Theo ông Hưng, Nghị định 86 cần sửa đổi rất nhiều. Nhưng với việc dự thảo mới của Nghị định đưa ra nhiều điều kiện kinh doanh hơn so với Nghị định chưa sửa đổi là chưa phù hợp. Như vậy, việc bổ sung thêm điều kiện kinh doanh cần được xem xét lại.
Cũng tại Hội thảo, để đảm bảo hợp lý, khả thi của Nghị định 86 sửa đổi, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường, giá cả cho rằng, cần đổi mới quan niệm về mô hình kinh doanh, thừa nhận thế mạnh của các đơn vị công nghệ là phát triển công nghệ phần mềm hiện đại để xử lý hệ thống dữ liệu lớn (big data); cần tận dụng thành quả của kinh tế chia sẻ để tiết kiệm nguồn lực cho xã hội.
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo |
Bên cạnh đó, cần loại bỏ các điều kiện, thủ tục không cần thiết, tạo gánh nặng và phát sinh chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Nói về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014, ông Nguyễn Đình Cung - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất, cần chuyển mạnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực này từ tiền kiểm sang hậu kiểm và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.
Theo ông Cung, trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình hay cách thức kinh doanh mới xuất hiện, quản lý nhà nước vừa phải tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng, vừa phải tạo điều kiện để các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp công nghệ xuất hiện và phát triển; thúc đẩy chuyển đổi loại hình kinh doanh truyền thống…
“Lúc này quản lý nhà nước cũng phải suy nghĩ theo thị trường, theo sự phát triển của công nghệ và phương thức kinh doanh mới, chứ không phải dùng thủ tục hành chính can thiệp…” – ông Cung cho biết.