Điều này đặc biệt quan trọng ở những cấp học nền tảng cơ sở: Mầm non, THCS, THPT và GDĐH…

Trước đó, giáo dục gia đình không hiệu quả cũng do ông bà, cha mẹ bị rối do thiếu các tiêu chí, hoặc tiêu chí chưa chuẩn, bị rối, lẫn, dẫn tới việc không thống nhất trong việc dạy trẻ. Đứa trẻ do vậy, không biết phải nghe theo ai, vì cha dạy một đằng, mẹ yêu cầu một nẻo…

Con người là hồn cốt của đời sống xã hội, hồn cốt của các nền văn hóa, văn minh. Vậy nên mọi vấn đề đều liên quan vấn đề con người. Con người là chủ thể của lịch sử, của văn hóa... Trong “tam tài”, “nhân” ở giữa và nối kết với “thiên” và “địa”. Ông cha ta có câu “người ta là hoa đất”, ngắn gọn mà vô cùng minh triết, nhân văn.

Trong quá trình tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi không làm gì khác hơn là khảo sát theo trục lịch đại kết hợp với đồng đại, từ đó định vị những giá trị để chọn lấy những gì chính yếu nhất, phù hợp với truyền thống dân tộc hoặc cần thiết nhất cho người Việt, giúp con người Việt Nam đủ sức “hòa nhập nhưng không hòa tan” trong thời đại khoa học công nghệ và giao lưu cọ xát toàn cầu…

Theo chiều lịch đại, chúng ta thấy đời thượng cổ, con người sống rất chất phác, tâm tính ngay thật tốt lành. Đặc biệt lòng tốt tương trợ, cứu giúp nhau rất được đề cao. Việc làm bánh chưng bánh giầy của Lang Liêu thể hiện đạo lý vuông tròn của lòng tốt.

Thạch Sanh quyết đấu mãng xà tinh là để cứu công chúa bị nhốt dưới hang. Truyện cổ chỉ hay khi kết thúc có hậu, dứt khoát phải có sự xuất hiện của ông bụt hay tiên khi nhân vật gặp hiểm nguy cần cứu giúp.

Quán Thế Âm là vị bồ tát được biết đến nhiều nhất bởi ngài rất linh ứng, cứu giúp những ai trong cơn nguy khốn thành tâm cầu tới ngài. Đức Mẹ là hình ảnh của yêu thương, thông điệp lớn nhất của Jesus trong Kinh Thánh đức tin và lòng thương yêu.

Nho giáo thì đề cao hình mẫu người “quân tử” với tiêu chuẩn Nhân - Lễ - thời tiết hạnh kiểu chế độ tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử. Một trong những nguyên nhân giúp chế độ ấy kéo dài là bởi nó đã đúc kết được đạo Trung Hiếu và  5 tiêu chí cho người quân tử là Nhân - Lễ - Nghĩa – Trí - Tín và 4 cho nữ là Công –Dung – Ngôn - Hạnh. Thế nên mở đầu Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu hạ bút chắc nặng:

Trai thời trung hiếu làm đầu,

Nữ thời tiết hạnh làm câu trau mình

Các tiêu chí này cực ngắn gọn, dễ hiểu nên bất cứ ai cũng có thể áp dụng để rèn luyện bản thân, đồng thời đem ra dạy bảo con cháu ngay trong nhà. Nhà vì thế mới tạo được cái gọi là gia phong, gia giáo. Khi đứa trẻ đi học, thầy khi dạy phải là “nghiêm sư”, cũng như cha ở nhà phải là “nghiêm phụ”.

Xin chớ vội coi đây là thói “gia trưởng”, “hủ lậu”… Đặt vào hoàn cảnh cảnh lịch sử thời phong kiến, ta mới thấy rằng nó rất cần thiết và tiến bộ. Giáo sư Mahnaz – một chuyên gia về văn hóa học cho rằng, nếu xét cùng thời đại, hệ tư tưởng Nho gia và nền giáo dục kiểu Nho giáo thuộc hàng tiến bộ nhất thế giới bấy giờ.

Tôi có nói thêm rằng các tiêu chí trên còn là thực tế và phù hợp với đại chúng, ai cũng có thể dùng, nhà nào cũng cần áp dụng. Nếu ta so sánh nó với hình mẫu con người các hệ tư tưởng khác sẽ rõ. Hình mẫu sa môn là tuyệt vời nhưng không phải ai cũng có thể làm sa môn – vì  tiêu chí quá cao.

Ngũ giới cho người bình thường còn chưa thực hiện được thì làm sao thọ trì tới 250 giới tỳ kheo? Đạo giáo cũng gần như thế. Huyền môn lánh đời lên núi cao, tu luyện linh đan thì không phải nơi ai muốn vào thì vào!

Từ góc độ đồng đại, chúng tôi chú ý tới những tác giả đương đại mà mình tiếp cận được. Quan trọng hơn, chúng tôi chọn lấy những tiêu chí chính yếu, nổi bật, được thế giới ngày nay thừa nhận một cách phổ quát nhất (Dominant).

Trong số các ý kiến hay, chúng tôi chọn quan điểm của GS, Viện sĩ Arnoldov trong cuốn Culturology  (Dẫn luận văn hóa học), Moskva, 1993, đã tái bản nhiều lần.

Tác giả cuốn sách nhấn mạnh các giá trị đạo đức, năng lực, nhân cách từng cá thể người. Chúng tôi thấy ông đề cao 3 tiêu chí nổi bật của con người hiện đại là: Homo Eges (con người hành động) - Homo Creator (con người sáng tạo) - Homo Culture (con người văn hóa).

Hệ giá trị con người Việt Nam trong thời đại mới

Chữ Phúc – Thư pháp thể hiện đại Triện.
Chữ Phúc – Thư pháp thể hiện đại Triện. 

Bên cạnh những giá trị được coi là mặc định tức miễn bàn như lòng yêu nước, dũng cảm, cần cù, hiếu thảo… chúng tôi - như trên đã trình bày, kết hợp khảo sát lịch đại với đồng đại, tỉnh lược, chọn lọc ra 5 tiêu chí được xem là quan trọng nhất, cần thiết nhất cho con người Việt Nam ngày nay.

Thứ nhất  phải là lòng tốt, lòng nhân đạo, thương yêu con người và thế giới nơi con người sinh sống bao gồm các giống loài động, thực vật, môi trường sinh thái… Xin theo nguyên tắc tối giản (minimalisme), thu phạm trù này vào một chữ Nhân (Humanism). Thứ hai là Trí (Intellect), tức trí tuệ, trí thức, hiểu biết. Thời đại khoa học công nghệ phát triển thần tốc, kéo theo sự thay đổi, phát triển vũ bão của tất cả các ngành nghề, các cá nhân, cộng đồng.

Không học hành, không cập nhật kiến thức văn hóa, khoa học công nghệ, ngoại ngữ… sẽ nhanh chóng bị tụt hậu. Nhưng học mà thiếu suy nghĩ, tìm tòi tức thiếu tư duy thì chỉ là học vẹt. Tóm lại, hai tiêu chí này yêu cầu con người phải bồi dưỡng, nâng cao cái tâm, cái tầm để gây  dựng nền móng vững chắc cho việc triển khai các phẩm chất khác.

Thứ ba là khả năng Hành (Homo Eges) tức năng lực và những kỹ năng làm việc, thực hiện nhiệm vụ trong thực tế. Nhiều người nói thì tỏ ra hay ho nhưng làm thì không ra gì; hoặc nói một đằng, làm một nẻo. Nhiều người khéo đưa đẩy, mồm miệng đỡ chân tay, khi có việc lại lẩn tránh hoặc không đủ sức gánh vác. Những cố tật như vậy khiến họ thoái hóa, không tiến bộ được.

Xã hội không thể phát triển nhờ những người lười biếng, thiếu trách nhiệm.  Đó là lý do từ xưa tới nay, triết lý thực hành không bao giờ bị hạ thấp. Quẻ Kiền (Càn) trong Kinh Dịch khởi đầu trong 64 quẻ có câu “Thiên hành kiện” (Trời đi mạnh). Nghĩa mở của Hành là hành động, thực hành làm việc. Phật giáo dùng chữ “tu hành” thật chuẩn tắc.

Tu mà thiếu thực hành, chỉ “giải đãi” – lười biếng,  không nghiêm chỉnh, không thực chất thì không thể đắc quả! Việc học nói chung gồm “học đi đôi với hành” là “học hành”. Học mà không hành cũng như “nước đổ đầu vịt”, không ích lợi gì cho xã hội và người đó. Đó chính là lý do ra đời lý thuyết Hoạt động và Thực dụng (Pragmatism)…

Tiêu chí thứ tư là Đức (Morality). Đức ở đây là đạo đức, tư cách, là ý thức trách nhiệm về bổn phận làm người và nghĩa vụ công dân. Do vậy, đức là phạm trù nền tảng bao hàm nhân + nghĩa + lễ + tín và thiện lành… Nhân thiên về tình cảm, Nghĩa thiên về bổn phận, trước sau và hợp lại mới thành Đức - hành thiện mới có được đức; tu nhân tích đức nhiều mới có phúc.

“Chúc mừng đôi bạn trăm năm hạnh phúc” – Đó là câu nói cửa miệng của đa phần người Việt Nam cũng như đa phần nhân loại khi chúc mừng đám cưới. Và chỉ cần thế là đủ và đẹp! Nhiều người sợ thiếu bổ sung, diễn giải thêm, nào tài lộc, nào khoa danh, nào con đàn cháu đống… Chữ Phúc cổ (thể Triện) gồm hình cái túi đựng lễ vật/ hoặc sách khác cho là đựng rượu tế, dâng lên bàn thờ (bộ Thị).

Nghĩa này tượng trưng cho việc khi con người thành tâm dâng hiến (từ hiến tế thần linh, ông bà đến hiến dâng cho trời Phật, Tổ quốc) thì con người ấy sẽ được ban phúc. Người nhà tôi hỏi: - Ngày Tết xin chữ gì? - Chữ Phúc – tôi đáp.  - Sao không xin chữ Lộc, chữ Thọ…? – Lộc nhiều mà phúc hết, ra trước vành móng ngựa thì sao? Chỉ chữ Phúc là đủ, mà gốc của nó từ chữ Đức.

Lưu Vũ Tích trong bài Lậu thất minh (Bài minh về căn nhà nhỏ hẹp), khẳng định nhà tôi nhỏ bé nhưng nhiều thức giả, văn nhân lui tới vì sao? Họ tới không vì cái nhà, cũng không vì tôi quyền cao chức trọng, mà vì cái “đức của tôi” (Tư thị lậu thất, duy ngô Đức hinh) vậy.

Đây đó có ý kiến cho rằng, chỉ số sáng tạo của nhiều tộc người – trong đó có người Việt Nam, Đông Nam Á không cao. Tôi không đồng ý với quan điểm này, nhưng phải thừa nhận chỉ số sáng tạo của chúng ta, do nhiều nguyên nhân, còn nhiều hạn chế.

Chỉ số ở cấp độ chế tác, tái chế (Homo Faber) thì chúng ta không kém cạnh ai, kể cả so với những nền văn hóa lớn nhất. Trống đồng Đông Sơn là một ví dụ.

Nhưng chỉ số sáng tạo ở cấp độ tạo ra cái mới chưa từng có, lan truyền ảnh hưởng tới  nhiều quốc gia, bộ tộc, góp vào sự phát triển của toàn nhân loại thì nhiều nền văn hóa - trong đó có chúng ta, còn khiêm tốn. Vậy nên, con người Việt Nam cần tăng cường chỉ số sáng tạo ở cấp độ cao nhất, nói gọn vào chữ Sáng (Homo Creator).

Tiện đây nói thêm rằng, ngoài người Do Thái (Israel), chúng ta cần học tập người Nhật. Nhật Bản từ hoàn cảnh tương tự ta, đã học hỏi thế giới và vươn lên. Từ cấp độ bắt chước, tái chế, Nhật Bản đã có nhiều phát minh, sáng tạo có giá trị, ảnh hưởng tới các nước Đông Á và thế giới.

Trên đây là đúc kết của chúng tôi tập trung vào 5 tiêu chí Nhân – Trí – Hành - Đức - Sáng. Tuy còn thô sơ, chúng tôi vẫn hy vọng nó đem lại chút hữu ích trong việc định vị các giá trị con người Việt Nam hiện tại và tương lai. Mối quan hệ qua lại giữa 5 tiêu chí này với nhau cũng như với nhiều tiêu chí khác, rất mật thiết, biện chứng.

Chúng làm nên một “tổng  hòa chỉnh thể”, tuy nhiên do khuôn khổ bài viết nên hẹn dịp khác sẽ bàn thêm. Cũng tùy người, tùy ngành nghề, tùy lúc tùy chỗ (tức tùy nghi) mà đưa cái nào lên trước, hoặc bổ sung thêm, cốt sao cho con người Việt Nam phát triển, hoàn thiện, “hòa nhập mà không hòa tan”!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ