Chuyên gia hiến kế phân luồng trong giáo dục phổ thông

GD&TĐ - Theo PGS.TS. Phạm Văn Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển giáo dục: Một trong những giải pháp phân luồng trong giáo dục phổ thông đó là: Đổi mới xây dựng cơ chế, chính sách và công tác quản lý phân luồng trong giáo dục phổ thông.

Định hướng, điều chỉnh phân luồng học sinh phổ thông theo các hướng giáo dục khác nhau của toàn bộ hệ thống giáo dục phù hợp với định hướng phát triển nhân lực quốc gia. Ảnh minh họa/internet
Định hướng, điều chỉnh phân luồng học sinh phổ thông theo các hướng giáo dục khác nhau của toàn bộ hệ thống giáo dục phù hợp với định hướng phát triển nhân lực quốc gia. Ảnh minh họa/internet

Đổi mới xây dựng cơ chế, chính sách phân luồng

PGS.TS. Phạm Văn Sơn – phân tích: Xây dựng cơ chế chính sách huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp vào việc đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới đánh giá, nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp(GDNN), nhất là tuyển dụng lao động ở các cơ sở đào tạo nghề;

Đồng thời mở rộng những hình thức liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo để tiến hành đào tạo theo hợp đồng “trọn gói”; các doanh nghiệp có thể đăng ký đỡ đầu hoặc phối hợp với các cơ sở GDNN trong việc tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nhân lực và , tiếp nhận học sinh tốt nghiệp.

“Cơ chế, chính sách phải huy động được sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị -xã hội, xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, phụ huynh, học sinh và người lao động trong quá trình đào tạo và yêu cầu các cơ sở GDNN nâng cao trách nhiệm công khai chất lượng đào tạo, sau đó thông tin rộng rãi, kịp thời chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN để người học lựa chọn nơi đào tạo phù hợp” - PGS.TS. Phạm Văn Sơn đề xuất, đồng thời nêu quan điểm:

Cơ chế, chính sách phải tạo nên một nền giáo dục mở, năng động, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho người học. Cơ chế, chính sách phải thực sự hấp dẫn đối với người học, người dạy và người sử dụng lao động.

Chính sách đó được thể hiện qua mức giảm học phí, hay học phí thấp, hỗ trợ chi phí sinh hoạt; hỗ trợ điều kiện tạo và tìm việc làm; chính sách thuế, chính sách lương, phụ cấp, vay vốn; chính sách ưu đãi đối với giáo viên GDNN.

Tất cả các cơ chế, chính sách phải hướng tới người học, người dạy và người sử dụng lao động thấy có lợi, từ đó họ tự nguyện, tích cực tham gia vào quá trình phân luồng đạt hiệu quả cao.

Tổ chức các luồng học có đủ năng lực thực hiện chức năng phân luồng. Ảnh minh họa/internet
Tổ chức các luồng học có đủ năng lực thực hiện chức năng phân luồng. Ảnh minh họa/internet

Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDNN

PGS.TS. Phạm Văn Sơn – cho rằng, công tác quản lý nhà nước trong GD-ĐT cần tập trung xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch giáo dục - dạy nghề; hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách về giáo dục - dạy nghề và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Cùng với đó, cần rà soát hệ thống văn bản pháp luật đã ban hành đối với GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ. Sửa đổi, bổ sung chính sách phát triển GDNN nhằm khuyến khích toàn xã hội, nhất là các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, tổ chức và cá nhân có điều kiện, tâm huyết tích cực tham gia vào quá trình hướng nghiệp, dạy nghề; huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề; bảo đảm công bằng xã hội về cơ hội được hướng nghiệp và học nghề đối với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi.

Nhấn mạnh về vai trò tổ chức bộ máy quản lý công tác hướng nghiệp, phân luồng từ trung ương đến địa phương theo hướng gọn, tinh, hiệu quả; PGS.TS. Phạm Văn Sơn – cho rằng, cần tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về hướng nghiệp - dạy nghề cho các bộ, ngành và các địa phương, nâng cao trách nhiệm và phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của các cấp, các ngành.

Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cho các cơ sở GDNN về kế hoạch đào tạo, mở ngành đào tạo, tổ chức, nhân sự và tài chính, công tác tuyển sinh; quyết định chương trình và thời gian đào tạo; nghiên cứu khoa học, sản xuất - kinh doanh.

Mặt khác, cũng cần tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, của các đoàn thể, đặc biệt là các hội nghề nghiệp đối với hoạt động hướng nghiệp - dạy nghề. Thực hiện quy hoạch và kế hoạch đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu địa phương và khu vực kinh tế, đi đôi với kế hoạch phát triển các cơ sở đào tạo;

Ngoài ra, cần nâng cao tính minh bạch của thị trường lao động, tạo sự gắn kết giữa cung và cầu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và khu vực. Xây dựng và kiểm định chuẩn đào tạo trong các cơ sở GDNN, quản lý tốt chất lượng giáo dục đào tạo ở các trung tâm GDNN- GDTX.

Tổ chức các luồng học có đủ năng lực thực hiện chức năng phân luồng. Bộ GD-ĐT nghiên cứu từng bước giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT tiến tới đạt tỷ lệ khoảng 65 - 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT vào năm 2020 và hướng tới tăng tỷ lệ học sinh đi học nghề trong những năm tiếp theo. Định hướng, điều chỉnh phân luồng học sinh phổ thông theo các hướng giáo dục khác nhau của toàn bộ hệ thống giáo dục phù hợp với định hướng phát triển nhân lực quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ