Chuyên gia phân tích ba sai lầm chết người của Ukraine

GD&TĐ - Theo chuyên gia Nga, Ukraine đã sai lầm khi bỏ qua Zaporozhye và chọn Kharkov làm hướng phản công chủ đạo trong chiến dịch tháng 9/2022.

Chuyên gia phân tích ba sai lầm chết người của Ukraine

Trong bài viết trước với tiêu đề:“Chuyên gia Nga thừa nhận Moscow mắc 3 sai lầm nghiêm trọng”, chúng ta đã được biết về 3 sai lầm của Nga kể từ khi bắt đầu Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine, đặc biệt là ở mặt trận phía bắc, khu vực thủ đô Kiev và Kharkov (Kharkiv).

Điều này đã khiến Moscow đã phải trả giá rất đắt khi phải rút quân khỏi Kiev sau hơn 1 tháng giao tranh ở cửa ngõ thủ đô Ukraine, sau đó lại tiếp tục để mất hầu hết những khu vực đã chiếm được ở vùng Kharkov chỉ trong vẻn vẹn 1 tuần của tháng 9/2022.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia Nga, chính Kiev cũng mắc một số sai lầm hết sức nghiêm trọng nên đã không tận dụng được sai lầm của Nga để lật ngược tình thế trên chiến trường, để đến bây giờ Lực lượng Vũ trang Ukraine đang khốn khổ trong cuộc phản công ở Zaporozhye, trên mặt trận phía nam.

Sai lần thứ nhất của Kiev là chọn sai mặt trận phản công vào tháng 9/2022

Mặc dù vào thời điểm đó, cuộc phản công đã thành công và được tung hô hết mức, nhưng giờ đây, thực tế chiến trường đã chứng minh đây chính là quyết định sai lầm của Bộ Tổng tham mưu Ukraine, khi họ đã mở cuộc tấn công theo hướng Kharkiv (Kharkov) chứ không phải ở Biển Azov.

Ở khu vực Kharkiv (Kharkov), mọi thứ diễn ra rất đơn giản đối với Lực lượng Vũ trang Ukraine và chỉ trong chưa đầy 1 tuần, họ đã có thể đánh lui gần như toàn bộ lực lượng Nga khỏi tỉnh này, buộc quân Nga phải rút lui và chỉnh đốn lại để không bị bao vây.

Tuy nhiên, ở vùng Zaporozhye lúc đó, Quân đội Nga chưa kịp củng cố các khu vực đã đánh chiếm được, tức là “phòng tuyến Surovikin” chưa được thiết lập và cơ hội giành lại quyền tiếp cận biển Azov - mục tiêu quan trọng hàng đầu của Kiev và phương Tây - là rất khả quan.

Nói cách khác, vào mùa thu đông năm ngoái, Lực lượng vũ trang Ukraine có cơ hội chọc thủng hàng phòng ngự của Nga ở khu vực phía nam cao hơn nhiều so với hiện nay.

Ukraine đã giành lại Kharkov trong một tuần, nhưng Zaporozhye mới là hướng tấn công cần ưu tiên
Ukraine đã giành lại Kharkov trong một tuần, nhưng Zaporozhye mới là hướng tấn công cần ưu tiên

Nếu lúc đó, Quân đội Ukraine quyết định mở mặt trận phía nam, tình hình sẽ hoàn toàn khác so với bây giờ. Vậy tại sao lúc đó họ không tiến hành phản công vào khu vực này khi xét về cục diện chiến lược, Zaporozhye, Kherson, Crimea có tầm quan trọng hơn nhiều so với Kharkov?

Nếu đòn tấn công xảy ra ở đó đúng một năm trước, quân Ukraine có thể giành lại hết các vùng đất đã mất, mở rộng thênh thang con đường tới biển Azov, cắt đứt tuyến đường bộ nối lục địa Nga với bán đảo Crimea.

Ukraine sẽ có cơ hội thực sự để áp sát địa giới bán đảo này, bắn vào bán đảo bằng MLRS HIMARS của Mỹ, gây hư hại hoặc phá hủy cây cầu Crimea, làm gián đoạn nguồn cung cấp của lực lượng Nga ở khu vực phía nam, tạo điều kiện thuận lợi để tái chiếm Donbass.

Sai lầm nghiêm trọng thứ hai là bỏ lỡ thời cơ phản công

Đây là một sai lầm nối tiếp một cách hợp lý sai lầm thứ nhất, khi giới lãnh đạo quân sự Ukraine liên tục trì hoãn giai đoạn thứ hai của cuộc phản công để chờ đợi “wunderwaffe” (thuật ngữ tiếng Đức, có nghĩa là “siêu vũ khí”), giúp Nga có khoảng thời gian quý báu để củng cố lực lượng.

Nhờ điều này, Bộ Tổng tham mưu Nga đã ổn định được tình hình vào tháng 10, tháng 11 năm 2022 và có sự bổ sung binh lực quý báu, khi đợt huy động một phần bắt đầu vào tháng 9 đã mang lại những kết quả đầu tiên.

Thế nhưng, đợt điều chuyển quân tiếp theo của Nga diễn ra trong điều kiện tương đối hỗn loạn, do thiếu kinh nghiệm về sự kiện huy động quân sự quy mô lớn như vậy và chưa chuẩn bị cơ sở hạ tầng tương ứng cho một lệnh động viên vốn chưa từng được áp dụng kể từ Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Đây là cơ hội để chính quyền Kiev mở liên tiếp các đợt phản công khiến Quân đội Nga lúng túng trên khắp các chiến trường, nhưng các tướng lĩnh Ukraine đã không tận dụng được thời cơ này.

Sau chiến thắng Kharkov, nếu Kiev tiếp tục đẩy mạnh phản công, cục diện xung đột Nga-Ukraine giờ đã khác xa
Sau chiến thắng Kharkov, nếu Kiev tiếp tục đẩy mạnh phản công, cục diện xung đột Nga-Ukraine giờ đã khác xa

Nếu sau chiến thắng Kharkov, Kiev khuếch trương chiến quả và tiếp tục mở chiến dịch phản công xuống phía nam vào thời điểm đó thì thế trận phòng thủ của Nga ở Zaporozhye vẫn chưa vững chắc, “phòng tuyến Surovikin” chưa hình thành và Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ có cơ hội thành công cao hơn.

Sai lầm thứ 3 của Ukraine là quá trông đợi vào vũ khí phương Tây

Bộ Tổng tham mưu Ukraine đã trì hoãn cuộc phản công ở phía nam cho đến tận tháng 6 năm nay, vì họ không có đủ vũ khí cho việc này.

Để thành công, cần phải đảm bảo ưu thế trên không, điều đó có nghĩa là cần có các máy bay chiến đấu hiện đại với phi công được đào tạo, trực thăng tấn công và nhiều thứ khác.

Nhưng điều đó được hứa hẹn là rất xa và Kiev không thể chờ đợi được, nên quân đội Ukraine đã tiến đến “phòng tuyến Surovikin” của Nga mà không có sự hỗ trợ thích hợp từ trên không.

Rõ ràng là chính quyền Kiev hoàn toàn phụ thuộc về mặt kỹ thuật-quân sự vào tập thể phương Tây, vì tổ hợp công nghiệp-quân sự của Ukraine đã bị phá hủy phần lớn, nhưng phương Tây tập thể không thống nhất nên Kiev đã nhận được tất cả vũ khí yêu cầu, nhưng với độ trễ rất lớn.

Việc nhận được những gói vũ khí nhỏ, với số lượng vũ khí lắt nhắt như vậy không giúp Ukraine đảo ngược được tình thế trên chiến trường, mà mỗi lần như vậy lại giúp Nga có thời gian thích nghi với các vũ khí phương Tây và tìm ra biện pháp vô hiệu hóa chúng.

Các chuyên gia nhận định, nếu Lực lượng vũ trang Ukraine nhận được đồng loạt một nghìn chiếc xe tăng Leopard và Abrams, một trăm hệ thống HIMARS và cùng số lượng trực thăng tấn công Apache vào khoảng tháng 6-8 năm 2022, xung đột Nga-Ukraine sẽ đi theo một kịch bản hoàn toàn khác, thậm chí là tiêu cực hơn cho Nga.

Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây đã không làm được điều này, cuối cùng dẫn đến thất bại trong cuộc phản công xuân hè của Lực lượng vũ trang Ukraine, dẫn đến những tổn thất lớn và buộc chính quyền Kiev phải ra lệnh tổng động viên ở Ukraine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Bộ trưởng và tin nhắn

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kêu gọi: “Nếu nông dân khó, hãy nhắn tin cho tôi!”...