Lợi ích của phụ nữ mang thai và cho con bú khi tiêm vắc-xin Covid-19

GD&TĐ - Phụ nữ mang thai mắc Covid-19 sẽ tăng nguy cơ tiền sản giật, sảy thai, sinh non, thai lưu. Thai phụ được xem là dễ mắc Covid-19 hơn phụ nữ không mang thai.

Vắc-xin phòng Covid-19 không gây nguy hại cho trẻ đang bú mẹ. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC).
Vắc-xin phòng Covid-19 không gây nguy hại cho trẻ đang bú mẹ. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC).

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ đang cho con bú đã được tiêm vắc-xin Covid-19 có kháng thể trong sữa mẹ.

Không ảnh hưởng khả năng sinh sản

Ngày 10/8, Bộ Y tế ban hành quyết định Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, có bổ sung, điều chỉnh một số nhóm trong khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Theo quyết định mới, phụ nữ đang cho con bú, mang thai từ 13 tuần trở lên vẫn có thể tiêm vắc-xin Covid-19, ngoài Sputnik-V.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) dẫn chứng, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra cập nhật về tiêm vắc-xin Covid-19 cho phụ nữ đang mang thai, sắp mang thai, hoặc đang cho con bú.

Theo chuyên gia này, ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy, vắc-xin Covid-19 an toàn với phụ nữ mang thai và cho con bú. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tiêm vắc-xin Covid-19 giảm rủi ro phát triển bệnh.

“Phụ nữ mang thai nếu mắc Covid-19 sẽ tăng rủi ro sinh non và các biến chứng khác nặng hơn của bệnh. Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy, tiêm vắc-xin có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ hay nam giới”, PGS.TS Trần Huỳnh cho biết.

Ông Huỳnh dẫn chứng, các hiệp hội chuyên khoa sản như Hội Y khoa Sản - Sơ sinh và Hiệp hội Bác sĩ sản phụ khoa Hoa Kỳ đều khuyến cáo phụ nữ mang thai tiêm vắc-xin Covid-19. Cụ thể, phụ nữ mang thai khi mắc Covid-19 sẽ tăng rủi ro nhập viện điều trị tích cực 3 lần so với người không mang thai.

Ngoài ra, các nghiên cứu từ Bệnh viện Đại học Michigan chỉ ra rằng, phụ nữ mang thai sẽ tạo ra kháng thể với virus sau khi tiêm vắc-xin. Kháng thể này có truyền qua thai nhi, tăng thêm khả năng bảo vệ trẻ nhỏ khỏi Covid-19 về sau.

“CDC cũng chỉ ra ngay cả khi phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 thì rủi ro truyền virus SARS-CoV-2 qua đứa trẻ là thấp. Cho con bú bằng sữa mẹ cũng không dễ lây lan virus SARS-CoV-2 cho em bé ngay cả khi người mẹ bị nhiễm Covid-19”, PGS Huỳnh chia sẻ. 

Có kháng thể trong sữa mẹ

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng vắc-xin Covid-19 ở phụ nữ mang thai khi lợi ích của việc tiêm chủng cho nhóm này lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn.
Để giúp phụ nữ mang thai đưa ra đánh giá này, cần cung cấp thông tin cho họ về nguy cơ mắc Covid-19 trong thời kỳ mang thai cũng như lợi ích của việc tiêm chủng trong bối cảnh dịch tễ của địa phương.
Đồng thời, nêu những hạn chế hiện tại về số liệu an toàn ở phụ nữ mang thai.
WHO không khuyến cáo xét nghiệm chẩn đoán mang thai trước khi tiêm chủng. Đồng thời, không khuyến cáo trì hoãn việc mang thai hay đình chỉ thai nghén vì lý do tiêm phòng Covid-19.
Theo WHO, đối với những phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phơi nhiễm với SARS-CoV-2 (nhân viên y tế) hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng (người đang mắc bệnh nền), có thể được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Đồng thời, phải được bác sĩ tư vấn, theo dõi chặt chẽ.

Chuyên gia này nhấn mạnh, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được xem là một những biện pháp phòng chống dịch bệnh tốt nhất hiện nay.

Trong khi đó, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - giảng viên Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ: “Nhiều bằng chứng cho thấy, phụ nữ mang thai mắc Covid-19 tăng nguy cơ tiền sản giật, sảy thai, sinh non, thai lưu. Ngoài ra, còn tăng tỷ lệ phải nhập hồi sức, thở máy và tăng tỉ lệ tử vong. Ngoài ra thai phụ được xem là dễ mắc Covid-19 hơn phụ nữ không mang thai”.

Cũng theo bác sĩ Tưởng, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, vắc-xin Covid-19 có khả năng sinh miễn dịch và không gây dị tật cho thai nhi. Lý giải về nguyên nhân phụ nữ cho con bú nên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, bác sĩ Tưởng cho biết:

“Bản chất của vắc-xin ngừa Covid-19 không phải là virus sống mà chỉ là các vật liệu di truyền mRNA (Pfizer, Moderna) hoặc chỉ là vector virus (AstraZeneca). Các vật liệu này không gây tác động vào DNA của người và cũng bị phân huỷ nhanh chóng.

Do đó, về mặt sinh học, vắc-xin này không có khả năng gây nguy hại cho trẻ đang bú mẹ. Hiệu quả của vắc-xin được kỳ vọng là tương tự như ở những phụ nữ khác không cho con bú”.

Chuyên gia này dẫn chứng, các báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng, phụ nữ đang cho con bú đã được tiêm vắc-xin Covid-19 (Pfizer, Moderna, AstraZeneca) có kháng thể trong sữa mẹ, được kỳ vọng là có thể giúp bảo vệ trẻ.

Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và CDC khuyến cáo có thể tiêm ngừa cho phụ nữ đang cho con bú giống như những người khác. WHO khuyến cáo không dừng cho con bú sữa mẹ vì lý do tiêm chủng vắc-xin. Công văn ngày 10/8 của Bộ Y tế cũng đã loại nhóm này ra khỏi danh sách trì hoãn tiêm chủng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ