Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Sùng bái sai rất nguy hiểm

GD&TĐ - Một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang thần tượng những hình mẫu chưa thực sự xứng đáng. Điều này dẫn tới nhiều hệ lụy khó kiểm soát, đặc biệt trong trường hợp thần tượng là một biểu tượng lệch chuẩn như những gì đã diễn ra với thành viên trụ cột của ban nhạc Hàn Quốc Big Bang. Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với Chuyên gia Tâm lý Đinh Đoàn về vấn đề này.

Ban nhạc Hàn Quốc Big Bang
Ban nhạc Hàn Quốc Big Bang

- Câu chuyện về thần tượng của giới trẻ lại có dịp xôn xao khi thành viên ban nhạc đình đám của Hàn Quốc Big Bang vướng hàng loạt bê bối. Ông đánh giá thế nào về hình mẫu thần tượng của giới trẻ Việt hiện nay?

Tôi phải nói luôn rằng: Thật lạ kỳ những “thần tượng” của một bộ phận giới trẻ Việt! Tôi thực sự ngạc nhiên khi những hiện tượng như “Hot girl Bella”, “ca sĩ Lệ Rơi”... vẫn có thể khiến các diễn đàn xôn xao và sở hữu một lượng fan không hề nhỏ.

Điều này thể hiện sự nghèo nàn về đời sống tinh thần của giới trẻ, cho thấy họ thật đáng thương giữa môi trường văn hóa hỗn tạp khi mà sự ngớ ngẩn lên ngôi một cách dễ dàng.

Cá nhân tôi cho rằng, các bạn trẻ hiện nay rất khó khăn để tìm thấy thần tượng khi họ phải thường xuyên tiếp nhận quá nhiều thông tin tiêu cực. Tuy nhiên, khi tiếp nhận những thông tin thiếu tích cực thì sự lan truyền lại quá nhanh, tới mức không thể kiểm soát. Mọi chuyện chỉ có thể lắng dần khi họ bị các hiện tượng mới thu hút.

Thần tượng ở đây như câu chuyện phiếm mà các bạn trẻ rỉ tai nhau. Các bạn thì tích cực chia sẻ, còn truyền thông thì đào xới mọi ngóc ngách liên quan đến hiện tượng mới nổi một cách vô thưởng vô phạt. Thực chất, đây được coi là sự “rỗi hơi” và không đem lại ích lợi gì.

- Ông có thể phân tích những hệ lụy khi người trẻ thần tượng sai đối tượng?

Thần tượng được hiểu là hình ảnh được hướng đến để thờ phụng, tôn sùng trong tôn giáo, hoặc có thể là bất kỳ người nào hay thứ gì được quan tâm bằng sự ngưỡng mộ, yêu mến hay sùng bái. Vì vậy, nếu sùng bái sai người, sai đối tượng sẽ dẫn đến vô vàn hệ lụy.

Thần tượng ai đó là hiện tượng tâm lý bình thường. Ai cũng có người để ngưỡng mộ, noi theo. Chúng ta vẫn khuyến khích mọi người sống và làm việc theo gương người A, bạn B… Sợ nhất là người chẳng kính nể, ngưỡng mộ một ai.

Thần tượng cũng giống như hàng hóa, đừng kêu gọi suông “Người Việt dùng hàng Việt” khi hàng Việt kém chất lượng. Cứ ngon, nhiều, bổ, rẻ, tốt… không cần hô hào người ta cũng dùng!


Chuyên gia Tâm lý Đinh Đoàn

Trước khi hàng loạt bê bối bị phát hiện và trở thành “kẻ rác rưởi” trong mắt người Hàn Quốc, Seungri - thành viên Big Bang được khen hiền lành và ban nhạc này là hiện tượng “hot” suốt một thời gian dài. Mọi phát ngôn, hành động của các thành viên đều là đề tài gây chú ý, bàn luận sôi nổi của các bạn trẻ. Thậm chí, không ít fan cuồng bỏ ăn, bỏ học, vật vã khóc lóc vì các thành viên Big Bang.

Người hâm mộ có thể ăn theo, nói theo và làm theo, chơi theo,... tất cả bắt chước theo thần tượng. Đặc biệt đối với người trẻ, khi mà "ăn chưa no, lo chưa tới", chưa đủ nhận thức để phân tích vấn đề, thường hành động theo trào lưu và số đông thì những điều học theo không qua thanh lọc đó thực sự rất nguy hiểm.

- Vậy, làm cách nào để hướng giới trẻ tới những thần tượng tích cực, thưa ông?

Hiện nay, tôi thấy hiện tượng một bộ phận không nhỏ giới trẻ nước ta thần tượng những nhân vật người nước ngoài. Bài học về xây dựng thần tượng, định hướng mối quan tâm cho giới trẻ của Hàn Quốc cho chúng ta nhiều suy ngẫm.

Họ có chiến lược xây dựng thần tượng theo hướng có mục tiêu và thương mại hóa. Vì vậy, tất cả các thông tin về các nhân vật đều được thanh lọc, kiểm định kỹ càng để phục vụ mục tiêu xuất khẩu văn hóa, xâm chiếm thế giới bằng văn hóa và nghệ thuật. Điển hình như trào lưu “tóc nâu môi trầm” từng làm mưa làm gió ở khu vực châu Á. Bên cạnh đó, các ban nhạc cả nam và nữ của nước này cũng làm các fan Việt mất ăn mất ngủ.

Cha mẹ hay nhà trường không thể dạy bảo hay định hướng các cá nhân hướng tới thần tượng cụ thể nào đó, càng không thể cấm đoán hay yêu cầu họ ngừng quan tâm đến một người mà họ coi là thần tượng.

Seungri đã tuyên bố rời khỏi Big Bang, chấm dứt sự nghiệp vì một loạt cáo buộc liên quan đến dắt mối mại dâm, trốn thuế, quay lén video sex và nghi vấn tàng trữ ma túy... Tuy nhiên, tôi khẳng định, hình ảnh đẹp đẽ trước đó của ca sĩ này không dễ dàng bị sụp đổ trong mắt những thần tượng trung thành. Thậm chí, trong “hoạn nạn” anh ta vẫn nhận được rất nhiều cảm thông, yêu mến của các fan.

Đây chính là bài học về xây dựng hình ảnh, xây dựng thần tượng của người Hàn Quốc. Việt Nam chúng ta hiện nay chưa chú trọng xây dựng các hình mẫu để làm gương cho giới trẻ. Truyền thông của ta đang làm quá xuất sắc vai trò loan tin tiêu cực còn những tấm gương tích cực thường chỉ được tuyên truyền một cách khô khan, thiếu điểm nhấn và chưa thu hút được quan tâm của dư luận.

Chuyên gia Tâm lý Đinh Đoàn
  • Chuyên gia Tâm lý Đinh Đoàn

- Ông có lời khuyên nào cho giới trẻ?

Thần tượng một ai đó là quyền cá nhân của mỗi người. Không ai có thể đưa ra lời khuyên và định hướng cho cá nhân khác về vấn đề họ tôn sùng. Hướng tới xây dựng “thần tượng nội địa” vừa gần gũi vừa thiết thực là việc nên làm và là việc lớn ở tầm vĩ mô. Hình tượng tốt chỉ được xây dựng và có chỗ đứng vững chắc trong đời sống khi nó được kết nên từ sự góp sức của truyền thông, giáo dục của nhà trường, của gia đình và chính những nhân vật cụ thể.

Trước đây, khi xây dựng nhân vật thần tượng, người ta bài bản lắm. Định xây dựng ai trở thành nhân vật điển hình, người ta định hướng cho người đó nói gì, làm gì, xuất hiện báo chí ra sao, tham gia các hoạt động xã hội thế nào. Dù có chút khiếm khuyết, cũng không “bới tinh lên” để ném đá. Họ xuất hiện tự nhiên, tự chinh phục “đám đông”, được yêu mến, được bắt chước, làm theo… Nay không có nhân vật như thế một cách đủ lớn, đủ mạnh. Thế là giới trẻ đói thần tượng trong nước, đành lấy thần tượng ngoại.

Cần nói thêm rằng, mọi nỗ lực xây dựng hình ảnh chỉ thành công khi nó gắn liền với thời đại và thị hiếu của giới trẻ.

Tôi muốn nhắn các bạn trẻ đừng để thần tượng chiếm hết thời gian dành cho việc “hâm mộ” những thứ khác. Đừng thái quá, cuồng si thần tượng đến mức chi phối lẽ sống, quên ăn, quên ngủ, quên học, thậm chí quên thân.

Các bạn trẻ nên dung hòa mặt tích cực và tiêu cực khi thần tượng một hình mẫu nào đó. Đây là bài học về bản lĩnh, về cách tiết chế bản thân và sống với những điều tốt đẹp, lan tỏa năng lượng sống tích cực để thành công.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ