Chuyên gia lí giải nguyên nhân máy bay Indonesia mới mua đã bị rơi

Có thể do quá mới, những khiếm khuyết chưa lộ ra khiến máy bay của hãng hàng không Indonesia gặp nạn sau vài tháng hoạt động.

Chuyên gia lí giải nguyên nhân máy bay Indonesia mới mua đã bị rơi

Chuyến bay JT 610 của hãng hàng không Lion Air đâm xuống biển với 189 hành khách không lâu sau khi cất cánh từ Jakarta, thủ đô Indonesia.

Sự chú ý của các chuyên gia tập trung vào thực tế chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 hoàn toàn mới. Đây là tai nạn nghiêm trọng đầu tiên liên quan đến mẫu máy bay này. Chi tiết và nguyên nhân dẫn tới tai nạn chưa được xác nhận cho tới khi nhà chức trách tiến hành điều tra đầy đủ.

Nhà phân tích hàng không Gerry Soejatman cho rằng, thông thường máy bay cũ có nguy cơ gặp tai nạn cao hơn nhưng máy bay mới cũng có một số vấn đề.

"Nếu chiếc máy bay quá mới, đôi khi khiếm khuyết chỉ lộ ra sau khi phương tiện được sử dụng đều đặn. Thời gian phát hiện vấn đề luôn rơi vào khoảng ba tháng đầu tiên", Soejatman nói. Máy bay của Lion Air cán mốc ba tháng hoạt động chỉ cách đây vài tuần.

Một nhà phân tích khác, Jon Ostrower của tạp chí hàng không The Air Current, nói "luôn có những vấn đề mới phát sinh. Điều đó khá phổ biến nhưng hiếm khi đe dọa độ an toàn của chiếc máy bay. Các máy bay mới thường ít phải bảo trì bởi hầu như mọi thứ còn rất mới", Ostrower chia sẻ.

Cả hai nhà phân tích đều nhấn mạnh còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng về sự cố trong chuyến bay Flight JT 610. "Hiện tại, tôi không rõ nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn dù chiếc máy bay còn khá mới. Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng và gây ra sự cố trên máy bay kiểu này", BBC dẫn lời Ostrower.

"Nguyên nhân thường thấy là trục trặc kỹ thuật nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định điều này. Chúng ta chỉ có thể biết được chính xác khi có thêm thông tin xác thực", Soejatman nhận định.

Các thông số của mẫu máy bay Boeing 737 MAX 8. Ảnh: BBC.

Các thông số của mẫu máy bay Boeing 737 MAX 8.

Tai nạn máy bay thường là kết quả của nhiều yếu tố cả về kỹ thuật và con người nhưng chiếc máy bay quá mới cũng có thể là một phần nguyên nhân. Hồi tháng 7, Lion Air chia sẻ họ rất tự hào khi trở thành hãng hàng không đầu tiên ở Indonesia đưa vào sử dụng mẫu máy bay với 218 đơn đặt hàng trên khắp thế giới.

Chiếc máy bay gây tai nạn hôm 29/10 vừa đi vào hoạt động từ ngày 15/8. Phương tiện mới trải qua 800 giờ bay, theo lãnh đạo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Soerjanto Tjahjano.Phi công điều khiển máy bay đã liên lạc qua sóng vô tuyến với trung tâm kiểm soát không lưu ở Jakarta xin phép quay đầu không lâu sau khi cất cánh.

Ngày 28/10, máy bay này đã gặp phải một số vấn đề kỹ thuật trong chuyến bay áp chót. Nhật ký hoạt động của chuyến bay từ sân bay Denpasar ở Bali tới Jakarta hé lộ đồng hồ hiển thị tốc độ trên bảng điều khiển của cơ trưởng không đáng tin cậy.

Hiển thị độ cao ở bảng điều khiển của cơ trưởng và cơ phó cũng khác nhau. Kết quả là cơ trưởng trao quyền điều khiển máy bay cho cơ phó, phi hành đoàn tiếp tục chuyến bay và hạ cánh an toàn xuống sân bay Jakarta.

Lộ trình của chuyến bay JT 610 và vị trí máy bay gặp nạn. Ảnh: BBC.

Lộ trình của chuyến bay JT 610 và vị trí máy bay gặp nạn.

Lion Air chưa xác nhận về báo cáo, nhưng đây có thể là "vấn đề kỹ thuật" chưa được làm rõ trong chuyến bay của chiếc Boeing 737 MAX 8 từ Denpasar và Jakarta theo lời giám đốc điều hành công ty, Edward Sirait.

Sirait cho biết vấn đề "đã được xử lý theo đúng quy trình". Ông cũng chia sẻ thêm hiện nay, Lion Air đang vận hành 11 máy bay cùng loại và hãng chưa lên kế hoạch tạm dừng hoạt động của những chiếc máy bay còn lại.

Theo Boeing, 737 MAX là dòng máy bay bán chạy nhất trong lịch sử với tổng số đơn hàng lên tới gần 4.700 đơn. Mẫu MAX 8 nhận được nhiều đơn đặt hàng của các hãng hàng không, bao gồm American Airlines, United Airlines, Na Uy và FlyDubai.

Theo VnExpress/BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ