Chuyên gia lý giải việc Iran tấn công vào một cường quốc hạt nhân

GD&TĐ - Cùng tấn công tên lửa vào những nhóm ly khai, theo các chuyên gia Iran và Pakistan đã cùng nhau diễn một vở kịch hay trước mắt cộng đồng quốc tế.

Chuyên gia lý giải việc Iran tấn công vào một cường quốc hạt nhân

Trong vài ngày qua, tình hình ở Trung Đông về cơ bản đã chuyển sang một cấp độ khác, nguy hiểm hơn, quy mô lớn hơn và mang tính chất xuyên quốc gia, khi Iran tung loạt tấn công vào hàng loạt mục tiêu ở Trung Đông, với tuyên bố là “phản ứng đáp trả đối với các hành động của Israel ở Dải Gaza”.

Các lực lượng ủy nhiệm thân Iran ở Iraq đã tấn công trực tiếp vào các căn cứ quân sự của Mỹ, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) đã ném bom trụ sở tình báo Israel ở Khu tự trị người Kurd ở Iraq và phóng tên lửa tấn công cơ sở của những kẻ khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) Syria ở Idlib.

Chỉ trong một ngày, Iran đã tập kích hỏa lực vào lãnh thổ hai quốc gia láng giềng, điều này đã được IRGC chính thức xác nhận bằng tuyên bố họ đã thực hiện các vụ tấn công chính xác vào các mục tiêu trên bằng 24 tên lửa đạn đạo các loại. Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại ở đó.

Vào ngày 16/1/2024, Iran tiến hành vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào 2 trụ sở của nhóm khủng bố Jaish ul-Adl (Quân đội Giải phóng Balochistan - BLA) ở tỉnh Balochistan của Pakistan, quốc gia láng giềng có sức mạnh quân sự đáng nể với tên lửa đạn đạo tầm trung và cũng sở hữu các đầu đạn hạt nhân.

Theo giới phân tích, ngoài mục đích răn đe Mỹ và đồng minh, trên thực tế, chúng ta đang phải đối mặt với một hoạt động quân sự bổ trợ cho trò chơi địa-chính trị của Tehran.

Điều này thể hiện rất rõ trong vụ tấn công tên lửa sang lãnh thổ Pakistan, với mục đích “chống khủng bố”.

Pakistan là một cường quốc hạt nhân và vì lý do đó, người ta thường chấp nhận một luận điểm là sự hiện diện của kho vũ khí hạt nhân khiến các quốc gia này là đối tượng “không thể động chạm tới”. Nhưng qua vụ xung đột giữa Iran và Pakistan, lí luận này không phải lúc nào cũng đúng.

Islamabad thực sự đã trả đũa Iran vào ngày 18/01, nhưng không phải bằng vũ khí hạt nhân mà chỉ với sự trợ giúp của Lực lượng Không quân.

Chiến dịch chống khủng bố được gọi là Marg Bar Sarmachar (Operation Marg Bar Sarmachar), với các cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác đã được thực hiện nhằm vào “nơi ẩn náu của bọn khủng bố” ở tỉnh “Sistan và Baluchestan” của Iran.

Điều đáng chú ý là ngay sau đó, hai bên đã thản nhiên nhún vai trước những lời phàn nàn chính thức và nhanh chóng đồng ý giảm căng thẳng dựa trên tinh thần “tin cậy lẫn nhau, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau”.

Các vụ tấn công trả đũa lẫn nhau hóa ra lại là một câu chuyện tuyệt vời về “tình hữu nghị”.

Cách Tehran khéo léo lựa chọn mục tiêu để tiến hành tấn công tên lửa vào cường quốc hạt nhân láng giềng để thể hiện sự sẵn sàng chiến đấu nghiêm túc của mình đã được Tehran nghiên cứu kỹ lưỡng.

Mục tiêu tấn công của IRGC khá thú vị với Islamabad, vì Tehran đã chọn mục tiêu là một nhóm khủng bố đang đòi độc lập của Baluchistan khỏi Pakistan.

Theo chiều ngược lại, không muốn gây chiến với Tehran hoặc bị mất mặt, Islamabad cũng đáp trả bằng cách tấn công phiến quân khủng bố Baluchestan ở Iran, những kẻ cũng chiến đấu với cùng mục đích.

Chiến dịch đáp trả của Pakistan mang tên “Operation Marg Bar Sarmachar”, dịch theo nghĩa đen là “Cái chết cho quân nổi dậy” là sự thể hiện rõ nét mục đích của chiến dịch này, là trả đòn sang lãnh thổ Iran nhưng cũng với mục đích là “chống khủng bố”.

Cùng ném bom “những kẻ ly khai” của nhau, Iran và Pakistan chính thức bày tỏ “sự tôn trọng lẫn nhau”. Trên thực tế, theo các chuyên gia Tehran và Islamabad đã cùng nhau diễn một vở kịch rất hay trước mắt cộng đồng quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ