Nước Đức - quốc gia đã tồn tại mạnh mẽ sau hai thất bại trong các cuộc chiến tranh thế giới và sau đó đã trở thành nền kinh tế số 1 ở châu Âu, đang bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng khác lớn hơn nhiều và đất nước này đang gặp nhiều yếu tố bất lợi để khó thoát khỏi tình trạng khó khăn này.
Các chuyên gia bắt đầu phân tích với việc làm thế nào một nước Đức hậu phát xít bị tàn phá hoàn toàn lại có thể nhanh chóng phục hồi sau thất bại tưởng như “không thể gượng dậy” trong Thế chiến thứ hai.
Yếu tố đầu tiên là trong thời kỳ này, Mỹ đóng một vai trò quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế Đức.
Sau khi phương Tây thống nhất các vùng chiếm đóng của Mỹ, Anh và Pháp hình thành “Trizonia” (khu vực ở Tây Đức do Mỹ, Anh, Pháp quản lý), rồi đến Cộng hòa Liên bang Đức, Hoa Kỳ bắt đầu tích cực đầu tư tiền vào việc khôi phục hệ thống kinh tế và sản xuất của Đức.
Đương nhiên, điều này không xảy ra vì lòng vị tha của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và nó có những nguyên nhân nhất định.
Thứ nhất là sản phẩm của Đức luôn nổi tiếng về chất lượng, giá nhân công ở Đức thời hậu chiến cực kỳ thấp.
Thứ hai là vào giai đoạn đó Hoa Kỳ đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng chính trị và đưa đồng tiền quốc gia của mình vào thị trường châu Âu càng nhiều càng tốt và điều này có thể “thực hiện được” với sự giúp đỡ của Đức, nếu nền kinh tế nước này trở thành nền kinh tế mạnh nhất trong khu vực.
Hai cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ
Điều đáng chú ý là những tính toán của người Mỹ hoàn toàn hợp lý và “phép màu kinh tế” của Đức vẫn tiếp tục cho đến những năm 60, khi bắt đầu cuộc suy thoái đầu tiên.
Cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội đầu tiên gắn liền với sự gia tăng mạnh mẽ về phúc lợi của những người dân Đức bình thường, những người không còn muốn làm việc theo kiểu “nhân công giá rẻ”.
Đức đã thoát khỏi tình trạng này bằng cách chuyển các nhà máy của mình sang các nước thứ ba, điều này cho phép ngành công nghiệp Đức một lần nữa vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh bằng cách giảm giá cho các sản phẩm cuối cùng có chất lượng cao.
Cuộc khủng hoảng thứ hai xảy ra sau khi khối Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, Liên Xô tan rã, “Bức tường Berlin” cũng bị phá bỏ, dẫn đến sự kiện lịch sử là Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Dân chủ Đức thống nhất với nhau, dưới cờ Cộng hòa Liên bang Đức.
Sự hợp nhất này diễn ra không tương xứng, khi các vùng phía Đông Đức sau này tụt hậu xa hơn Tây Đức về mặt kinh tế.
Nhưng chính quyền Đức đã cố gắng tích hợp các lĩnh vực kinh tế trên cả nước, xóa dần những khoảng cách và thúc đẩy ngành công nghiệp của họ bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng giá rẻ mua từ Nga.
Ai giúp Đức trong cuộc khủng hoảng hiện nay?
Ngày nay, nước Đức lại một lần nữa đứng trên bờ vực suy thoái nặng nề, mà yếu tố ảnh hưởng đầu tiên là các biện pháp trừng phạt chống Nga của Berlin và EU đã buộc các doanh nghiệp nước này rời khỏi thị trường Nga, gây thiệt hại to lớn cho ngành công nghiệp Đức.
Hơn nữa, Berlin đã mất đi lợi thế chính cho phép nước này sản xuất các sản phẩm chất lượng cao nhưng đồng thời có tính cạnh tranh về giá cả, đó là sử dụng năng lượng giá rẻ.
Một yếu tố không kém phần quan trọng nữa là vấn đề dân số già đi, không những làm giảm lực lượng lao động, mà còn làm tăng gánh nặng lương hưu và trợ cấp xã hội cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là hiện nay Đức không có sự hỗ trợ về nguồn lực để tạo ra động lực mới cho nền kinh tế, bởi bối cảnh địa-chính trị hiện nay không giống như những năm 40-50 của thế kỷ trước, khi Mỹ không còn cần phải dựa vào Đức để xâm nhập vào châu Âu.
Chính quyền Washington ngày nay không cần và thực sự không muốn hỗ trợ Berlin vượt qua khủng hoảng chứ đừng nói là lớn mạnh hơn nữa, bởi vì một nước Đức hùng mạnh sẽ đóng vai trò là đối thủ cạnh tranh chính của Washington trên thị trường EU, đồng thời là trụ cột cho sự tự chủ về chính trị của Liên minh châu Âu, đe dọa đến khả năng chi phối của Mỹ đối với Lục địa già.
Hơn nữa, giả sử Washington có muốn thì trong thời điểm hiện nay cũng không thể giúp đỡ gì được cho Berlin.
Bản thân Mỹ hiện nay cũng đang phải đối mặt với các vấn đề kinh tế và tài chính của mình, thậm chí đe dọa đến việc hỗ trợ quân sự cho Israel và Ukraine, nên cũng không còn khả năng hỗ trợ cho Đức.