Chuyên gia lý giải vì sao tiêm đủ hai liều vắc-xin vẫn mắc Covid-19

GD&TĐ - Nghiên cứu thực hiện trên các trường hợp đã tiêm đủ hai liều vắc-xin cho thấy, người mắc Covid-19 có nồng độ kháng thể trung hòa thấp hơn nhóm không nhiễm.

Người mắc Covid-19 sau khi tiêm 2 mũi vắc-xin có xu hướng hồi phục nhanh.
Người mắc Covid-19 sau khi tiêm 2 mũi vắc-xin có xu hướng hồi phục nhanh.

Tuy nhiên, xét trên từng cá thể, có những người nồng độ kháng thể trung hòa cao vẫn nhiễm Covid-19.

Tất cả người tham gia đều hồi phục

Các chuyên gia đã nghiên cứu những ca nhiễm đột phá ở nhân viên y tế được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Từ ngày 11 - 25/6 (7 - 8 tuần sau mũi tiêm thứ hai), 69 nhân viên bệnh viện có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 62 người tham gia nghiên cứu. Hầu hết những người này không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và tất cả đều hồi phục.

Nghiên cứu “Nhiễm đột phá của biến thể Delta trên nhân viên y tế đã tiêm đủ liều vắc-xin”, do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp thực hiện.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới The Lancet. Đây là lần đầu tiên một công trình nghiên cứu tại Việt Nam về tình trạng mắc Covid-19 sau khi tiêm vắc-xin (còn gọi là nhiễm xuyên hàng rào miễn dịch hoặc nhiễm đột phá) được đăng tải trên tạp chí y học uy tín thế giới.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập 22 trình tự gen hoàn chỉnh và cho thấy, tất cả người tham gia đều mắc biến thể Delta. Tải lượng virus suy ra từ giá trị Ct cao hơn 251 lần so với các trường hợp nhiễm chủng ban đầu vào tháng 3 - 4/2020. Thời gian trung bình từ lúc phát hiện bệnh đến khi có kết quả PCR âm tính là 21 ngày.

Các nhà nghiên cứu tập trung phân tích vào các đặc điểm lâm sàng, sự tiến hóa của virus và động lực của tải lượng virus và phản ứng kháng thể trong quá trình nhiễm đột phá. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá mối liên quan tiềm ẩn giữa nhiễm đột phá và mức độ kháng thể trung hòa do vắc-xin gây ra.

Cụ thể, họ so sánh mức độ kháng thể có sẵn đo được sau liều thứ hai (khoảng 14 ngày) và tháng thứ 3 sau liều vắc-xin đầu tiên ở nhân viên được tiêm chủng đầy đủ, không nhiễm Covid-19 với các trường hợp mắc bệnh.

Nghiên cứu các trường hợp đã tiêm đủ hai liều vắc-xin cho thấy, nhìn chung, nhóm người nhiễm có nồng độ kháng thể trung hòa thấp hơn nhóm không nhiễm. Tuy nhiên, xét trên từng cá thể, có những người nồng độ kháng thể trung hòa cao vẫn nhiễm Covid-19.

Nghiên cứu cũng xác định, không có mối tương quan về nồng độ kháng thể trung hòa đo được tại thời điểm nhiễm nCoV và tải lượng virus trong mũi họng. Cụ thể, có những người nồng độ kháng thể trung hòa cao, song, tải lượng virus vẫn rất cao và ngược lại.

Nguyên nhân dịch bùng phát trong bệnh viện

Trước đó, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, (hiện là Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo y văn quốc tế, trong số những người đã tiêm vắc-xin, vẫn có tỷ lệ nhất định nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, những người đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nếu nhiễm SARS-CoV-2 thì ít có khả năng phát triển thành bệnh. 

Theo các nhà nghiên cứu, người nhiễm biến thể Delta đột phá sau khi tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca có thể mắc bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên, người bệnh đã tiêm vắc-xin vẫn có thể có tải lượng virus cao, thời gian dương tính dài. Đồng thời, lượng kháng thể trung hòa do vắc-xin gây ra thấp.

Trong số 62 người tham gia, có một bệnh nhân cần thở oxy trong 3 ngày. Tuy nhiên, tất cả trường hợp đều hồi phục hoàn toàn. Điều đó cho thấy hiệu quả của vắc-xin trong việc bảo vệ chống lại Covid-19 nặng.

Theo các nhà nghiên cứu, có thể có một số yếu tố khiến dịch bùng phát trong bệnh viện. Nguyên nhân đầu tiên là tải lượng virus cao, có tương quan chặt chẽ với khả năng lây nhiễm, được ghi nhận khi chẩn đoán ở 11/53 trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên.

Ngoài ra, các văn phòng trong bệnh viện thường có máy điều hòa không khí, nhưng không có hệ thống thông gió cơ học. Đây có thể là nguyên nhân tạo điều kiện cho việc lây nhiễm SARS-CoV-2. Thời điểm đó, việc đeo khẩu trang trong văn phòng là không bắt buộc đối với các nhân viên.

“Mặc dù các kháng thể trung hòa có thể là một biện pháp bảo vệ thay thế, đặc biệt là chống lại các bệnh nghiêm trọng nói chung, nhưng chúng có thể không phải là dấu hiệu thể hiện tiến triển của bệnh và khả năng lây nhiễm đối với biến thể Delta đột phá”, các nhà nghiên cứu nhận định.

Vào thời điểm bắt đầu bùng phát, không có nhân viên nào dương tính với kháng thể N-protein. Kháng thể này phát triển để đáp ứng với vắc-xin và nhiễm trùng tự nhiên. Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ ngày 12 - 14/5, tất cả nhân viên bệnh viện được xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ bằng phương pháp PCR.

Tuy nhiên, không có mẫu nào dương tính. Những đặc điểm này cho thấy, các trường hợp mắc Covid-19 tham gia nghiên cứu đã được phát hiện ở giai đoạn đầu của quá trình lây nhiễm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.