Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: “Đã giảm được lãng phí ngân sách chưa?”

GD&TĐ - Trong phỏng vấn mới đây, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (Thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hợp Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) đã đề cập với phóng viên Báo GD&TĐ về việc ông chứng kiến tận mắt thấy một lớp tiểu học có tới gần 70 học sinh thì không được quan tâm đầu tư đúng mức, trong khi ở nhiều lĩnh vực khác ngân sách của Nhà nước đang bị chi lãng phí một cách phi lý.  

Việt Nam mới đạt 15 điểm về chỉ số công khai ngân sách (năm 2017), trong khi đó điểm trung bình của thế giới là 42
Việt Nam mới đạt 15 điểm về chỉ số công khai ngân sách (năm 2017), trong khi đó điểm trung bình của thế giới là 42

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần công khai, minh bạch hơn nữa

Vấn đề cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã và đang được triển khai ở nhiều bộ, ngành. Qua quan sát, ông thấy vấn đề này có những khía cạnh gì đáng chú ý?

TS Lê Đăng Doanh: Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh hiện vẫn còn một số quy định chồng chéo giữa các bộ. Cần sự điều hòa, phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành trong vấn đề này.

Nhưng điều quan trọng nhất theo tôi là mức độ thúc đẩy công khai, minh bạch, sự kết nối của Chính phủ điện tử… hiện còn rất hạn chế. Về mặt kỹ thuật, công nghệ thông tin đã cho phép kết nối được. Nhưng mức độ kết nối đang rất khiêm tốn, khoảng 28% các bộ có kết nối. Cho nên, có vào các trang thông tin của cấp Bộ thì cũng không thấy đủ số liệu để giám sát.

“Tôi đã vào xem nhưng nội dung công khai chi ngân sách của Việt Nam. Phải khen ngợi là những công khai cấp bộ, cấp sở đã có nhiều tài liệu công khai hơn trước đây. Song những tài liệu công khai ấy chủ yếu là số liệu vĩ mô. Trong số liệu vĩ mô công khai thì toàn tổng thu, tổng chi, chi thường xuyên, chi đầu tư, rồi có tỉnh còn công khai toàn con sổ tổng chi dự án, báo cáo quyết toán… Chúng ta phải nhìn xem các nước công khai ngân sách như thế nào. Ví dụ, vào xem các trang web công khai ngân sách của Thụy Điển, của Pháp, hay trang web của Hàn Quốc… Có những công khai dài tới 2.000 trang, công khai rất chi tiết”.

TS Lê Đăng Doanh

Một điều nữa, rõ ràng ở đây có sự liên quan đến lợi ích nhóm. Tức một số quan chức nào đó đã khó khăn, hoặc miễn cưỡng để cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Ví dụ, về điều kiện nêu chung chung “công nghệ thích hợp”. Vậy “công nghệ tích hợp” là thế nào? Đối với sản phẩm của một thị trường bình dân thì công nghệ bảo đảm mức độ về vệ sinh an toàn thực phẩm là tốt rồi, còn đối với thị trường cao cấp thì có thể đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Vậy thế nào là “thích hợp”? Doanh nghiệp nói rằng “nếu tôi có phong bì dày” thì “công nghệ thích hợp”, nếu “phong bì mỏng” thì công nghệ không thích hợp”. Như vậy là chúng ta đang có những điều kiện rất mù mờ, không rõ ràng và trên cơ sở đó người nào đấy muốn thì sẽ có “chi phí” của doanh nghiệp ngoài pháp luật. Đây là điều cần xóa bỏ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: “Tôi cũng đang rất muốn biết. Kết quả các kiến nghị sau giám sát ra sao? Với giám sát triển khai như thế thì đã giảm được lãng phí chưa? Giảm lạm dụng quyền lực chưa?” (ảnh: Ban Kinh tế Trung ương)

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: “Tôi cũng đang rất muốn biết. Kết quả các kiến nghị sau giám sát ra sao? Với giám sát triển khai như thế thì đã giảm được lãng phí chưa? Giảm lạm dụng quyền lực chưa?” (ảnh: Ban Kinh tế Trung ương)

Cho nên tôi rất mong, tới thời hạn (về cắt giảm các điều kiện kinh doanh) cần phải có một báo cáo, sau đó phải tổ chức gặp gỡ với các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp lên tiếng. Chúng ta phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa. Bởi nếu chúng ta không cải thiện được môi trường kinh doanh, không giảm được chi phí về thời gian và tiền bạc của các doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp (trong nước) không cạnh tranh được với hàng hóa của các nước ASEAN khác. Ví dụ, hàng hóa của Thái Lan tràn vào Việt Nam, nếu chúng ta không bán được hàng (do Việt Nam sản xuất), thì chúng ta cũng không thể sản xuất được và chúng ta cũng không duy trì được công ăn việc làm cho người lao động... Đấy là nguy cơ thật sự, là sức ép lớn, mà chúng ta phải nỗ lực rất nhiều, để thực hiện được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Để việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thật sự có sức lan tỏa và đi vào cuộc sống, theo ông, cần phải làm những việc gì trước mắt?

TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi, trước hết, phải công khai minh bạch. Phải có bộ phận giám sát về các điều kiện kinh doanh đó hợp lý đến đâu? Cho đến nay Bộ Tư pháp đã có bộ phận xem xét các điều kiện đó có phù hợp với pháp luật hay không. Nhưng phù hợp pháp luật rồi thì có phù hợp với thực tế không? Có đáp ứng được yêu cầu của người dân không? Có cách gì để tinh giảm? Nhất là vận dụng công nghệ thông tin, đưa lên mạng Internet, thì người dân có thể truy cứu thông tin được. Như vậy cũng sẽ công khai, minh bạch và giảm bớt rất nhiều những chi phí và phiền hà.

Phải “xã hội hóa” về nhân lực trong giám sát ngân sách

Về ý kiến cho rằng hiện nay chưa có trường, lớp đào tạo cán bộ chuyên về giám sát ngân sách, trong khi đó cán bộ giám sát còn thiếu về số lượng, về năng lực. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Việt Nam mới đạt 15 điểm về chỉ số công khai ngân sách (năm 2017), trong khi đó điểm trung bình của thế giới là 42. Ngay trong khu vực Đông Nam Á thì Philippines đạt 67 điểm, Indonesia đạt 64 điểm… Việt Nam xếp sau cả Campuchia đạt 20 điểm và chỉ đứng trước Myanmar đạt 7 điểm.

Trong khi đó những tài liệu được công khai thường không chi tiết. Chỉ số tài liệu được công khai về ngân sách đối với hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách đạt 33 điểm, đối với dự thảo dự toán ngân sách đạt 78 điểm, báo cáo quý thì đạt 33 điểm, còn báo cáo cuối năm đạt 38 điểm công khai. Trong khi điểm công khai được cho là đầy đủ phải đạt hơn 60 điểm. 

TS Lê Đăng Doanh: Hiện nay, đã có nhiều các trường đại học, các học viện có đào tạo chuyên sâu về tài chính rồi. Theo tôi, không cần phải có cơ sở đào tạo riêng cho giám sát ngân sách. Cần nhất hiện nay là phải mở rộng xã hội hóa. Giám sát về tài chính, về ngân sách đòi hỏi cán bộ giám sát phải có chuyên môn rất sâu mới hiểu được về ngân sách. Nếu không có chuyên môn, đọc tài liệu cũng không hiểu, không biết gì, giống ếch ngồi đáy giếng. Thậm chí đọc thế thôi nhưng không bình luận được gì cả. Người có chuyên môn đọc báo cáo, tài liệu về tài chính sẽ hiểu được nội dung. Mở rộng xã hội hóa ở đây là phải kêu gọi các công ty chuyên môn về kiểm toán, các công ty tư vấn tài chính, giảng viên đại học (chuyên ngành), chuyên gia kinh tế... nếu mời họ tham gia giám sát thì tôi nghĩ họ sẵn sàng tham gia, thậm chí họ có thể không lấy kinh phí nếu được mời tham gia đoàn giám sát trong một khoảng thời gian mỗi đợt 5 - 10 ngày. Tôi cũng chưa thấy đoàn giám sát nào có lời mời như thế. Chứ không cần phải mỗi bộ phận giám sát phải có một đội ngũ chuyên gia riêng. Chúng ta không thể nào đào tạo được chuyên gia có khả năng “ba đầu sáu tay” giám sát tất cả các lĩnh vực được.

Ví dụ, Mặt trận Tổ quốc có tổ chức đoàn giám sát về tài chính thì có thể mời chuyên gia chuyên về tài chính cùng tham gia. Tôi nghĩ các chuyên gia sẽ hoan nghênh nếu được mời. Bây giờ nói xã hội hóa, chúng ta có thể thu tiền của người dân để làm đường được, vậy tại sao không xã hội hóa về “con người”, thu hút trí tuệ của người dân vào công tác giám sát ngân sách?

Theo TS Lê Đăng Doanh, đầu tư cho giáo dục cần phải là một trong những ưu tiên hàng đầu (Ảnh: Thanh Tuấn)
Theo TS Lê Đăng Doanh, đầu tư cho giáo dục cần phải là một trong những ưu tiên hàng đầu (Ảnh: Thanh Tuấn) 

Tổng kết giám sát ngân sách Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa qua nêu rằng: Hiệu quả giám sát ngân sách vẫn còn không ít hạn chế. Ông có suy nghĩ gì, thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh: Điều này tôi cũng đang rất muốn biết. Kết quả các kiến nghị sau giám sát ra sao? Với giám sát triển khai như thế thì đã giảm được lãng phí chưa? Giảm lạm dụng quyền lực chưa? Tôi cũng rất muốn biết hiệu quả của chi tiêu ngân sách? Hay việc cả nghìn đoàn đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài bằng tiền ngân sách, hiệu quả sau đó như thế nào? Lại có những đoàn của lãnh đạo tỉnh đi công tác nước ngoài do doanh nghiệp tài trợ, vậy đó là hình thức gì? Những điều đó có phù hợp hay không? Những điều đó công tác giám sát phải lên tiếng. Tôi chưa thấy trả lời được những câu hỏi như vậy. Có báo cáo nêu rằng hiệu quả giám sát ngân sách mới ở “mức độ nhất định”. Vậy “mức độ” đó là mức độ nào? Đây không phải câu chuyện nói có tính chất hàn lâm. Đây là câu chuyện về chi phí. Hiện nay đầu tư cho trường học của trẻ con, đầu tư cho bệnh viện như thế nào? Tôi thấy ở ngay Hà Nội có những lớp 1 có tới 70 học sinh, như thế thì học hành làm sao? Đó là những lĩnh vực cần đầu tư. Trong khi đó ở những chỗ khác lại chi tiêu lãng phí.

Rồi nói đến chuyện đầu tư công. Đầu tư BT vừa qua như thế nào? Đến mức Bộ Tài chính phải “tuýt còi” và đình chỉ. Nhưng trong công tác giám sát chưa thấy nhắc tới. Tôi thấy hình như có một số người cảm thấy hài lòng hơi sớm về công tác giám sát ngân sách, tôi thì thấy chưa thể hài lòng. Hiệu quả giám sát ngân sách hiện nay rõ ràng chưa đáp ứng yêu cầu và còn xa mới đáp ứng được. Nhìn vào xếp hạng quốc tế thì thấy rõ hiệu quả giám sát ngân sách của Việt Nam đang ở mức rất thấp.

Xin trân trọng cảm ơn trao đổi của ông!

TS Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam cần “Chi tiết hơn nữa trong công khai ngân sách. Dù hiện nay so với trước đây việc công khai này đã có rất nhiều tiến bộ. Tiến bộ một trời một vực. Nhưng chưa đủ để giám sát. Giám sát thì phải đánh giá được việc giám sát có đẩy lùi được tham nhũng? Đẩy lùi được lạm dụng ngân sách, đẩy lùi được các chi tiêu lãng phí hay không?”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.