Hơn 800 giáo viên tiếng Anh tại TPHCM được tập huấn nâng cao hiệu quả dạy học

GD&TĐ - Nhằm từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, hơn 800 giáo viên tiếng Anh tiểu học và THCS được tập huấn nâng cao hiệu quả dạy học.

Bà Hà Đặng Như Quỳnh - Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục học, Đại học Reading (Anh) chia sẻ tại buổi tập huấn.
Bà Hà Đặng Như Quỳnh - Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục học, Đại học Reading (Anh) chia sẻ tại buổi tập huấn.

Sáng 12/4, tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, hơn 800 giáo viên tiếng Anh các trường tiểu học và THCS trên địa bàn TPHCM tham gia chương trình tập huấn “Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Anh bằng tư duy Linearthinking”.

Chương trình do Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục (Sở GD&ĐT TPHCM) phối hợp với DOL English tổ chức.

Ông Võ Thiện Cang, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo cho biết, hoạt động tập huấn nhằm góp phần thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị (ngày 12/8/2024) về tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

"Để thực hiện mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, còn nhiều khó khăn, thử thách. Vì vậy, buổi tập huấn là dịp giúp giáo viên dạy môn tiếng Anh ở các trường học cùng nhau ngồi lại, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, tận dụng các nguồn lực, nắm bắt cơ hội giúp học sinh học và sử dụng tiếng Anh hiệu quả", ông Cang nói.

tap-huan-tieng-anh-2.jpg
Ông Võ Thiện Cang phát biểu tại buổi tập huấn.

Chia sẻ tại buổi tập huấn, bà Hà Đặng Như Quỳnh – Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục học, Đại học Reading (Anh) – nhận định: phương pháp học trước đây chủ yếu theo hướng thầy cô giới thiệu từ vựng, học sinh ghi nhớ máy móc, ít có cơ hội mở rộng kiến thức.

Tuy nhiên, hiện nay, học sinh có nhiều kênh tiếp cận tiếng Anh hơn, từ đó được tiếp xúc với nguồn thông tin đa dạng, phong phú. Điều này đồng nghĩa với việc các em phải "bơi" trong một lượng kiến thức khổng lồ, đòi hỏi khả năng chọn lọc và tiếp thu một cách hiệu quả, có định hướng.

Mặt khác, hiện có rất nhiều kỳ thi, mỗi kỳ thi có định dạng (format) bài đọc và câu hỏi khác nhau gây khó khăn cho người học. Do đó, để thi tốt, người học phải “chạy đua” luyện thi để có các chứng chỉ ngoại ngữ. Thực trạng này không chỉ khiến học sinh căng thẳng, mà còn tạo ra gánh nặng tài chính cho phụ huynh và áp lực lớn cho đội ngũ giáo viên.

tap-huan-tieng-anh-3.jpg
Buổi tập huấn với hơn 800 giáo viên tiếng Anh tham dự.

Trước thực tế trên, bà Hà Đặng Như Quỳnh cho rằng, để việc học tiếng Anh thực sự hiệu quả, giáo viên cần giúp học sinh hiểu rõ bản chất của ngôn ngữ. Việc dạy và học nên hướng đến phát triển đồng thời bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Phương pháp Linearthinking sẽ giúp học sinh tiểu học, THCS học tiếng Anh theo hướng logic hiệu quả, ít bị phụ thuộc vào việc học thuộc lòng. Đồng thời, hướng dẫn các em xây dựng các kiểu tư duy như: Tư duy hệ thống, tư duy đơn giản hoá, tư duy kết nối và tư duy cụ thể hoá.

Với Linearthinking, học sinh sẽ biết cách liên kết từ vựng và ngữ pháp thành hệ thống, từ đó nâng cao khả năng xử lý thông tin khi nghe, đọc, nói và viết.

"Điều quan trọng là cần xây dựng cho học sinh khả năng tự học và tự điều chỉnh. Thay vì chỉ dạy kiến thức, giáo viên tiếng Anh nên tập trung rèn luyện tư duy học tập, giúp học sinh biết cách tư duy, tra cứu, ghi nhớ và áp dụng kiến thức một cách chủ động", bà Quỳnh nêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ