Chương trình thu hút gần 600 học sinh và phụ huynh Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM) tham dự.
Tại chương trình, TS Tô Nhi A – giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM, chuyên gia tâm lý học ứng dụng chia sẻ rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường mà phụ huynh thường không ngờ tới. Thậm chí, một số hành vi bạo lực xảy ra không xuất phát từ mâu thuẫn trực tiếp, mà do học sinh muốn thể hiện sự bảo vệ đối với người khác.
"Không ít phụ huynh tin rằng con mình hiền lành, học giỏi thì sẽ không trở thành mục tiêu bị bắt nạt. Nhưng thực tế cho thấy, bất kỳ học sinh nào cũng có thể trở thành nạn nhân, kể cả khi các em chỉ vô tình bị lôi kéo vào một xung đột không liên quan", TS Tô Nhi A nhấn mạnh.

TS Tô Nhi A chỉ ra 2 nguyên nhân chính khiến học sinh dễ rơi vào vòng xoáy của bạo lực học đường.
Thứ nhất là do những biến đổi tâm sinh lý ở tuổi mới lớn khiến các em dễ bị kích động, khó kiểm soát cảm xúc và hành vi.
Thứ hai là sự hạn chế trong giao tiếp với cha mẹ, dẫn đến việc các em không có nơi để trút bỏ những cảm xúc tiêu cực, lâu dần tích tụ và bộc phát dưới dạng hành vi bạo lực.
"Các em cần chung sống hòa bình với căng thẳng ở tuổi dậy thì bằng cách ăn ngủ đầy đủ, tham gia thể thao bình thường, và có kế hoạch trước khi gặp chuyện không hài lòng. Với ấm ức từ gia đình, các con đừng quên mình còn có bạn bè và nhiều hoạt động lành mạnh khác để xả cơn giận", nữ Tiến sĩ khuyên.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Nghiên cứu sinh Đào Lê Tâm An (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cảnh báo về thực trạng bắt nạt học đường đang lan rộng trên không gian mạng - nơi nhiều học sinh chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Theo ông An, các hành vi như mạo danh, phát tán thông tin sai lệch, phỉ báng, công kích cá nhân hay kêu gọi tẩy chay… đều là những hình thức bắt nạt trực tuyến.
"Thầy cô và cha mẹ cần quan tâm, theo dõi sát sao và hướng dẫn các em kỹ năng ứng xử phù hợp trên mạng xã hội. Chẳng hạn, học sinh có thể sử dụng chức năng báo cáo tài khoản có hành vi quấy rối trên Facebook. Hãy ngừng đọc những tin nhắn tiêu cực để tránh bị tổn thương tinh thần. Nếu tình huống vượt ngoài khả năng tự giải quyết, các em cần mạnh dạn chia sẻ với người lớn để được hỗ trợ kịp thời", ông An nhấn mạnh.
Chương trình "Phòng tránh bạo lực học đường – Xây dựng môi trường học tập an toàn" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam tổ chức.