Vũ khí giá rẻ ở Gaza, Biển Đỏ đánh bại công nghệ cao phương Tây

GD&TĐ - Chỉ với vũ khí có chi phí rẻ nhưng mang lại hiệu quả đáng gờm so với các thiết bị hiện đại của phương Tây trên chiến trường Gaza, Biển Đỏ, Ukraine.

Vũ khí giá rẻ của Hamas thực sự là mối nguy đáng gờm so với sức mạnh quân sự phương Tây.
Vũ khí giá rẻ của Hamas thực sự là mối nguy đáng gờm so với sức mạnh quân sự phương Tây.

Tạp chí quân sự National Interest của Mỹ có bài đánh giá về các vũ khí giá rẻ đang được sử dụng trong các cuộc xung đột hiện nay, lại có thể khiến các hệ thống công nghệ tối tân đắt giá của Mỹ và phương Tây phải e ngại.

Theo đó, kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bùng nổ vào tháng 10/2023 đã bộc lộ nhiều khía cạnh khác trong chiến lược quân sự của phương Tây.

Khởi đầu cuộc chiến tranh, Hamas bắt đầu phóng một số lượng lớn tên lửa Qassam vào Israel.

Những tên lửa này có giá sản xuất rất rẻ với việc sử dụng nhiên liệu từ đường và phân bón, có giá khoảng từ 300 - 800 USD mỗi chiếc.

Để bắn chặn các tên lửa, Hệ thống phòng không nổi tiếng Iron Dome của Israel có giá đắt hơn nhiều lần và chi phí cho mỗi lần hoạt động cũng vô cùng tốn kém. Một bộ pin duy nhất có giá 100 triệu USD, và mỗi tên lửa Tamir mà Iron Dome bắn ra có giá khoảng 50.000 USD.

Hãy thử tính, với giá của mỗi tên lửa đánh chặn Tamir, Hamas có thể chế tạo được 91 tên lửa. Nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), thì thậm chí là 177 tên lửa.

So sánh về chi phí ở đây là hoàn toàn hợp lý. Bởi để bắn chặn 1 tên lửa Qassam, Iron Dome cần bắn ra ít nhất 1 tên lửa Tamir.

Một ví dụ khác, xe tăng Merkava của Israel dường như dễ bị tổn thương trước hệ thống súng chống tăng vác vai (RPG) tự chế của Hamas, al-Yassin.

Tính dễ bị tổn thương của xe tăng trước các hệ thống RPG, đặc biệt là trong môi trường đô thị xây dựng, không phải là vấn đề mới.

Nhưng khả năng một nhóm như Hamas có thể sản xuất hàng loạt súng RPG của riêng họ đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về khả năng chiến đấu đô thị bền vững bằng cách sử dụng xe bọc thép, ngay cả đối với những đội quân được trang bị tốt như Lực lượng Phòng vệ Israel.

Không có ước tính chi phí cho tên lửa al-Yassin. Nhưng xét đến việc tên lửa RPG-7 có thể được mua với giá khoảng 300 USD trên thị trường chợ đen, có vẻ như chúng có giá khoảng 200 USD do chi phí lao động khá thấp ở Dải Gaza.

Với xe tăng Merkava 4M có giá 3,5 triệu USD mỗi chiếc, chúng ta có thể ước tính rằng Hamas có thể sản xuất 17.500 al-Yassin cho mỗi xe tăng do Israel sản xuất, hoặc 34.155 chiếc, trên cơ sở tính theo PPP.

Vậy câu hỏi là đối mặt với xe tăng Merkava, hệ thống tên lửa chống tăng Javelin đắt tiền của Mỹ có hiệu quả hơn hệ thống tên lửa chống tăng giá rẻ của Hamas không?

Bất kỳ người lính tỉnh táo nào cũng sẽ thích một chiếc Javelin hơn một khẩu RPG khi đối mặt với một chiếc xe tăng.

Nhưng với giá 78.000 USD cho mỗi chiếc Javelin được sản xuất ở Mỹ, Hamas có thể sản xuất 390 chiếc al-Yassins, hoặc 784 chiếc trên cơ sở tính theo PPP.

UAV ZALA Lancet đối đầu Leopard II

Theo bài báo, vũ khí với chi phí rẻ có tính hiệu quả thực sự đối với các phương tiện quân sự hiện đại của phương Tây. Một bằng chứng khác là trên chiến trường Ukraine.

Máy bay không người lái ZALA Lancet của Nga được sử dụng rộng rãi để nhắm mục tiêu vào xe tăng và các phương tiện khác của Lực lượng Vũ trang Ukraine vốn được phương Tây tài trợ.

Hiện nay chúng ta thường thấy các video quay cảnh máy bay không người lái Lancet được sử dụng để tiêu diệt các xe tăng tiên tiến, chẳng hạn như Leopard II của Đức.

UAV Lancet cảm tử của Nga. Ảnh: Sputnik
UAV Lancet cảm tử của Nga. Ảnh: Sputnik

Hãy xem xét các chi phí tương đối. Một chiếc máy bay không người lái Lancet có giá khoảng 35.000 USD. Nó có vẻ dễ dàng và nhanh chóng để sản xuất, khi Tập đoàn ZALA Aero thông báo rằng họ sẽ tăng sản lượng lên “vài lần trong năm nay”.

Mặt khác, xe tăng Leopard II có giá khoảng 11 triệu USD . Nó cũng được sản xuất chậm, có thể khoảng 50 chiếc được sản xuất mỗi năm.

Với chi phí sản xuất một xe tăng Leopard II ở Đức, Nga có thể sản xuất 683 máy bay không người lái Lancet, tính theo PPP. Điều này đặt ra một câu hỏi hiển nhiên: liệu giá trị chiến trường của một chiếc Leopard II có tương đương với gần bảy trăm máy bay không người lái Lancet không? Chắc là không.

Một dẫn chứng khác là lực lượng Houthi mới đây đã công bố bắn thành công một tàu thương mại bằng tên lửa chống hạm.

Thông tin về mẫu tên lửa cụ thể rất ít, nhưng chắc chắn rằng tên lửa này có giá thấp hơn đáng kể so với các tên lửa phòng không được các tàu hải quân phương Tây sử dụng để chống lại chúng.

Thật vậy, các báo cáo đã nhấn mạnh rằng Hải quân Mỹ đang sử dụng tên lửa trị giá 2 triệu USD để bắn hạ máy bay không người lái của Houthi có giá chỉ 2.000 USD.

Rõ ràng, chúng ta có thể hoài nghi về chiến lược quân sự hiện đại của phương Tây, vốn tập trung vào sản xuất thiết bị chất lượng cao, chi phí cao với hy vọng có thể áp đảo các lực lượng kém hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ