Chuyên gia y tế: Trẻ đi học là cần thiết vì lợi ích phát triển thể chất, tâm lý, trí tuệ

GD&TĐ - Để đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại, theo chuyên gia y tế cần tập trung giải quyết hiện tượng lo lắng không cho trẻ em đến trường; Hệ thống y tế chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản số bệnh nhân tăng...

Ảnh: BYT.
Ảnh: BYT.

Trẻ đi học là cần thiết 

Xung quanh vấn đề mở cửa lại trường học và cho học sinh các cấp đi học trực tiếp trở lại, trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, PGS, TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, việc đầu tiên cần đảm bảo trước khi cho trẻ trở lại trường là tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng Covid-19. Từ tiêm vắc xin cho người lớn trong nhà, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi đến tiêm phòng cho các nhân viên trường học và trẻ nhỏ.

Đối với những trẻ chưa tiêm vắc xin và không tiêm vắc xin... nhiều quốc gia cũng hối thúc đi học. Khi cho đối tượng này đi học, các quốc gia đã kiểm soát bằng nhiều biện pháp, trong đó Nhật Bản, Singapore tăng cường kiểm tra triệu chứng; Canada, Mỹ yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm....

Ông Trần Đắc Phu nhận định, việc cho trẻ đi học lại là vô cùng cần thiết. Đối với cả trẻ đã được tiêm vắc xin lẫn chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng là cần thiết. Bởi hậu quả và hệ lụy của việc trẻ em không được đến trường, không được tương tác giữa trẻ với trẻ, tương tác giữa trẻ với thầy cô gây ra các khiếm khuyết về tinh thần và thể chất;

Khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm hoặc bệnh không lây nhiễm, rủi ro lớn. Vì vậy cần cho trẻ đi học trực tiếp vì lợi ích của học trực tiếp với sự phát triển thể chất, tâm lý, trí tuệ của trẻ.

Đánh giá về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong trường học, PGS, TS Trần Đắc Phu cho biết, nguy cơ là có vì môi trường các cháu ngồi học tiếp xúc gần. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm cao hơn là ở trường học. Nguy cơ lây nhiễm tại trường học có khi thấp hơn vì ở trường có các biện pháp phòng bệnh nghiêm ngặt.

Đối với trẻ em chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cũng cần phải cho đi học nhưng phải đảm bảo an toàn.

“Chúng ta đã thực hiện thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát dịch hiệu quả. Chúng ta chuyển từ chiến lược Zero F0 sang chiến lược chấp nhận có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Chúng ta vừa kiểm soát được dịch bệnh cũng như vừa làm kinh tế, mới cho trẻ em đến trường được không bị gián đoạn” - PGS, TS Trần Đắc Phu nhận định.

Để làm được những điều đó, PGS, TS Trần Đắc Phu cho rằng, ngoài việc chúng ta tổ chức tốt quy định phòng chống dịch của Chính phủ, của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo còn cần sự phối hợp tối giữa gia đình với nhà trường, và cơ quan y tế vô cùng quan trọng trong việc phòng bệnh.

“Chúng ta cũng phải đánh giá, điều tra dịch tễ, xét nghiệm, rồi xác định F1, F0 như nào cho đúng. Nguy cơ đến đâu chúng ta thực hiện đáp ứng đến đó. Tránh việc chúng ta đáp ứng không tới thì cũng không phòng chống được dịch.

Trong lớp không thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch cũng không phòng chống được dịch. Hoặc đáp ứng một cách thái quá, đánh giá nguy cơ thái quá cũng gây ra cho các cháu học bị gián đoạn.

Ví dụ, Bộ Y tế có đánh giá lại cấp độ dịch thì các địa phương cũng cần phải áp dụng theo đó. Tránh hiện tượng chỉ có một số trường hợp F0 gia đình mà cả phường đó bắt các cháu nghỉ học. Hoặc có trường hợp F0 thì cả quận phải nghỉ học. Hoặc dịch chỉ xảy ra ở 1 lớp mà bắt cả trường nghỉ học. Đó là những cái chúng ta không nên.

Việc xét nghiệm cũng phải diễn ra đúng theo dịch tễ, tránh xét nghiệm tràn lan và không cần thiết vừa tốn kém cho nhà trường và tốn kém cho gia đình trẻ", PGS, TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Những vấn đề cần tập trung giải quyết 

“Việc đánh giá các F1 cũng cần thiết vì cần đúng đối tượng trẻ tiếp xúc với nhau. Có trường hợp trẻ không tiếp xúc với nhau mà xác định F1 rồi bắt cả lớp hoặc cả trường nghỉ học.

Trong 1 gia đình khi có 1 F0 thì chúng ta cho nghỉ học nhưng khi đánh giá không có sự lây nhiễm thì cho đi học trở lại, còn những cháu nào là F1 theo đúng quy định thì tổ chức cách ly theo dõi sức khỏe theo quy định. Tránh việc lạm dụng trong việc đánh giá gây ra việc các cháu nghỉ học không cần thiết, điều hòa với việc học gián đoạn của các cháu” - PGS, TS Trần Đắc Phu đưa ra phân tích.

PGS, TS Trần Đắc Phu cho biết: “Chúng ta cũng phải có những hướng dẫn cách ly tại nhà cho các cháu thế nào, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ ra sao, nhất là đối với trẻ trong độ tuổi cần tiêm.

Có kế hoạch phát hiện những trẻ có những bị bệnh sau khi ở nhà nhiều ngày như trầm cảm, các bệnh về sức khỏe thể chất tinh thần của các cháu, phối hợp với nhà trường gia đình và cơ quan y tế để có can thiệp kịp thời cần thiết từ ngành y tế để có hướng dẫn tập huấn cho các đội ngũ giáo viên, hoặc thiết kế lại các bộ môn về tâm lý để giải quyết các vấn đề của các cháu như đã nêu ở trên".

Cuối cùng, PGS, TS Trần Đắc Phu cho rằng cần chuẩn bị các cơ sở điều trị để những trẻ nào bị nặng thì vào điều trị ở các cơ sở Nhi khoa… Tất cả những cái đó cần sự phối hợp giữa ngành giáo dục và phụ huynh các em học sinh.

Chia sẻ về việc hiện nay, tại Việt Nam vẫn xuất hiện nhiều ca cộng đồng, việc cho trẻ các cấp đi học trở lại khiến nhiều phụ huynh lo ngại, PGS, TS Trần Đắc Phu cho hay: “Chúng ta cần tuyên truyền tới các bậc phụ huynh để họ không lo lắng quá khi cho trẻ đến trường. Và khi con mình bị nhiễm Covid-19 thì cần bình tĩnh, phối hợp với nhà trường. Chúng ta cần tập trung giải quyết những hiện tượng lo lắng quá, sợ quá không cho trẻ em đến trường".

Theo chuyên gia, khi các trường mở cửa trở lại, tình trạng gia tăng các ca mắc mới và nhập viện ở trẻ em là khó tránh khỏi, bởi vậy hệ thống y tế cần chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản số bệnh nhân tăng.

Ngành y tế hướng dẫn cho các cháu điều trị, cách ly tại nhà khi các cháu bị nhiễm. Việc phối hợp với nhà trường, y tế, gia đình khi có ổ dịch xảy ra thì gia đình, nhà trường, y tế khu vực đó chuẩn bị sẵn cơ sở điều trị Nhi khoa cho trẻ em riêng. Có những trường hợp nào nặng thì tiến hành điều trị cho các cháu để các cháu không bị diễn tiến nặng khi nhiễm Covid-19, và không bị tử vong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.