Nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Nguyễn Đức Hiển, Viện nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết, nguồn gốc của ngày rằm tháng 7, lễ Vu Lan báo hiếu xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiều Liên đại hiếu cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ bằng cách nghe lời Phật dạy.
"Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng, chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng có thể làm theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
Nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Nguyễn Đức Hiển khuyến cáo, nghi thức ngày rằm tháng 7 (lễ Vu Lan) không nên tiếp cận theo góc độ thuần túy tín ngưỡng tôn giáo mà mang ý nghĩa thắp lên ngọn đuốc trí tuệ của tình thương yêu.
Đó là ý nghĩa đích thực của ngày Vu Lan, nét đẹp nhân văn trong ứng xử của những người con đại hiếu bởi sự hiếu thảo không thuộc về bất kỳ tôn giáo nào.
Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 gồm:
Tuỳ mỗi gia đình có thể cúng chay hoặc cúng mặn
Những món chay nên có trong mâm cỗ cúng rằm tháng 7 gồm:
- Xôi đỗ xanh/ xôi gấc/ xôi vò
- Gà chay
- Nem chay rán
- Giò lụa chay
- Đậu đũa luộc
- Canh nấm/ Canh rau củ chay
- Gỏi/ Nộm chay
Cúng thần linh và gia tiên:
- Gà luộc
- Xôi trắng
- Chả giò rế
- Giò lụa
- Miến gà
- Canh sườn bí đao
Mâm cúng chúng sinh lễ vật gồm có:
- Muối gạo (1 đĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong)
- Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ)
- Hoa quả (5 loại 5 mầu)
- 12 cục đường thẻ
- Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...)
- Các loại bỏng ngô, bánh, kẹo
- Tiền vàng (tiền thật các loại mệnh giá và tiền vàng mã)
- Nước : 3 chun (hay 3 ly nhỏ ), 3 cây nhang , 2 ngọn nến nhỏ.....
Theo xu hướng chung các gia đình thường cúng Rằm tháng Bảy từ ngày mùng 10 tháng bảy âm lịch đến trước ngày chính rằm (tức là ngày 15/7 âm lịch). Còn ngày 15/7 sẽ chỉ để cúng các cô hồn vương vất, không nơi nương tựa, đang bị đói ăn. Lúc này mâm cũng được dọn ngoài đường, trước nhà… nhưng không được để trong nhà, tránh trường hợp các vong hồn theo vào.
Còn với lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ cầu siêu, báo hiếu tổ tiên, nên thực hiện vào ban ngày. Tuy nhiên, dù chọn giờ nào thì việc cúng cô hồn cũng đều phải diễn ra vào trước 12 giờ đêm ngày 15/7 âm lịch.
Nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Nguyễn Đức Hiển giới thiệu bài cúng Rằm tháng 7 theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.
Hôm nay là ngày Rằm tháng Bảy…….
Tín chủ chúng con là…..
Ngụ tại…….
Thành tâm sửa biện hương hoa, lễ vật và các thứ cúng dâng, bày lên trước án.
Chúng con thành tâm kính mời ngài Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.
Chúng con thành tâm kính mời ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và tất cả các vị thần linh cai quản trong khu vực này.
Cúi xin các ngài giáng lâm án tọa, xét soi chứng giám.
Nay gặp tiết Vu Lan, ngày vong nhân được xá tội. Chúng con đội ơn Tam Bảo, Phật trời phù hộ, thần linh các đấng che chở, công đức lớn lao nay không biết lấy gì đền báo.
Do vậy kính dâng lễ bạc, giãi tỏ lòng thành, nguyện mong nạp thụ. Phù hộ độ trì cho chúng con và cả gia đình luôn mạnh khỏe, già trẻ bình an, một lòng hướng về chính đạo, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long.
Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám!
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).