Chuyên gia y tế: Việc cho học sinh đi học trở lại ở thời điểm này là đúng thời điểm

GD&TĐ - Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc cho học sinh đi học trở lại ở thời điểm này là cần thiết và đúng thời điểm. Để mở lại trường học an toàn, ngành Giáo dục cần sàng lọc kỹ học sinh khi đến trường;

Ngày 8/2, hơn 600.000 học sinh khối 7 - 12 ở Hà Nội đã được đến trường. Ảnh: Thế Đại
Ngày 8/2, hơn 600.000 học sinh khối 7 - 12 ở Hà Nội đã được đến trường. Ảnh: Thế Đại

Các học sinh có triệu chứng ho, sốt, khó thở hoặc gia đình có thành viên là F0 chưa nên đến trường. Trong khi đó, học sinh thuộc diện nghi ngờ nên được xét nghiệm trước khi tới lớp.

Không để số học sinh là F0 tăng quá tải

Chiều 8/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội về công tác chuẩn bị điều trị trong tình huống học sinh nhiễm Covid-19 khi trở lại trường.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết đang nhanh chóng cập nhật phác đồ điều trị đối với học sinh nhiễm Covid-19 cho cơ sở y tế các tuyến, từ Trung ương xuống địa phương. Đặc biệt, không được để xảy ra tình huống số ca nhiễm là học sinh tăng đột biến gây quá tải.

Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát hướng dẫn bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường, cơ chế phản ứng của y tế học đường, y tế cơ sở khi có ca nhiễm trong trường học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cuộc chiến chống dịch Covid-19 đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân lên hàng đầu. Đặc biệt trong đó là bảo vệ sức khỏe của trẻ em. Nhất là khi trẻ em thuộc nhóm thể chất chưa phát triển toàn diện.

Trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh đều chưa được tiêm vắc-xin. Trong khi đó, nhóm này chưa biết diễn đạt về triệu chứng bệnh. Điều đó đòi hỏi kỹ năng chăm sóc khó hơn, cũng như cần đặc biệt chú ý.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết: “Việc cho học sinh đi học trở lại ở thời điểm này là cần thiết và đúng thời điểm.

Bởi các em, các cháu đã nghỉ quá dài. Việc không tới trường trong thời gian rất lâu khiến các em sẽ gặp nhiều khiếm khuyết về mặt kiến thức, bên cạnh đó là nguy cơ mắc các bệnh tâm lý như trầm cảm, nghiện trò chơi điện tử...”.

Đặc biệt, theo chuyên gia này, với học sinh cấp 1, trẻ đang ở độ tuổi học nói, học viết nhưng không được tương tác với thầy cô, bạn bè. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cả về mặt thể chất và tinh thần.

“Có thể nói, không cho học sinh tới trường thì hậu quả, hệ lụy của việc này lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ trẻ mắc Covid-19. Bởi, các nghiên cứu đã chứng minh, trẻ em khi mắc Covid-19 thường có triệu chứng rất nhẹ hoặc không có triệu chứng. Chúng ta đã xác định mở cửa an toàn, linh hoạt thích ứng với đại dịch thì việc đưa học sinh trở lại trường là hợp lý”, PGS Phu nhấn mạnh.

Nguy cơ cao sau Tết

Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm phủ vắc-xin. Trong đó, đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho nhóm học sinh để đưa các em trở lại trường. Ngày 9/2, Bộ Y tế công bố kết quả hơn 415.000 phụ huynh có con dưới 12 tuổi tham gia cuộc khảo sát về việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ.

Trong đó, có 60,6% đồng ý tiêm, 1,9% không đồng ý, 29,1% cân nhắc, 7,6% đồng ý nếu bắt buộc. Khảo sát do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) thực hiện trực tuyến tại 63 tỉnh, thành.

Hiện, Bộ Y tế chưa công bố thời gian và số lượng trẻ em 5 - 11 tuổi được tiêm vắc-xin Covid-19. Trước đó, Bộ đề xuất mua 21,9 triệu liều vắc-xin Pfizer để tiêm chủng.

Tuy nhiên, theo ông Phu, để mở lại trường học an toàn, ngành Giáo dục cần phải sàng lọc kỹ học sinh khi đến trường. Ví dụ, với các học sinh có triệu chứng ho, sốt, khó thở hoặc gia đình có thành viên là F0, chưa nên cho trẻ đến trường.

Trong khi đó, các học sinh thuộc diện nghi ngờ nên được xét nghiệm trước khi tới lớp. Ngoài ra, trường học và các giáo viên, phụ huynh, học sinh đều cần thực hiện nghiêm những quy định phòng, chống Covid-19 đã được Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT hướng dẫn.

Học sinh cần đeo khẩu trang khi tới trường, em nào có dấu hiệu ho, sốt, khó thở cần đưa vào phòng cách ly. Đồng thời, tiến hành điều tra dịch tễ và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định.

“Trong trường hợp lớp học có F0, nhà trường nên cho học sinh ở lớp đó tạm nghỉ học để chờ kết quả xét nghiệm, nhưng cũng không nên đóng cửa cả trường học. Cần lưu ý, việc phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường để cùng theo dõi sức khỏe của học sinh đóng vai trò rất quan trọng. Bởi, học sinh trở lại trường sau ngày nghỉ Tết, nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn bởi các em di chuyển nhiều nơi”, PGS Phu cảnh báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ