Chuyên gia Mỹ thừa nhận vũ khí tụt hậu

GD&TĐ -Nhà phân tích người Mỹ cho rằng, công nghệ quân sự Mỹ đã phát triển theo hướng tụt hậu so với công nghệ của Nga.

Máy bay không người lái Supercam Kamikaze mới của Nga.
Máy bay không người lái Supercam Kamikaze mới của Nga.

Brian Berletic, nhà phân tích địa chính trị, cũng là một cựu lính thủy quân lục chiến Mỹ có đánh giá cho thấy, Mỹ và phương Tây đã tụt hậu so với Nga trong việc phát triển vũ khí trong chiến tranh hiện đại.

Ông nói: "Trong nhiều thập kỷ, Mỹ và các đồng minh của họ đã bỏ quên các lĩnh vực công nghệ quốc phòng quan trọng, bao gồm phòng không và chiến tranh điện tử...". Còn Nga có được lợi thế từ việc đầu tư nhiều năm vào các lĩnh vực này, mang lại cho nước này lợi thế không chỉ về chất lượng vũ khí mà còn cả số lượng.

Ông Berletic giải thích, các mục tiêu của phương Tây trong những năm gần đây đã định hình công nghệ quân sự mới nổi.

Trong thế kỷ 21, các liên minh do Mỹ lãnh đạo chủ yếu tập trung vào chiến tranh ở Trung Đông, chống lại các chiến binh du kích hoặc quân đội nhỏ ở các quốc gia như Iraq, Afghanistan, Libya và Syria.

Trọng tâm này đã làm tổn hại đến khả năng của phương Tây trong việc cạnh tranh với các quân đội chuyên nghiệp hơn - ví dụ như Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông lưu ý rằng Mỹ và các nước khác đã tập trung vào công nghệ và chiến thuật nhằm chống lại các lực lượng nhỏ ở các quốc gia đang phát triển từ Bắc Phi đến Trung Á.

Nhu cầu bắt kịp công nghệ của phương Tây chỉ mới "được thể hiện một cách sống động" vào năm 2022 khi mà đối thủ của họ là Nga đã trình làng các loại vũ khí siêu thanh mới đầy uy lực, một công nghệ mà chưa quốc gia nào có được.

Chuyên gia Berletic cho biết: “Phương Tây vẫn tin tưởng chắc chắn vào quyền lực tối cao toàn diện của mình về mặt sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự, bất chấp ngày càng có nhiều bằng chứng ngược lại...

Trong nhiều thập kỷ, phương Tây đã coi thường sự chênh lệch giữa sức mạnh của mình và của đối thủ, thờ ơ với thực tế rằng khi công nghệ phát triển, sân chơi địa chính trị đang dần được cân bằng”.

Theo Sergey Chemezov, Giám đốc điều hành của công ty quốc phòng nhà nước Nga Rostec số lượng là thước đo mạnh mẽ về khả năng quân sự của Nga.

Ông Chemezov lưu ý rằng: “Số lượng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm được đưa vào sử dụng gần như tăng gấp đôi mỗi năm”.

Sản lượng đạn pháo của Nga “đã tăng vọt khoảng 50 lần so với năm 2021” trong khi số lượng xe chiến đấu bộ binh và các loại xe chiến đấu bọc thép khác được sản xuất tăng gấp 5 lần.

Theo ông Chemezov, Nga hiện sản xuất số lượng xe tăng gấp 7 lần so với năm 2021, đưa nước này trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về hạng mục này.

Với các thông tin như vậy, chuyên gia Mỹ Berletic đánh giá: “Nga đã liên tục mở rộng cơ sở công nghiệp quân sự của mình trong khi đồng thời phương Tây lại để cho cơ sở của họ bị tụt hậu...

Kết quả là một cuộc xung đột ủy nhiệm trong đó phương Tây tập thể không có khả năng đáp ứng chứ đừng nói đến việc vượt quá trình độ sản xuất đạn dược, vũ khí và phương tiện của Nga”.

“Và mặc dù phương Tây dường như đã hiểu sai lầm này từ lâu, nhưng họ dường như vẫn không thể nắm bắt được cần bao nhiêu thời gian để khắc phục điều này hoặc chấp nhận khả năng có lẽ là không thể khắc phục được vào thời điểm này” - vị chuyên gia Mỹ nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ