Chuyên gia: Tăng thuế không hiệu quả, nên cấm túi nilon

Việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon từ 10.000 đồng lên 50.000 đồng/kg được coi giải pháp góp phần hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng giải pháp này không thực sự hiệu quả.

Chuyên gia: Tăng thuế không hiệu quả, nên cấm túi nilon

Tăng thuế có giải quyết được vấn đề?

Theo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua tháng 9/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, từ ngày 1/1/2019, mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon sẽ tăng từ 10.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg.

Đây được cho là giải pháp sẽ góp phần hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon không thân thiện môi trường. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh vấn đề hạn chế sử dụng túi nilon lại không thực sự nằm ở chính sách thuế.

“Việc tăng thuế bảo vệ môi trường dẫn đến tăng giá túi nilon không giải quyết được vấn đề vì điều này không hạn chế được người sản xuất túi nilon. Tăng lên 5.000 – 10.000 đồng người ta cũng không vì thế mà không sử dụng. Còn nếu tăng thuế, phí để một cái túi nilon có giá là 100.000 đồng thì lại không hợp lý” – vị chuyên gia nói.

Còn đối với ngân sách Nhà nước, theo TS Vũ Đình Ánh, nguồn thu từ tăng thuế bảo vệ môi trường với túi nilon là không đáng kể và nguồn thu đó không thể khắc phục được những thiệt hại do thói quen tiêu dung sản phẩm này gây ra.

Số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính cho thấy, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon những năm qua không nhiều, chỉ khoảng hơn 70 tỷ đồng.

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu túi ni lông thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường năm 2016 là 65,63 triệu USD, số thuế bảo vệ môi trường phải thu là 20,1 tỷ đồng; năm 2017 là 64,61 triệu USD, số thuế bảo vệ môi trường phải thu là 22,7 tỷ đồng; 8 tháng năm 2018 là 45,68 triệu USD, số thuế bảo vệ môi trường phải thu là 19,1 tỷ đồng.

Số thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon sản xuất trong nước năm 2016 khoảng 56 tỷ đồng; năm 2017 là khoảng 54 tỷ đồng.

Việc sử dụng túi nilon đã ăn sâu vào thói quen của người tiêu dùng Việt Nam

Một trong những nguyên nhân khiến số thu thuế bảo vệ môi trường với túi nilon không nhiều là do theo quy định, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu nhựa PE về để sản xuất túi ni lông thì lượng nguyên liệu nhựa PE sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Mặt khác, nếu túi ni lông sản xuất ra đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường hoặc trường hợp sản xuất, nhập khẩu túi ni lông để làm bao bì đóng gói sản phẩm cũng không phải nộp thuế bảo vệ môi trường.

Nên cấm triệt để?

Đề xuất giải pháp hạn chế túi nilon không thân thiện môi trường,  PGS. TS. Nguyễn Xuân Trường (Học viện Tài chính) cho biết, giải pháp đầu tiên là nâng khung thuế bảo vệ môi trường với túi nilon không thân thiện với môi trường. Hiện tại, mức thuế bảo vệ môi trường với túi nilon đã tăng kịch khung nhưng giá thành túi nilon vẫn chưa tăng đáng kể. Khi giá quá cao, người dùng thấy đắt đỏ sẽ từ bỏ dần thói quen dùng túi nilon.

Tiếp đó, phải quản lý để làm sao các cơ sở sản xuất túi nilon thực hiện đúng quy định. Một cân túi nilon hiện tại chỉ vài ba chục nghìn đồng, trong khi mức thuế còn cao hơn.

Điều này chứng tỏ, nhiều cơ sở sản xuất túi nilon này không đóng góp thuế bảo vệ môi trường, mua bán trôi nổi, không hóa đơn chứng từ. Vì vậy, theo vị chuyên gia, các cơ quan quản lý phải quản lý được nguồn thu từ các cơ sở đó để thu thuế đủ, bù đắp các tổn hại môi trường.

Thứ ba là cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền để người dân hiểu và hạn ché sử dụng túi nilon.

Tuy nhiên, TS Vũ Đình Ánh lại đề xuất giải pháp mạnh hơn, đó là cấm triệt để các loại túi nilon không thân thiện với môi trường.

“Khi cấm túi nilon, thị trường sẽ tự khắc tìm sản phẩm thay thế. Qua đó, sẽ kích thích sản xuất và sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường hơn, như việc sử dụng lá chuối bọc rau thời gian gần đây là một ví dụ về sản phẩm thay thế.

Ngược lại, nếu túi nilong vẫn tồn tại, cả hai đối tượng sản xuất và tiêu dùng đều không có động cơ tìm kiếm sản phẩm thay thế thì sẽ không giải được bài toán hạn chế túi nilon” – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Theo Anninhthudo.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.