Những hiện vật chứng minh trống đồng là của người Việt

GD&TĐ - Đã có rất nhiều cuộc tranh luận trong giới khảo cổ về tác giả của trống đồng. Tuy nhiên, phải đến khi cuộc khai quật chính thức ở Luy Lâu (Thuận Thành – Bắc Ninh) được tiến hành thì mọi tranh luận mới dừng lại.

Cuộc khai quật tại di chỉ Luy Lâu năm 2014 – 2015.
Cuộc khai quật tại di chỉ Luy Lâu năm 2014 – 2015.

Cuộc khai quật khảo cổ kéo dài từ ngày 10/11/2014 đến ngày 5/1/2015 của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phát hiện được hàng trăm mảnh khuôn đúc trống đồng tại Bắc Ninh, đã đem đến những giá trị lịch sử to lớn. Đồng thời, từ các hiện vật quý giá này đã minh chứng tính sáng tạo và thẩm mỹ nghệ thuật của người Việt cổ.

Xưởng đúc trống của người Việt

TS Lê Viết Nga, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh cho hay, khoảng 5 năm trước có diễn ra cuộc khai quật dài ngày tại di chỉ Luy Lâu, huyện Thuận Thành – nơi được nhận định chứa đựng nhiều bí mật cổ xưa của người Việt.

Thành cổ Luy Lâu nằm bên tả sông Dâu cổ, xung quanh là đồng bằng rộng lớn. Khoảng vài trăm năm đầu công nguyên, đây là khu dân cư đông đúc, là nơi đặt trị sở và là cảng thị giao thương của vùng Giao Chỉ.

Các chuyên gia khảo cổ Việt Nam đã kết hợp với các nhà nghiên cứu Nhật Bản là GS Inchenose Kzuo, GS Kinoshita Yasuki, GS Etaya Masahiro để thực hiện đợt khảo cổ quan trọng nhất mang tính lịch sử.

Tại đây, các chuyên gia đã phát hiện được rất nhiều mảnh khuôn đúc trống đồng. Những mảnh khuôn đúc này là bằng chứng rõ ràng nhất, khẳng định chủ nhân văn hóa trống đồng là của người Việt cổ. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi thể hiện tính bản địa, liên tục, lâu dài và trực tiếp trong sự phát triển của nghệ thuật trống đồng ở khu vực Bắc Bộ nước ta.

Theo ông Nga, vào đầu thế kỷ 19, học giả người Pháp là Heger đã phân trống đồng ra thành các loại như H1, H2, H3, H4. Trong đó, H1 có niên đại sớm nhất, đẹp nhất như trống đồng Ngọc Lũ. H2, H3, H4 là ký hiệu của những loại trống có niên đại muộn hơn và hoa văn thưa thớt.

Cuộc khai quật tại Luy Lâu đã phát hiện ra các mảnh khuôn đúc trống đồng loại sớm nhất, đẹp nhất và quý giá nhất như sự phân định của Heger là H1.

Theo tư liệu của nghiên cứu sinh Trương Đắc Chiến - người chủ trì cuộc khai quật ở Luy Lâu: Địa điểm khai quật chỉ cách khu vực mà nhà nghiên cứu người Nhật Bản - Nishimura tìm thấy mảnh khuôn đúc trống đồng vào năm 1999 đúng 20m.

Hố đào lần này có diện tích 3,5m2, được mở ngay trong lòng mương. Diễn biến địa tầng ở đây cho thấy, trên cùng là lớp đất bề mặt dày 3 – 5cm. Tiếp đó là lớp đất sét màu nâu nhạt lẫn nhiều rễ cây, nilon và mảnh gạch, ngói muộn dày đến 90cm.

Tiếp đến là lớp đất màu nâu, bên trong có các mảnh gạch, ngói màu đỏ dài khoảng 10cm ken khá dày. Phía dưới lớp này có đất màu xám chứa ngói vụn, dày khoảng 10 – 20cm. Tiếp nữa là lớp đất màu đen xám dày 30 – 60cm.

Dưới lớp này các chuyên gia thấy đất sét và cát pha lẫn than tro màu đen, độ dày khoảng 20 – 30cm. Đây chính là vị trí phát hiện được các mảnh khuôn đúc trống đồng. Đoàn khai quật đào đến đây thì gặp phải nền đất cứng, liên tục bị ngập nước nên các chuyên gia quyết định dải nilon và lấp đất để thời gian sau có thể mở rộng khai quật, nghiên cứu.

Những bằng chứng thuyết phục

Các hiện vật khuôn đúc đã chứng minh tác giả của trống đồng là người Việt.

Các hiện vật khuôn đúc đã chứng minh tác giả của trống đồng là người Việt.

“Đợt khai quật năm 2014 - 2015 đã phát hiện hàng trăm hiện vật khuôn đúc trống đồng, là căn cứ khẳng định chính xác về việc chủ nhân trống đồng là của người Việt”, PGS. TS Trình Năng Chung - Viện Khảo cổ học Việt Nam

Mảnh khuôn đúc trống đồng được tìm thấy ở độ sâu từ 1,8 – 2m, phân bố hầu như khắp bề mặt hố nhưng tập trung nhiều nhất ở phía Nam. Đoàn khai quật đã thu được hơn hàng trăm mảnh khuôn trống đồng bằng đất nung, gồm cả khuôn ngoài và khuôn trong thuộc các bộ phận khác nhau như mặt, tang, lưng và chân trống.

Các mảnh khuôn ngoài có những vòng hoa văn điển hình của trống Đông Sơn: Vòng tiếp tuyến, vòng tròn đồng tâm, vạch ngắn song song, hoa văn bông lúa. Mảnh khuôn ngoài thường có màu đỏ hoặc đỏ nhạt, trong khi mảnh khuôn trong thường có màu xám và đặc.

Mảnh khuôn to nhất tìm được có chiều dài 18cm, rộng 9cm, dày 6,5cm và không trang trí hoa văn. Mảnh này, các chuyên gia nhận định có lẽ là khuôn phần chân trống. Ngoài hiện vật là khuôn đúc trống đồng, các nhà khảo cổ còn tìm được những hiện vật quan trọng như: Phễu rót đồng, chốt định vị trục...

Dựa vào những hiện vật phát hiện được cùng trong một địa tầng như mảnh gốm in hình ô vuông, đầu ngói ống, các nhà khoa học cho rằng khuôn đúc có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên.

Từ trước đến nay, ở Việt Nam cũng như vùng Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo rất hiếm khi phát hiện được hiện vật khuôn đúc trống đồng. Năm 1999 tại Việt Nam, GS Nishimura (Nhật Bản) phát hiện được một mảnh khuôn đúc trống đồng tại Luy Lâu.

Đó là mảnh khuôn đúc cỡ nhỏ, nhưng mở ra bước ngoặt lớn trong việc định vị chủ nhân văn hóa của trống đồng. Ngoài ra, ở vùng Đông Bắc của Thái Lan cũng phát hiện được vài mảnh khuôn nhỏ nhung chưa đủ khẳng định ai là chủ nhân thực sự của trống đồng.

Theo PGS.TS Trình Năm Chung - Viện Khảo cổ học Việt Nam: Trước đây, việc định vị chủ nhân trống đồng chỉ dừng lại ở mức giả thiết. Các nhà nghiên cứu của Pháp và Trung Quốc cho rằng, tuy người Việt sử dụng trống đồng nhưng kỹ thuật đúc ra nó là của người Trung Quốc.

Họ tin rằng Trung Hoa là một nền văn hóa lớn, có kỹ thuật phát triển. Do vậy, việc sáng tạo ra kỹ thuật đúc trống đồng là đương nhiên, và người Việt chỉ là thừa hưởng lại các thành quả đó.

Tuy nhiên ở chiều hướng ngược lại, nhiều nhà khoa học cho rằng, chủ nhân văn hóa trống đồng là của người Việt. Kỹ thuật đúc trống đồng là do người Việt sáng tạo ra, nó mang tính bản địa, liên tục và lâu dài.

Đến năm 1999 khi mà GS Nishimura phát hiện ra mảnh khuôn đúc trống đồng tại di chỉ Luy Lâu đã làm cho cả giới khoa học ngỡ ngàng vì nó gần như là câu trả lời cho các tranh cãi.

Mảnh khuôn đúc cho thấy, chủ nhân làm ra trống đồng, kỹ thuật đúc trống đồng là do người Việt cổ sáng tạo ra chứ không phải của người Trung Quốc. Tuy nhiên, mảnh hiện vật lại có kích thước nhỏ và rời, cho nên những người theo giả thiết chủ nhân trống đồng của người Trung Quốc vẫn nghi ngờ.

Năm 2016, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Đại học Đông Á (Nhật Bản) đã công bố kết quả khai quật khảo cổ tại thành cổ Luy Lâu. Khoảng 900 mảnh khuôn đúc trống đồng, dấu vết thành Nội cùng nhiều hiện vật khảo cổ có giá trị tại Luy Lâu được tìm thấy và công bố rộng rãi, một lần nữa chứng minh trống đồng do người Việt sáng tạo ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nga có nhiều cách để trả đũa phương Tây nếu bị tịch thu tài sản.

Đòn đáp trả Mỹ tịch thu tài sản?

GD&TĐ - Biện pháp đáp trả của Nga có thể không so sánh bằng với việc tịch thu tài sản mà phương Tây áp đặt nhưng vẫn có thể gây ra nỗi đau.