Chuyên gia lý giải cơ chế sét đánh trúng máy bay

GD&TĐ -Máy bay nào cũng được trang bị hệ thống chống sét hiện đại nhưng trường hợp máy bay bị sét đánh vẫn cứ xảy ra.

Chuyên gia lý giải cơ chế sét đánh trúng máy bay

Máy bay nào cũng có hệ thống chống sét

Tối 10/10, một máy bay của Vietnam Airlines đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất đã bị sét đánh trúng. Theo báo cáo, vụ việc xảy ra tại khu vực đậu máy bay P79 lúc 19 giờ 58 phút. Thời điểm trên, 2 nhân viên thuộc đội dịch vụ sân đỗ của Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) đang đứng dưới bụng máy bay để chờ phục vụ. Sau tiếng sét đánh, 2 nhân viên được phát hiện bị choáng, được xe buýt đưa vào nhà ga quốc nội và chuyển thẳng đến Bệnh viện 175.

Tại bệnh viện, 2 nạn nhân bị nôn ói, xuất huyết. Đến sáng 11/10, tình trạng của 2 người đã ổn, tiếp tục ở lại bệnh viện để theo dõi. Sau vụ sét đánh, nhân viên mặt đất đã kiểm tra và phát hiện một lỗ thủng cháy sém trên vỏ máy bay. Vụ việc khiến chiếc A321 của Vietnam Airlines phải dừng phục vụ để sửa chữa.

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam cho rằng, trên tất cả máy bay đều được trang bị hệ thống chống sét để bảo đảm an toàn bay trong các vùng có nhiễu động. Vỏ máy bay làm bằng kim loại có thể dẫn điện nên hệ thống chống sét này sẽ phải kết nối để khi có dòng điện như sét đánh tác động vào, dòng điện này sẽ dàn đều lên thân máy bay và dẫn về hệ thống chống sét.

Khi bay, máy bay tạo ra ma sát rất lớn nên luôn có thanh xả điện tích trong quá trình bay. Hệ thống chống sét của máy bay cũng hoạt động dựa trên nguyên lý này, bảo đảm trong quá trình bay, máy bay luôn tránh bị sét đánh.

Khi máy bay đậu dưới mặt đất, hệ thống chống sét vẫn luôn hoạt động. Khi đó phải có dây tiếp đất để bảo đảm an toàn cho máy bay. Trường hợp xảy ra sét đánh, có thể do trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa vận hành máy bay có vấn đề, không lưu tâm đến yếu tố dây tiếp đất.

“Thông thường sét đánh vào máy bay sẽ rơi vào các điểm đầu nhọn như cánh, mũi, đuôi… Việc sét đánh tạo ra lỗ thủng như trường hợp xảy ra chiều nay tôi cũng thấy hơi lạ”, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương chia sẻ.

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương cho biết, vì tất cả các máy bay đã có hệ thống chống sét nên trong các quy định hiện hành, không có điều khoản nào buộc các sân bay cũng phải trang bị hệ thống chống sét.

Máy bay thường bị sét đánh như thế nào?

Năm 1963, tia sét đã gây ra một vụ tai nạn cho chiếc Boeing 707 của hãng Pan American ở Maryland (Mỹ). Vụ việc khiến 81 hành khách trên máy bay thiệt mạng. Thời điểm đó, phi hành đoàn mất quyền kiểm soát máy bay sau khi sét đánh.

Thông thường, máy bay bị sét đánh ở độ cao từ 5.000 đến 15.000 feet (1.524 đến 4.572 mét), thường là sau khi cất cánh hoặc hạ cánh. Sự hiện diện của mưa là một yếu tố làm tăng khả năng xảy ra sét.

Nếu sét đánh sau khi cất cánh, máy bay thường quay trở lại nơi đã khởi hành. Biện pháp này chủ yếu là để phòng ngừa, nhằm bảo đảm tất cả các hệ thống hoạt động tốt. Bởi, một số hệ thống không thể khởi động lại giữa chừng.

Hầu hết các sự cố sét đánh xảy ra vào mùa xuân và hè. Xác suất sét đánh thường giảm khi máy bay ở độ cao từ 20.000 feet (6.096 mét) trở lên.

Một vụ sét đánh có thể là trải nghiệm khá khó chịu đối với phi hành đoàn và hành khách trên máy bay. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, nó không gây ra nhiều thiệt hại vật chất cho máy bay và cũng không ảnh hưởng đến sự an toàn.

Thông thường, sét đánh vào các bộ phận nhất định của máy bay như đầu cánh hoặc mũi. Sau đó, điện tích truyền qua vỏ kim loại của máy bay trước khi đến một điểm khác như đuôi. Bản thân tiếng sét có thể gần như gây chói tai trong cabin. Tuy nhiên, phi hành đoàn cũng có thể không nghe thấy gì.

Loại và mức độ của thiệt hại mà sét đánh gây ra đối với máy bay phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm mức độ phóng điện, vị trí và thời gian. Một tia sét duy nhất có thể chứa khoảng 1 triệu vôn hoặc 30.000 ampe.

Sét có thể gây ra những ảnh hưởng nhỏ đối với bầu khí quyển, la bàn, thiết bị điện tử hàng không và để lại những lỗ thủng nhỏ trên thân máy bay, cánh tản nhiệt và đuôi. Ngoài ra, tia sét, đặc biệt là vào ban đêm, có thể khiến tổ bay tạm thời không thể nhìn thấy gì.

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, sự cố có thể dẫn đến việc tắt động cơ máy bay. Trong trường hợp hiếm sau khi bị sét đánh, một hoặc nhiều máy phát điện có thể tắt. Điều này sẽ làm tắt đèn cabin cho đến khi máy phát điện được bật lại một lần nữa.

Sét đánh có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng hàng không và gây ra sự chậm trễ tốn kém và gián đoạn dịch vụ. Để tránh những sự cố như vậy, nhân viên bảo trì phải nắm rõ các biện pháp chống sét, kiểm tra và sửa chữa đúng quy trình.

Quy trình tiêu chuẩn của phi công là cách xa bất kỳ đám mây Cumulonimbus (Cb) nào ít nhất 20 hải lý. Ngoài ra, máy bay hiện đại được thiết kế để cho phép tia sét di chuyển dọc theo vỏ máy bay mà không gây sát thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.